Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới

TP - Một người đàn bà sống ở Praha có chồng chôn cất ở thành phố nhỏ vùng Bohême của Séc, thời ấy còn là Tiệp Khắc. Đã 10 năm góa phụ. Bà đã trả tiền 10 năm cho mảnh đất chồng nằm. Rồi một hôm bà sực nhớ mình đã quên gia hạn thuê miếng đất khi đã đến kỳ. 

Vội quay lại thành phố nhỏ, bà nhận ra vị trí ngôi mộ của chồng mình đã được thay bằng ngôi mộ của người khác. Còn ông không biết đang ở đâu. “Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới”, viên quản trang lạnh lùng nói. “Bà bất lực đứng nhìn cái chết thứ hai này, cái chết của một người chết cũ không có quyền sở hữu một tồn tại sau khi chết”.  

Lang thang trên đường, bà gặp lại anh.

Anh, giờ đã là một trung niên 35 tuổi, đã qua một đời vợ, đầu bắt đầu hói, nhàm chán với cuộc sống công chức đơn độc, đầy nhịn nhục với mọi sự thô thiển, đơn điệu vây quanh.

Phải mất một lúc anh mới nhận ra bà. Sau 15 năm không gặp.

15 năm trước, chàng sinh viên 20 tuổi ấy đã có cuộc tình một đêm trong bóng đêm, trong phòng ký túc xá với một người đàn bà đẹp rực rỡ hơn mình trên hai chục tuổi.

Anh không nhận ra bà, không hẳn do tuổi tác khiến bà thay đổi. Mà bởi 15 năm trước, cuộc (làm) tình duy nhất giữa hai người diễn ra trong bóng tối. Khuôn mặt và cơ thể bà cố tình giấu trong bóng tối. Điều đó khiến bà “hoàn toàn vuột thoát khỏi trí tưởng tượng của anh”.

Tôi ngạc nhiên khi người ta không trao giải Nobel cho Milan Kundera. Những tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận nghệ thuật minh triết đến dị kỳ của ông luôn thường trực xao xác nỗi - con - người. Một cách đặc biệt không trùng lẫn. Sắc lạnh, giễu cợt, lắm cay đắng và cũng tràn đầy ấm áp.

… Còn bây giờ, trong căn phòng nhàm chán của người đàn ông cô độc, họ nói chuyện với nhau. Rồi bất chợt anh không muốn để “vuột mất” bà lần thứ hai. Không phải cơn khát thèm thể xác, mà bởi tính “bất khả với tới, bất khả nắm bắt” về bà đã hành hạ anh suốt 15 năm nay. Anh muốn giải mã lại cái cơ thể và gương mặt trong bóng tối ngày xưa. Còn hơn thế, anh “ham muốn cả sự chán ngán” khi sự thật đằng sau lớp áo quần của người đàn bà đã nặng nề tuổi tác sẵn sàng phơi lộ.  

Không còn là câu chuyện về những cuộc (làm) tình với nỗi ám ảnh ký ức. Mà mở ra sự vô hạn của thể xác, cũng chính là của đời người. “Con người đáng giá hơn nhiều cái thể xác đang bị thoái hoá dần, bởi vì cái chính yếu là tác phẩm của con người, cái mà anh ta để lại cho những người khác”. “Tác phẩm con người” của bà - trong anh, cuối cùng đã chiến thắng được thời gian và dáng vẻ bề ngoài đang dần già nua.

Để rồi cuối cùng, giữa ánh sáng, bà “chầm chậm cởi bỏ chiếc váy. Bóng tối còn lâu mới đổ xuống. Lần này, căn phòng rất sáng”.

“Mọi giá trị của con người đều nằm ở cái khả năng vượt qua, ở bên ngoài mình, được là người khác và tồn tại cho người khác”. Cơ thể chúng ta không bất tử và đang tan rã dần, nhưng từ nó vẫn còn một cái gì đó phi vật chất, một cái gì đó giống với một tia sáng tiếp tục lấp lánh cả sau khi ngôi sao đã tàn lụi.

Đã có khi nào chúng ta suy nghĩ về điều đó?

__________

“Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới” (truyện ngắn của Milan Kundera - Tập Những mối tình nực cười, Cao Việt Dũng dịch, Nxb Văn học - Nhã Nam, 2009)

MỚI - NÓNG