Người 'gác cổng' ở đâu?

TP - Ít nhất 12 người nhập viện sau khi ăn pate Minh Chay, trong đó 9 bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi, kèm khó thở... Độc tố trong sản phẩm pate Minh Chay được xác định là vi khuẩn Clostridium botulinum, loại vi khuẩn kị khí, chứa độc tố cực mạnh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khoẻ, có nguy cơ gây tử vong.

Điều đáng nói, những trường hợp ngộ độc pate Minh Chay đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/7.  Ngày 19/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế,  nhận được thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ ngộ độc liên quan đến thực phẩm và hai ngày sau đó, chỉ mặt điểm tên mối nguy này chính là các sản phẩm pate Minh Chay.

Thế nhưng, cho đến ngày 30/8, cơ quan này mới có văn bản cảnh báo người tiêu dùng và yêu cầu thu hồi sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, dư luận bức xúc.

Câu hỏi được đặt ra, tại sao một sự việc liên quan đến sức khoẻ, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người tiêu dùng, mà cơ quan quản lý cần đến hơn 10 ngày mới ra cảnh báo? Giải thích cho sự chậm trễ, đại diện Cục An toàn thực phẩm nói với truyền thông lúc sự việc xảy ra rằng, chỉ có thể cảnh báo rộng rãi khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất.

Tuy nhiên, chiều 1/9, trong cuộc trao đổi với báo chí về câu chuyện này, ông Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng bác bỏ thông tin cho rằng Cục xử lý chậm trễ đồng thời lý giải một quy trình kéo dài hơn 10 ngày là do phải kiểm tra, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, phân tích và cuối cùng cho ra kết quả có độc chất Clostridium botulinum gây chết người mới... thu hồi.

Thoạt nhìn, những mốc thời gian lấy mẫu, phân tích ấy rất “đúng quy trình” nhưng thực tế nó phơi bày sự đủng đỉnh, chậm chạp của những người “gác cổng” sức khoẻ người dân. Bởi thực tế, khi phát hiện ra những trường hợp liệt cơ hô hấp, bệnh nhân phải thở máy, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân ban đầu liên quan đến pate Minh Chay nhưng vẫn để cho doanh nghiệp mặc sức tung sản phẩm ra thị trường.

 Sự cố nghiêm trọng về sản phẩm pate Minh Chay như giọt nước tràn ly trong dư luận, bởi thực tế, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm hiện có quá nhiều bất cập. Nói như thế không có nghĩa là cơ quan quản lý đứng yên, mà họ gần như chỉ chạy theo và xử lý các sự việc đã rồi.

 Với nhiều người tiêu dùng, từ trước đến nay, các thông tin về kiểm nghiệm, thanh tra, kiểm tra một sản phẩm nghi ngờ có chứa độc tố, được thực hiện theo quy trình như thế nào, mất thời gian bao lâu, không một ai nắm được hoặc biết khi mọi chuyện đã rất trễ. Vì vậy, thông tin một sản phẩm thực phẩm chứa độc tố đến được người tiêu dùng luôn đồng nghĩa với việc các độc chất đã đi vào bụng và để lại hậu quả cả nhãn tiền và lâu dài.

 12 người nhập viện cấp cứu, 9 ca trong số đó bị liệt cơ hô hấp, nguy kịch, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý thực phẩm hiện nay. Đó là tình trạng cấp phép tràn lan nhưng bỏ ngỏ công tác hậu kiểm, cứ thả gà ra đuổi hoặc đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Pate Minh chay gây ngộ độc và 10 ngày sau nó mới được điểm mặt chỉ tên là thủ phạm; trong thời gian đó, có bao nhiêu sản phẩm tiếp tục được bán ra và đã có bao nhiêu người vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm có độc mà không hề hay biết như một minh chứng cho kiểu quản lý đó.

 Sau mỗi lần thực phẩm gây họa, đụng đến bữa ăn của dân, cơ quan chức năng lại kêu gọi người dân hãy làm “người tiêu dùng thông thái” nhưng thực sự họ có thông thái được hay không khi mà người “gác cổng” vẫn ngủ quên, thả nổi quản lý như hiện nay.

MỚI - NÓNG