Nhà báo, nhà văn quốc tế

Nhà báo, nhà văn quốc tế
TP - Vụ nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, me xừ tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng, tiến sĩ danh dự vương quốc Anh, quả thật buồn cười. Làm tôi nhớ những chuyện buồn cười khác dù không hẳn giống hoàn toàn, về căn bệnh háo danh hoặc ảo tưởng, và nói chung, lố bịch của con người.

Trong một chuyến đi Mỹ mười mấy năm trước gồm một số nhà văn nhà báo, có vị đi đâu cũng tự giới thiệu mình vốn là sinh viên ưu tú của trường viết văn Nguyễn Du. Riết như vậy khiến Trần Mạnh Hảo, nhà thơ, hóm hỉnh: “Đến Nguyễn Du, Nguyễn Văn Du người ta còn chả biết là ai huống hồ học viên Nguyễn Du”.

Một bữa cả đoàn được một số luật sư Mỹ tiếp. Họ có phong cách lịch sự nhưng tôi biết thừa, họ chẳng hề quan tâm văn chương và báo chí Việt Nam, mà tiếp chúng tôi vì chương trình thiết kế như thế. Nhưng có nhà văn gặp được họ thì như bắt được của, xoắn xuýt tham vấn về luật lá, hỏi cách để ngăn chặn nguy cơ văn chương của chị bị in lậu ở Mỹ. Ối, ở trong nước còn chả ma nào thèm in lậu nữa là. Làm như “nhà văn quốc tế” không bằng.

Từ khi máy bay mới cất cánh, một nhà thơ đã bảo nhỏ tôi rằng: “Mình đi chuyến này, cả nước Mỹ nó để ý đấy”. Tôi bảo: “Anh ơi, anh có biết nước Mỹ có mấy múi giờ không”. (Ý nói  nó rộng lớn đến đâu, mà người ta lại để ý anh). Tôi với Trần Mạnh Hảo gọi anh là thi bá, vì đợt ấy đi Mỹ thấy nước này mỗi năm đều bầu thi bá, văn bá của năm. Sau này Trần Mạnh Hảo có lần hỏi thăm anh kia, nói với tôi rằng: “Thi bá của chúng ta, cái tay mà cả nước Mỹ trông chờ vào ông ấy, dạo này  thế nào”.

Một nhà thơ, không trong đoàn này, oách lắm, tôi nghe một văn hữu của ông nói  “Nếu trong chiến tranh mà ông ấy hy sinh chắc chúng tôi tạc tượng ở Trường Sơn”. Người thông minh, tài năng chứ có phải như ông nhà báo quốc tế tỉnh lỵ Nghệ An, Nghi Lộc kia đâu, nhưng cuối đời ghi quãng bảy chức danh lên danh thiếp, trong đó có cả chức mọn hưu trí gì đó ở phường.

Trần Mạnh Hảo phải cái tính tình và quan điểm văn chương thay đổi như chong chóng, có phần thiên kiến, nhưng nghe nói từ mấy chục năm trước, danh thiếp của anh đã chỉ ghi gọn lỏn: “Trần Mạnh Hảo- làm thơ” (còn không nỡ ghi “nhà thơ”).

Còn Phú Quang thậm chí không ghi gì cả ngoài tên và số điện thoại. Tôi trêu: “Thế này mới thật là kiêu ngạo đây. Nghĩ nói tên thì ai cũng biết, khỏi cần nghề nghiệp”.

Cũng như khi nhắc Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… trong các bài báo, tôi chẳng buồn gọi “nhà văn”. Nói vui là: Có ai cần dùng từ “nhà văn, nhạc sĩ” đứng trước những cái tên như: Shakespear, Hemingway, Marquez, Mozart, Beetthoven… đâu.

Sáng nay đến cơ quan, chúng tôi đều chào nhau là nhà báo quốc tế, phóng viên đặc biệt. Tôi tự  nhận là phóng viên biệt phái ở Bắc Băng Dương vừa trở về. Nói chung toàn nhà báo lớn, xuyên lục địa xuyên hành tinh cả. Cười và cũng để tự nhắc nhau chớ có “nổ” đã đành, thiên hạ chê cười, mà cũng đừng ảo tưởng gì về nghề nghiệp của mình cho dù có là nhà báo chân chính đi nữa. Hãy xem, bao nhiêu tai ương tai ách, nguy cơ chực chờ, lơ lửng, hiển hiện trên đầu, mà tất cả chúng ta trong đó có báo chí, phỏng ngăn ngừa, loại bỏ được mấy? Đứa trẻ con bây giờ, đi học cũng không yên. Bọn bệnh hoạn xông vào tận trường dâm ô, bạo hành các kiểu. Có thằng còn xông vào tận lớp học đâm chí mạng 6 đứa một lúc, chết có bị thương có. Bảo vệ trường ở đâu, làm gì? Rồi những đứa trẻ bé bỏng chết oan vì rơi từ những ngôi nhà cao tầng xuống. Vân vân. Lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ chúng. Còn lỗi của chúng ta, của cả xã hội này, là ngày càng bình thường hóa những việc không bình thường.        

MỚI - NÓNG