Nhờn luật

TP - Chi phí tạm tính để phá dỡ tầng 18 (giai đoạn 2) phần vi phạm của công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) lên tới 38,2 tỷ đồng.

Trước đó, thành phố đã phải tạm ứng chi cả chục tỷ đồng để xử lý phần sai phạm của công trình này. Hàng chục cuộc họp, hàng trăm cán bộ, nhân viên từ phường đến quận, thành phố phải vào cuộc để tham gia xử lý công trình này trong hơn 5 năm qua nhưng đến nay chưa biết khi nào có thể xử lý xong vi phạm của công trình này.

Một ví dụ khác đó là doanh nghiệp đầu tư cải tạo Công viên Tuổi trẻ cách đây hàng chục năm trước đã lợi dụng danh nghĩa “xã hội hóa” để vi phạm, xây thêm hàng chục hạng mục nằm ngoài thiết kế, quy hoạch. Hàng chục lần kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo xử lý nhưng đến nay công trình vi phạm vẫn nghênh ngang thách thức dư luận.

Điều xót xa nhất đó là công viên mang tên “Tuổi trẻ” duy nhất của Thủ đô từng được xem là công trình thanh niên một thời bị biến thành một tổ hợp ăn nhậu, trông giữ xe quy mô lớn. Chức năng công viên phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh thiếu niên và nhân dân từ lâu đã không còn.

Với cả hai công trình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố nhiều lần chỉ đạo nhưng việc xử lý vẫn “đá ném ao bèo” kéo dài hết năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác!

Vì sao những vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội nhức nhối đến vậy? Theo Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc xử lý không nghiêm, giơ cao đánh khẽ. Cán bộ, công chức vi phạm chỉ bị rút kinh nghiệm, khiển trách, cảnh cáo hoặc nặng nhất là cho thôi việc, điều chuyển công tác!

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng: Các vụ vi phạm trật tự xây dựng vừa qua quy mô rất lớn, gây bức xúc dư luận, xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự kỷ cương nhưng điều đáng buồn là việc xử lý quá nhẹ. Trách nhiệm của cán bộ trong các vụ việc khá rõ nhưng vấn đề là vì sao không xử lý hình sự?

Luật pháp quy định rất đầy đủ về hành vi của cán bộ, công chức trong các trường hợp này như thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xác định có cấu kết giữa bên vi phạm như chủ đầu tư với cán bộ thanh tra xây dựng, bên cấp phép, UBND phường… thì phải xử lý hình sự nặng hơn và đó là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Mặt khác, theo Luật viên chức, Luật cán bộ, công chức nhà nước đều quy định nếu hành vi của cán bộ, viên chức gây thiệt hại cho nhà nước đều phải bồi thường. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng bùng phát nhức nhối như vừa qua chính là do cả chủ đầu tư và cán bộ thực thi công vụ “nhờn luật”. Qua đây chúng ta cũng thấy nếu không có cán bộ, công chức tiếp tay, lờ đi sai phạm thì làm sao các chủ đầu tư có thể làm mưa làm gió được như vậy?

“Không riêng 8B Lê Trực. Tôi biết không ít chủ đầu tư khác vi phạm mức độ nghiêm trọng hơn nhiều nhưng xử lý vẫn kiểu chiếu lệ. Theo tôi không có giải pháp nào khác là phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật, với các vi phạm nghiêm trọng như 8B Lê Trực phải xem xét xử lý hình sự thì mới có tính răn đe, mới đủ sức ngăn chặn vi phạm, trục lợi từ việc phá vỡ quy hoạch, băm nát cảnh quan”, Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Theo chúng tôi, khi tình trạng nhờn luật chưa được ngăn chặn thì con voi mãi chui lọt lỗ kim!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.