Những chiếc ghế trống

TP - Hiếm có nhiệm kỳ nào mà mới đi qua nửa nhiệm kỳ, QH đã phải “chia tay” 7 đại biểu. 

Có những đại biểu mất đi để lại nỗi thương tiếc của cử tri về sự cương trực, ngay thẳng, mạnh mẽ nói lên tiếng nói tại nghị trường như đại biểu Ngô Văn Minh. Sự ra đi đột ngột của ông đã để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng cử tri, trong lòng những phóng viên báo chí theo dõi đưa tin về Quốc hội.

Ấn tượng của tôi ở ông là ánh mắt sáng, cương nghị, nụ cười híp mắt khi gặp phóng viên bên hành lang, đặc biệt là sự thẳng thắn, bộc trực của người Quảng Nam, sự thẳng thắn đến nảy lửa khi chất vấn các bộ trưởng, như việc tại sao để Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, có phải là "con voi chui lọt lỗ kim".

Nhớ lần cuối nhiệm kỳ trước, tôi ra bắt tay hỏi anh còn tuổi để tiếp tục tham gia Quốc hội chứ, đại biểu Minh nắm chặt tay tôi cười: "còn chứ", cử tri còn tin tưởng mình sẽ tiếp tục tham gia, đi đến cùng các vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc. Vậy mà ông đã ra đi được gần một năm rưỡi rồi, để lại chiếc ghế trống tại nghị trường.

Tại đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam cũng có mội đại biểu phải chia tay Quốc hội, nhưng nguyên nhân do đã bị khởi tố, bắt tam giam và tòa phúc thẩm đã tuyên có tội là ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí. Không chỉ riêng ông Khánh để lại chiếc ghế trống tại phòng họp Diên hồng mà còn một loạt đại biểu khác, người thì bị mất quyền, người thì được cho thôi nhiệm vụ đại biểu như: Ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh...Chiếc ghế trồng bà Thanh để lại cũng gây nhiều tranh cãi, khi nhiều ý kiến cho rằng với những vi phạm nghiêm trọng, bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ trong Đảng thì bà Thanh phải bị bãi miễn đại biểu chứ không phải là cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe và có đơn xin thôi.

Khi một đại biểu Quốc hội mất đi, thôi làm nhiệm vụ đại biểu hay bị miễn nhiệm sẽ khiến khu vực bầu cử bị thiếu đại biểu, đồng nghĩa tiếng nói của địa phương đó bị ảnh hưởng tại Quốc hội. Sự gắn bó giữa cử tri với đại biểu sẽ không còn chặt chẽ khi cử tri mất đi đại diện của mình, sẽ khó khăn hơn cho cử tri khi muốn phản ánh tâm tư của mình qua đại biểu để tới Quốc hội.

Tuy nhiên, những chiếc ghế trống khi đại biểu Quốc hội vi phạm, đến mức bị kỷ luật, dình vào vòng lao lý, bị khởi tố, bắt giám, ngoài khoảng trống tại nghị trường, khoảng trống quyền lực tại địa phương nơi họ ứng cử, cũng đặt ra vấn đề lựa chọn đầu vào Quốc hội. Những vi phạm của ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự và mới đây nhất là bà Phan Thị Mỹ Thanh không phải là mới mà đã xảy ra từ nhiều năm trước.

Như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nói với báo chí chiều qua: "Chúng ta lựa chọn ứng viên một cách rất bài bản, giới thiệu từ cơ sở lên, rồi đưa ra Mặt trận để hiệp thương. Quá trình đó chúng ta làm rất chặt chẽ, bài bản mà vẫn “lọt” người như vậy thì tôi cho rằng các tổ chức, xem xét, đánh giá công tác cán bộ và công tác hiệp thương của mặt trận chưa được nghiên cứu kỹ."

Theo ông Lợi, vấn đề quan trọng là công tác quy hoạch và hiệp thương của chúng ta chưa chắc chắn và có lẽ cũng có lỗ hổng nào đó.

Lỗ hồng nào rồi cũng phải nhanh chóng bịt lại, những rõ ràng những chiếc ghế trống tại nghị trường trong nhiệm kỳ này dù bất cứ với lý do gì cũng là một nỗi buồn của Quốc hội.

MỚI - NÓNG