Những kẻ rải đinh

TP - Đã bắt được kẻ rải đinh trên cầu vượt biển dài nhất Việt Nam dẫn ra đảo Cát Hải (Hải Phòng). Đó là một con nghiện kiêm thợ sửa xe máy. Sinh năm 1998, mới tròn 20 tuổi. Quá đau xót. Một cuộc đời gần như thất bại hoàn toàn khi mới bước tới cái ngưỡng đầu tiên của nó. Một số phận chỉ có phép màu có lẽ mới cứu vãn được?

Hôm qua lại thêm vài nỗi đau xảy đến với đội ngũ những người làm giáo dục – một ngành đang bị chỉ trích nhiều nhất trong những ngày qua. Một thầy giáo thể dục ở Gia Lai bị tố cưỡng hiếp học sinh lớp 8. Trong bữa “tiệc ma túy” (như cách giật tít của báo chí) hôm qua ở Hương Khê - Hà Tĩnh có sự góp mặt của cán bộ ngành giáo dục,... Những con sóng bồi vào cái bờ đã lở tan hoang nhiều chỗ. Con nghiện rải đinh có đi học không, học đến lớp mấy?

Nhưng nhìn lại xem. Cả nước có trên 22 triệu học sinh, sinh viên và trên 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Có gần 45 ngàn ngôi trường từ mầm non đến cao đẳng, đại học. Điểm lại tất cả mọi sự cố về giáo dục, xem tỷ lệ là bao nhiêu?

Một người thầy cả đời tận tụy với bao thế hệ trò nhỏ, vẫn hoàn toàn vô danh, không có cơ may nào được lên báo. Đang có hàng triệu người thầy người cô như thế khắp vùng núi non, hải đảo, mọi miền quê nghèo trên đất nước chúng ta. Nhưng chỉ với cái tát, ly nước giẻ lau, cú ra đòn hay ít khẩu phần bị bớt xén, là đình đám lập tức. Đời là vậy. Báo chí cũng là vậy. Thế giới người ta đã thống kê đa phần bạn đọc hàng ngày chỉ ưa hóng chuyện xấu, hoặc chuyện “lạ” thiên về hướng chẳng mấy lành mạnh, tốt đẹp. Do xu hướng bẩm sinh của não bộ con người thường thích ứng hơn với những tin xấu, được gọi là “thiên vị tiêu cực”. Một bài viết đàng hoàng trên facebook chẳng thu được mấy like, và ngược lại.

Những tin xấu, những scandal như những chiếc đinh rải vu vơ trên đời này, nhưng ngày ngày cắm vào mỗi chúng ta những nhát cắm định mệnh. Nhói đau. Xoáy sâu. Vết thương không liền miệng. Cơn đau mới nhắc lại vết thương cũ.

Và chúng ta cũng chính là những kẻ rải đinh. Từ việc sản xuất ra những cái tít trên báo chí đến từng cái “tút”, từng bình luận trên mạng xã hội, xoáy sâu vào tiêu cực. Thậm chí nhiều việc không có thật, vẫn tạo ra những thứ “hậu sự thật” (Post-truth) đầy tai hại.

Cha đẻ của tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” Alexandre Dumas (cha) từng nói, rằng lịch sử “chỉ là cái đinh để nhà văn móc chiếc áo/tác phẩm của mình lên”. Nhưng còn cuộc sống đang tuôn chảy muôn hình vạn trạng, đóng đinh vào đấy chúng ta treo lên những gì? Rải đinh vào đấy, chúng ta gặt hái được những gì? Những cái đinh làm từ loại vật liệu “thiên vị tiêu cực”.

Đời sống vẫn vậy, xù xì thô ráp đầy rẫy thiên vị và đắng cay. Nhưng trác tuyệt và đáng sống. Dù nhiều lúc chúng ta xem những gì cuộc sống đã chắt chiu đem lại cho mình “chả là cái đinh gì”!

MỚI - NÓNG