Nối tiếp sai lầm

TP - Đã 15 năm ở Sài Gòn, tôi không còn đếm được bao lần phải bì bõm với ngập nước, kể cả những lần trầy trật trở về nhà mỗi khi gặp phải đại hồng thuỷ ập đến. 15 năm, từ lúc thành phố điểm mặt chỉ tên có 100 điểm ngập, giờ đây, nhiều người hài hước thành phố chỉ còn một điểm ngập- đó là ngập toàn thành phố.

Không quá khó để người dân nhận diện được nguyên nhân ngập ở đây, bởi nó được mổ xẻ nhiều đến nỗi ai sống ở thành phố 13 triệu dân này cũng biết được ngập là do quá trình đô thị hoá, kênh rạch bị lấn chiếm, bê tông hoá tràn lan hay biến đổi khí hậu- nước biển dâng… 

“Sai lầm nối tiếp sai lầm”- câu nói này được GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, nhắc lại nhiều lần khi nói chuyện bên hành lang hội thảo “Tìm giải pháp chống nhập cho TPHCM” do báo Tiền Phong tổ chức sáng qua. Người từng có 50 năm nghiên cứu về lĩnh vực đô thị và ngập nước không ngần ngại chỉ ra, nguyên nhân ngập do… con người.

Câu chuyện mắc sai lầm mà giáo sư Bá nói đến đó là quy hoạch thoát nước đô thị trước đó sai cơ bản.  Quy hoạch manh mún, chưa hệ thống, chưa bao quát, bởi chưa đặt thành phố vào vị thế là “một đô thị bán ngập triều”, là đô thị nằm trên vùng kênh rạch, nền đất không ổn định, lại có tầng hữu cơ dày, mỗi ngày 2 lần nước triều ra vào và chênh lệch đỉnh triều…

Không thấy được “một đô thị bán ngập triều” cũng đồng nghĩa trong quy hoạch thiết kế kênh mương, cống thoát nước không tính toán phần nước lưu trong đó, chưa kể cống thoát nước phải lớn gấp 1,5 đến 2 lần bình thường cũng không được xem xét trong khi kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm khiến việc thoát ngập rất khó khăn.

Tưởng như lỗi quy hoạch ấy sẽ được nhìn nhận một cách rõ ràng thì thêm một sai lầm nữa lại đến khi thành phố đã quy hoạch và thi công các cống hộp. “Đây là một thất sách”- giáo sư Bá nói.

Dẫn chứng từ vị giáo sư đầu ngành quy hoạch đô thị đưa ra là sau 14 năm biến thành cống hộp khiến nước ứ đọng, ô nhiễm ở đầu và cuối cống hộp trở nên trầm trọng vì lượng thoát quá ít. Quận 6 đã “dũng cảm” khơi lại kênh Hàng Bàng. Thế mà gần đây người ta lại quy hoạch cho kênh Xuyên Tâm chảy từ Gò Vấp về quận Bình Thạnh rồi ra sông Sài Gòn thành nhiều đoạn dài cống hộp. Đây thực sự là sai lầm nối tiếp sai lầm.

Lấy trận mưa khủng khiếp diễn ra vào ngày 25/11 vừa qua với vũ lượng đến 400mm, khiến cả thành phố chìm trong nước,  giáo sư Nguyễn An Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM  nói, trận ngập này đã “phơi lộ” những mặt kém cỏi của hệ thống chống ngập tại Sài Gòn. Ông Niên đặt yếu tố “nhân tai” bên cạnh ngập do mưa lớn và triều cường, hệ thống thoát nước cũ bị quá tải để thấy rằng con người có vai trò không nhỏ khiến thành phố ngày càng ngập hơn. Ông nói tác động của con người nảy sinh trong hoạt động quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình cao ốc, san lấp nền dẫn tới thu hẹp mặt cắt sông, rạch làm cản trở dòng chảy là một mối lo thực sự. Thế nhưng, mối lo do con người ấy dù đã được nhắc đến nhưng thực sự vẫn chưa có một ai bị quy trách nhiệm rõ ràng. 

MỚI - NÓNG