Nước đã đến chân

TP - Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi áp sát TPHCM, lãnh đạo thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối phó như chốt chặn kiểm tra, ngưng nhập lợn từ nhiều nơi có dịch, nhưng liệu có khả thi?

Sau nhiều ngày tạm lắng, mới đây, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bị mất kiểm soát và lan vào các tỉnh miền Nam. Ngày 11/5, Bình Phước đã công bố dịch, vài ngày trước đó tại Đồng Nai cũng phát hiện dịch tại 2 xã Trảng Bom và Nhơn Trạch. Hòa Bình là địa phương đầu tiên trên cả nước công bố hết dịch nhưng nay cũng đã tái dịch.

Liệu có chặn dịch, dập dịch được không khi mà “người tra, kẻ trốn”? Cụ thể, lúc mới có thông tin địa phương có lợn mắc dịch, các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, Bình Phước ngay lập tức bán tống, bán tháo gây thêm khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, khống chế dịch lan rộng. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai (nơi xuất hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở phía Nam), giá lợn hơi đã giảm từ 43.000 đồng/kg (cách đây 1 tháng) xuống còn 37.000 đồng/kg. Thậm chí có nơi, do người nuôi bán ồ ạt, thương lái chỉ trả giá 34.000 đồng/kg. Lượng thịt lợn về các chợ đầu mối của TPHCM những ngày qua luôn ở mức cao, có ngày lên đến 5.500 con. Nguồn cung tăng đột biến khiến nhiều phiên giao dịch chậm, giá giảm về cuối phiên.

TPHCM hiện có 4.000 hộ chăn nuôi lợn (gần 280.000 con), trong đó có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, không nấu chín, cho lợn ăn nên khả năng lây lan cao. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, dịch bệnh không lây cho người. Nhưng lợn bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TPHCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả ngàn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội…

Hiện, TPHCM đã lập 3 phương án để đối phó là: lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa; tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45-50% lợn cung cấp cho TP HCM đến từ Đồng Nai. Thành phố tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc; kiểm soát trong nội bộ, không để giết mổ trái phép và tập trung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Dịch” đã đến chân nhưng “nhảy” như thế nào, khi mà cơ quan chức năng vẫn chủ quan, lúng túng. Khi mà còn quá nhiều người vẫn hồn nhiên “chạy dịch” chỉ vì cái lợi trước mắt?

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.