Pháp luật cục bộ

TP - Những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn.
Pháp luật cục bộ ảnh 1 Ông Vũ Tiến Lộc

Một trong những bất cập lớn hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật, trong đó riêng lĩnh vực về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu đã có tới 20 điểm chồng chéo. Các xung đột này đã hạn chế mặt tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nó cũng là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án. Bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình, còn cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, cho nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.

Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bị phân mảng mà chưa phải là một hệ thống đồng bộ, minh bạch. Có người gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”. Mặc dù tất cả các đạo luật đều do Quốc hội ban hành và hầu hết các đạo luật đều do Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó người ta vẫn quen gọi “Luật của bộ này, Nghị định của bộ kia” là có lí do.

Trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình co kéo thêm quyền cấp phép, quyền thanh kiểm tra về cho cơ quan, bộ ngành mình. Trong khi đó, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thỏa hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo. Tuy vậy, một số cán bộ có trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật có tâm lý không quan tâm đến những công việc nếu không ảnh hưởng đến bộ ngành mình hoặc “dĩ hòa vi quý” không muốn gây căng thẳng với bộ ngành khác nên vẫn chấp nhận tình trạng những nội dung, những điểm chồng chéo, xung đột được đưa vào văn bản pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, cần rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng và thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật hiện có trong chương trình các kỳ họp tới. Bên cạnh đó, cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này. Hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành. Ở các Bộ ngành, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một tổ chức độc lập thuộc bộ chứ không nên giao cho các vụ, cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép. 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.