Phạt nặng sẽ hình thành ý thức

TP - Ghi nhận của PV Tiền Phong về những con phố thủ đô sạch bong không một cọng rác tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm trong những ngày qua cho thấy một điều, nếu quyết tâm thực thi luật pháp một cách nghiêm minh ắt tệ nạn xả rác bừa bãi sẽ bị đẩy lùi. Những người Việt có thói quen xấu tiện đâu vứt đấy sẽ phải chùn tay. 

Cũng cần nhắc lại vài dòng về Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực từ 1/2/2017, tức cách đây đã hơn 1 năm, bởi e rằng nhiều người đã quên. Theo đó, vứt một đầu mẩu thuốc lá hay gạt tàn nơi công cộng đã bị phạt 500.000-1.000.000 đồng; “phạt từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”.

 Hóa ra, sự thay đổi nhanh chóng bộ mặt khu vực Hồ Gươm chỉ đơn giản bởi UBND quận Hoàn Kiếm đã kiên quyết thực thi một quy định của luật pháp đã ban hành mà thôi. Đơn cử, phường Hàng Bạc xử phạt 2 trường hợp với số tiền 12 triệu đồng; phường Hàng Buồm phạt 10 trường hợp, với số tiền 10,7 triệu đồng; phường Hàng Gai 7 trường hợp, với số tiền 8,5 triệu đồng; phường Trần Hưng Đạo 5 trường hợp, với số tiền 7 triệu đồng; phường Hàng Bài 1 trường hợp, với số tiền 4 triệu đồng.

 Nhớ lại, năm 2004 khi lần đầu sang Singapore, theo cảnh báo của một người bạn về sự nghiêm minh của luật pháp quốc đảo Sư tử, đi đâu tôi cũng phải kè kè một vỏ bao thuốc trong túi quần để gạt tàn khi hút thuốc ngoài đường. Không có chuyện nhắc nhở hay xin xỏ, chỉ cần vứt một đầu mẩu thuốc xuống đường bạn sẽ bị phạt 200-300 đô la Singapore (tương đương khoảng 3,4-5,1 triệu đồng), nếu trong vòng 7 ngày không nộp xin mời hầu tòa và mức phạt có thể tăng nặng hơn. Báo chí nước này từng đưa tin, một người đàn ông đã bị phạt tới 15 ngàn đô la vì đã vứt tổng cộng tới 34 đầu mẩu thuốc lá ra ngoài cửa sổ căn hộ mình đang sinh sống, chưa hết anh ta phải chấp hành thêm hình phạt bổ sung là lao động công ích 5 tiếng với chiếc áo ghi dòng chữ “lao động cải tạo”.

 Trở lại câu chuyện của Việt Nam, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Urenco – đơn vị được giao quay camera giám sát ở khu vực Bờ Hồ - lo ngại, sắp hết 1 tháng thí điểm ra quân thì tình trạng vứt rác sẽ có nguy cơ tái diễn. Thậm chí, đơn vị này cũng lo chuyện không đủ lực lượng giám sát,  chưa kể nhiều khi gặp các đối tượng hung hãn, nguy hiểm cho chính nhân viên công ty. 

 Theo tôi, để tạm thời tháo gỡ vướng mắc trên, UBND quận Hoàn Kiếm bằng cơ chế nào đó, nên mạnh dạn trích một phần số tiền xử phạt để trả “thù lao” cho chính các nhân viên Urenco đi xử phạt. Về lâu dài, cần thành lập bộ phận chuyên trách thực thi nhiệm vụ với một cơ chế đồng bộ, từ nhân sự cho đến trang thiết bị và quỹ lương. 

 Nhớ lại, các quy định xử phạt về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, tiếng ồn trong khu dân cư, dắt chó ra đường không rọ mõm… cũng ban hành từ nhiều năm nay,  song rất tiếc hầu như chưa phạt được ai. Vấn đề là ở chỗ, quy định pháp luật có đủ hết, nhưng dường như đang thiếu cơ chế để vận hành bộ máy thực thi công vụ, hay vì một lý do nào đó mà các lực lượng thực thi không quyết tâm thực hiện việc lẽ ra họ phải làm?

 Việc làm của quận Hoàn Kiếm rất đáng được tổng kết, nhân rộng, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, từ những việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Để hình thành ý thức, trước tiên hãy thực thi pháp luật nghiêm minh. Bài học của Singapore và thực tế từ quận Hoàn Kiếm là những ví dụ đầy thuyết phục!

MỚI - NÓNG