Phức cảm bóng đá

TP - Trừ 2018 ra, tôi không nhớ chính xác lần gần nhất mình xem bóng đá nội là khi nào, chắc độ mười mấy năm trước. Còn trước cả vụ sa ngã của một số cầu thủ cơ. Mười mấy năm, đến World Cup còn thờ ơ. Thế rồi một ngày bỗng thấy mình lẩn mẩn dọ hỏi (thể thức và lịch đấu), đọc chác (thông tin các loại), toan tính (như một fan chân chính)...

MỘT NGÀY CHẲNG NHƯ MỌI NGÀY

 Với ba giải lớn năm qua, một ngày có đội nhà thi đấu trận quan trọng của tôi diễn ra thế này: Thức ăn chuẩn bị sớm cho cả ngày, không ăn cơm, cách rách, mà đồ Tây hoặc ngô khoai sắn gì đấy. Một ít đồ vặt để nhâm nhi. Dọn dẹp nhà cửa đâu ra đấy, “sân khô bãi thoáng”. Mấy trận cuối của giải AFF đá vào ngày đông giá, cả nhà quấn chăn ngồi thu lu trước màn hình không vì rét mà vì run, hồi hộp. Xem xong trận cầu đinh thì mất cả đêm dành cho dư âm của nó. Cơ khổ. 

Loay hoay, thấp thỏm, mất công mất việc cả mất ngủ như thế, nên cầu thủ nào đá không chắc chắn hoặc hay phạm lỗi ở khu vực nguy hiểm hoặc bỏ lỡ cơ hội ngon ăn, liền bị bà con cổ động viên liệt vào hàng  “thánh bóp” (thánh bóp tim- chuyên làm thót tim, thậm chí nửa Việt nửa Anh- thánh bóp team). 

Bóng đá khêu lên ngọn lửa nhiệt tình đang hồi nguội lạnh, kích hoạt năng lượng, đánh thức đam mê và khát vọng. Bình thường người Việt ít ôm nhau, ít biểu hiện tình cảm. Thì khi ngụp lặn trong tình yêu bóng đá lẫn yêu nước, họ cứ như dân châu Âu hoặc Mỹ La tinh ở đâu lạc về, nồng nhiệt không ngờ.

Thế chẳng phải là quá khác thường sao.

BUÔN CHUYỆN TÚC CẦU

 Nước này viết thể thao không ai qua mặt được Tường Vy- phóng viên kỳ cựu của nhiều báo trong đó có Tiền Phong. Ông có đặc điểm rất ưa dùng tính từ, ví dụ tả một vận động viên điền kinh “trước khi hổn hển về đích” thì có làm một động tác thế ấy thế kia, chứ không đơn giản tả “trước khi về đích”. Hoặc tả lối vào bóng “kiểu Thanh Hóa” của một tuyển thủ, nghe chả hiểu là kiểu gì nhưng vẫn thú khoái. Hoặc gọi cầu thủ bằng biệt hiệu ông nghĩ ra, như gọi trung vệ chải chuốt Nguyễn Mạnh Dũng (Dũng gỗ) là “người mẫu” (ngòi bút thâm hậu của Tường Vy mà cố tình hàm ý thì lành ít dữ nhiều).

Tường Vy đã ra người thiên cổ từ lâu. Bây giờ Nguyễn Việt Hà, nhà văn, khi so sánh các thế hệ cầu thủ với nhau, nhận xét với tôi rằng Nguyễn Hồng Sơn (thế hệ vàng) đá kiểu “con giai phố cổ”. Là kiểu gì? Hào hoa, sang cả chăng? Nhà Sơn ở Hàng Bông- anh là hàng xóm của người quen tôi, họ kể Sơn “công chúa” hồi trẻ nghịch lắm, bỏ muối vào bình xăng xe máy của hàng xóm hihi, còn CLB của anh là Thể Công, đều “Hà Nội 1” cả. Đá kiểu con giai phố cổ giống Việt Hà viết văn kiểu con giai phố cổ? Theo lẽ đó thì chả lẽ Quang Hải, Duy Mạnh, Huy Hùng, Đình Trọng  đá kiểu ngoại thành à? Đông Anh, Gia Lâm, Đa Tốn? “Không biết”- Việt Hà tủm tỉm. Nhưng theo anh, một hai năm nữa Hải “con” mới thực sự chín và chất. Tôi cũng nghĩ vậy. Chúng tôi đều thích cả Đức “cọt” và Trọng “ỉn” nữa.

Các nhân vật chính của chúng ta nay xuất hiện trên đài quốc gia trong thời khắc thiêng liêng của đất nước để nói lời chúc mừng năm mới. Nhận mưa tiền thưởng. Bạn gái xinh đẹp chả kém WAGs của danh thủ quốc tế. Chạy sô giao lưu đến nỗi có lúc xanh xao tái mét vì sự ái mộ. Nhìn cảnh Bùi Tiến Dũng trở về quê nhà Thanh Hóa và HLV Park Hang Seo đáp xuống cao nguyên Pleiku hồi hậu U23 mà khiếp, không được hộ tống và che chắn cẩn thận khéo bẹp ruột. 

Song bóng đá như cuộc đời, hào nhoáng đấy nghiệt ngã đấy. Nên có lẽ là thừa khi lo thay cho họ? Thừa khi fan lội vào trang cá nhân của các cầu thủ để an ủi họ bị đối xử phũ. Thừa không phải vì cầu thủ “có thân thì lo” mà vì họ có lớn ắt có khôn và làm gì còn cách nào khác là xanh chín, chấp nhận đau thương trong cuộc chơi đặc biệt này.

Nhớ lại Beckham 23 tuổi tò tò ra mắt ở World Cup 1998, non và xanh lắm nên mắc mưu Simeone để rồi nhận thẻ đỏ khiến đội nhà mau mắn xách va li về nước. Lập tức bị báo Anh giật tít, loại tít mà báo Việt không bao giờ dám: “Beckham, thằng ngu!”. Còn Zidane khi manh động làm cú “thiết đầu công” với trung vệ thủ đoạn Materazzi để trả đũa nên cũng xơi thẻ đỏ khiến Pháp yếu hẳn còn đội Ý của Materazzi sau đó đăng quang, thì người nhà Zidane đành lên tiếng bênh vực anh hành động đúng đắn (anh húc đầu vì mẹ và chị bị Materazzi xúc phạm) nhưng ai mà chả thấy: thấp cơ thua trí đối thủ thì cái giá phải trả đương nhiên. Bài học để đời.

Buôn chuyện túc cầu mà không có tình ái thì uổng:  Lâu nay giới cầu thủ (nói chung) vẫn bị đùa là những kẻ đồng tính, vì lối ăn mừng quá nồng nhiệt. Nghề này nó thế, cứ phải nhảy lên nhau mà tì đè, ôm ấp ăn mừng. Nhưng đứng ngồi đều đan tay vào nhau, cụng đầu thì thầm vào tai nhau, nói năng âu yếm, quắp, dính như sam suốt ngày đêm, “dọa” thầy Park rằng nếu không cho chung phòng sẽ không ngủ được, vân vân, thì là gì nhỉ (ở tuyển Việt Nam, cá biệt thôi)? Nguyễn Việt Hà trên kia, toe toét: “Không thấy nam công nhân các khu công nghiệp tan ca toàn ôm vai nắm tay à. Họ nghĩ rằng như thế mới ra đồng hương. Nhiều người, nhất là người ngoại tỉnh quan niệm khác chúng ta về sự thân mật”.

“Beautiful couple “ (cặp đẹp) và “hot” nhất của tuyển Việt Nam hiện được fan vô cùng khoái cảm dõi theo và trêu ghẹo, còn đương sự cũng nhiệt liệt hưởng ứng! Hẳn là các chàng cố tình làm quá để mua vui cho fan hoặc câu view, nhưng quả là một bầu không khí “nồng vị” chưa từng thấy. Fan ra sức xui “yêu nhau đi không phí duyên trời định hai chàng ơi” bởi “một người là tiểu mỹ thụ còn người kia là ôn nhu công”.  Và: “Hai ổng thả thính nhau mà tui cũng dính thính luôn” “Ai cứu tôi khỏi sự ngọt ngào này với” “Thầy Park ơi vào mà xem này”…

Vẫn biết phần đông người Việt khá cấp tiến, thoáng về LGBT nhưng không khỏi lấy làm lạ khi chứng kiến màn tung hứng này. Tham khảo con gái 15 tuổi, nó đáp: “Con không nghĩ các anh ấy yêu nhau đâu, thân thôi nhưng nếu yêu được, tốt mà. Chỉ khác giới mới được yêu nhau thì nó phí. Còn mọi người cổ vũ cũng phải thôi”. Hóa ra thanh niên ngày nay chúng nghĩ như vậy đấy? 
Chuyện “đam mỹ” (nam nam thích nhau- ngôn ngữ mạng) và “tình bể bình” (cũng ngôn ngữ mạng, về tình cảm mặn nồng) trên kia  “buôn” để thư giãn, còn đây là nỗi lo đang manh nha (dù cũng từng cho rằng lo là thừa): Ngày nọ, tôi vào trang cá nhân của một cầu thủ đang nổi và bất ngờ về sự thông minh hài hước, biểu hiện qua cách tương tác với cổ động viên. Nhưng có người giải thích: “Đều là đội quản lý làm cả đấy!”.

Quả thực sau đó chứng kiến anh xuất hiện tại một chương trình TV, thấy có độ chân thật và hóm nhưng còn xa mới được như  kia. Giao lưu trực tuyến trên báo mạng cũng thế. Và xâu chuỗi lại cũng như chịu khó vào trang của các đồng đội anh, thấy có vẻ toàn là ca đóng thế thật. Vậy là đẩy người hâm mộ vào thế tẽn tò? Khổ, họ cứ nức lên, hạnh phúc tràn trề vì được thần tượng ưu ái đáp lại tấm chân tình, bận bịu thế mà cặm cụi trả lời bình luận của em.

Tôi vẫn thích anh và đồng đội, nhưng không lò dò vào FB của họ nữa, vì vậy. Dù rằng không “hot” thì không phải U23 và tuyển thủ bóng đá, hiện giờ! Riêng lượng người theo dõi trên trang cá nhân, ngất ngư, cao nhất tới vài triệu, thấp cũng mấy trăm ngàn. Ở đó cầu thủ làm gì? Quảng cáo là chính. Dòng tâm sự về quyết tâm chinh phục tiếng Anh vốn dĩ lâu nay kém cỏi của mình, hóa ra là để quảng cáo cho một cơ sở Anh ngữ. Quảng cáo nhiều thứ khác.

Chẳng thà họ nói thẳng: tôi đang đại diện cho nhãn hàng này thương hiệu nọ, mọi người ủng hộ nhé. Đằng này lại kiểu lập lờ...

Hai cầu thủ mà tôi yêu mến, ngày nọ có mặt trong một clip dài nửa tiếng trên Youtube, từ đầu đến cuối nói về game, cứ rảnh là em game anh ạ, game có nhiều loại nhưng phải biết chọn… Cũng có cài một câu: đừng quá đà kẻo có hại (!)

Tôi tự hỏi thương vụ này giá bao nhiêu mà bắt được những “người hùng” trở nên ngoan ngoãn thế? Nhớ cái bảng báo giá vô tiền khoáng hậu hồi đầu năm, do một vị tự nhận là đại diện của Bùi Tiến Dũng soạn ra, rất chi tiết: viết bài về Dũng thì bao nhiêu, đi sự kiện bao nhiêu- toàn tiền đô nhiều số 0 cả.

"Người Việt rất tự tôn nhưng lại không tự tin. Chúng tôi thì khác. Chúng tôi luôn tin mình có thể làm được những điều đặc biệt, khác thường".
Lee Young Jin - 
Trợ lý HLV trưởng tuyển Việt Nam


Kinh doanh, tốt thôi, nhất là khi họ đã phải trả giá kha khá cho nghề. Nhưng cân bằng chuyện ấy thế nào với việc giữ hình ảnh đàng hoàng trong sáng, là vấn đề. Còn những người làm nghề quản lý cầu thủ đồng nghĩa môi giới quảng cáo và cả đóng thế khi cần, có đủ tâm và đủ văn hóa, cao tay ấn để không xô ngã cầu thủ trong thế giới xô bồ này? Liên quan đến cõi mạng ảo mà thật: Trên sân cỏ họ là những người tài không đợi tuổi thật đấy, nhưng ngu ngơ hoặc ngược lại- tả xung hữu đột trong thế giới mạng mà nội công không thâm hậu thì e là mất nhiều hơn được. Thấy lo lo…

VIỆT NAM VÔ ĐỊCH, RỒI SAO NỮA?

 Chứng kiến bóng đá gây hiệu ứng khủng khiếp thế nào trong năm qua,  ngành ngành giới giới đều phát sốt phát rét, ghen tỵ. Cơn khát vô địch đã trở nên nổi tiếng thế giới. Báo chí nước ngoài khi tỏ ra kinh ngạc “Việt Nam, họ đang tổ chức World Cup à” thì âm hưởng có vẻ giễu cợt hơn là thích thú?

Vạn, triệu người xuống đường một lúc để tỏ tình yêu trái bóng và cả tình đoàn kết, yêu nước. Tuyệt. Thế khi cần biểu dương lực lượng cho những ích quốc lợi dân khác thì sao nhỉ? 

Bạo lực học đường liên miên.Tai nạn giao thông, rồi đê kè, cầu cống đường sá xấu xí hạ cấp làm chết người như ngả rạ mỗi ngày. Nhưng xã hội có biểu hiện vô cảm? Nếu không xắn tay cải thiện thì ít nhất, đã đủ sự phẫn nộ, lo lắng cần thiết chưa? 

Chỉ bóng đá mới khiến người ta khóc cười tự nhiên, hành xử khoáng đạt nồng hậu, trên dưới đồng lòng nhất trí, ba miền như một còn ngoài ra không thể, thì ngày vui luôn ngắn chẳng tày gang. Chỉ vô địch bóng đá còn các ngành giới, tầng lớp, nam phụ lão ấu hài lòng với sự đội sổ, bét dem, rùa bò ở các lĩnh vực khác? Đánh cược vui buồn vào mỗi canh bạc bóng đá thôi sao.

“Năm bóng đá” là điều tuyệt (2018 có thể coi là “Năm bóng đá”). Tự tin rằng  mình có thể thắng bất kỳ đối thủ tầm châu lục nào, đó mới là chiếc cúp mà U23 dâng tặng người hâm mộ. Làm thăng hoa cảm xúc của triệu triệu người bằng tài năng, sự quả cảm, ý chí sắt đá- sự tưởng thưởng này còn giá trị hơn chiếc cúp vô địch lần hai (lần đầu cách đã 10 năm). Nhưng đừng dừng ở đó mà hãy cùng hành động để kích hoạt lan tỏa tình thế và âm hưởng tích cực này ra muôn mặt đời sống chúng ta- việc không của riêng ai. 

“Năm bóng đá” là điều tuyệt (2018 có thể coi là “Năm bóng đá”). Tự tin rằng  mình có thể thắng bất kỳ đối thủ tầm châu lục nào, đó mới là chiếc cúp mà U23 dâng tặng người hâm mộ. Làm thăng hoa cảm xúc của triệu triệu người bằng tài năng, sự quả cảm, ý chí sắt đá- sự tưởng thưởng này còn giá trị hơn chiếc cúp vô địch lần hai. Nhưng đừng dừng ở đó mà hãy cùng hành động để kích hoạt lan tỏa tình thế và âm hưởng tích cực này ra muôn mặt đời sống chúng ta- việc không của riêng ai.

Thú vị như cổ động viên chân chính

Fan Việt có người nọ người kia, số thú vị không hiếm, thiếu họ sẽ không có những cơn sốt xình xịch nối nhau như vừa qua. 

Hồi ASIAD 18, bạn tôi kể: “Lên xe Grab thấy thằng cu tài xế bảo: Hôm qua xem trận Việt Nam- Hàn Quốc, vừa thấy thằng Tottenham (Son Heung Min) với mấy thằng cực khủng nữa hát quốc ca đã muốn tắt ti vi” (vì hãi sợ). Hihi. Đến ASIAN Cup vẫn chưa hết đau khổ: “Bà con cẩn thận, Son Heung Min đang đến!” (cổ động viên Việt Nam cảnh báo các đội).
Một fan ruột ở Hà Nội - Facebooker Việt Hoàng thì viết về “Những lo lắng bất an trước trận chung kết AFF cắp” như sau trên FB cá nhân: “Ủy ban dân số đặt tên quốc gia đang toát rã bồ hôi. 9 tháng 10 ngày nữa Việt Nam sẽ quá tải các em bé được đặt tên rất oái oăm như: Hoàng Văn Đi Bão Xong Về Làm Nháy, Quách Thị Sướng Quá Vào Rồi, Hồ Thúy Mã Lai Kinh Mất Mật, Trần Văn Hang Seo Việt Quốc Hàn Nam, Hoàng Kiều Diễm Park Idol, Lê Thu Seo Vô Địch Cúp Vàng Mười Năm Mới Có, Lý Thị Hải Con Đứt Cọt Chinh Đen Huy Râu...”

Trước đó fan đáng yêu này mô tả trận bán kết Philippinnes và Việt Nam - cuộc đối đầu giữa đoàn quân viễn chinh lẩu thập cẩm với đội toàn “nhà trồng được”, hài hước không kém: “Những người Tây Ban Nha kéo pháo nã dồn dập trận địa Mỹ Đình. Những người Đức kéo xe tăng lầm lì khai hỏa. Những người Anh với chiến đấu cơ bay ù ù cạc cạc trên đầu nã rốc két xuống phòng tuyến Việt Nam.

Ở trung tâm chiến dịch, sư trưởng Eriksson người Thuỵ Điển thiết kế một trận đánh hiệp đồng của liên quân tưởng như quá sức chịu đựng. Họ muốn bóp nát sự kháng cự của du kích Hải Dương, sư đoàn quân chính quy thủ đô, cả chi viện từ quân tinh nhuệ Bình Dương, lính thủy đánh bộ Gia Lai, du kích sông Lam hehe.

Cuối cùng, hai nhát bộc phá đã kéo sập sở chỉ huy đối phương. Sư trưởng Eriksson bảo tôi xin hàng, chơi kiểu trường kỳ kháng chiến rồi phút cuối mai phục tập hậu quá đau thế này quân tôi không đỡ nổi.

Phù phù. Việt Nam ca khúc khải hoàn nhưng em cũng sợ vỡ mẹ tim. Gớm quân liên hợp quốc dã man thật”.

Tương lai bóng đá Việt Nam là sán lạn? Trước nhất, tôi với Nguyễn Việt Hà (trùm tạp văn)  đoán HLV Park Hang Seo sẽ ở lại khoảng dăm năm. Nếu báo chí dịch sát thì tôi thích câu ông nói: “Tôi sẽ không rời Việt Nam, chẳng việc gì phải đi đâu cả. Tôi vẫn còn đói danh hiệu”.Tiền ai cũng cần, nơi khác có thể trả cao hơn nhưng vinh quang của một HLV bóng đá cũng đến như ở Việt Nam là cùng. Người hâm mộ còn từng tặng một quả thận cho HLV Alfred Riedl. 

Phức cảm bóng đá ảnh 1 Ảnh chế vui không thể thiếu trong đời sống bóng đá sôi động
Phức cảm bóng đá ảnh 2  
Phức cảm bóng đá ảnh 3  
Phức cảm bóng đá ảnh 4

Cổ động viên ở TPHCM dầm mưa xem bóng đá, lo lắng vì UAE dẫn bàn trước trong trận tranh huy chương Đồng Asiad 18 Ảnh: Liêu Lãm

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.