Phúc lợi cho động vật

Tác giả Khánh Hưng, biên tập viên tạp chí Đại học Quốc gia TPHCM.
Tác giả Khánh Hưng, biên tập viên tạp chí Đại học Quốc gia TPHCM.
TPO - Kênh Netflix vừa phát bộ phim Okja, kể về chú “siêu lợn”, như lời của đạo diễn, đây không phải là bộ phim thần thoại mà là câu chuyện phơi bày sự thật của những phòng thí nghiệm động vật và các trang trại nuôi động vật lấy thịt.

Trong rất nhiều thông điệp gửi đi, ông đạo diễn của bộ phim đặc biệt nhấn mạnh câu chuyện phúc lợi cho động vật. Một khái niệm không mới nhưng dường bị như bị che khuất bởi lòng tham của con người. Mà hình ảnh đại diện cho lòng tham là nhân vật CEO Lucy Mirando với câu nói: “Họ sẽ ăn nếu nó rẻ".

Xem Okja, tôi nghĩ về vụ chọi trâu Đồ Sơn ì èo trên các “mặt trận”, từ báo chí đến mạng xã hội tuần trước, tôi nghĩ về chuyện làng Ném Thượng chém lợn, chuyện trộm chó, thịt chó mà bao năm nay vẫn trong vòng luẩn quẩn. Tôi nghĩ về phúc lợi cho động vật.

Theo khái niệm của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA), phúc lợi cho động vật hiểu một cách đơn giản, là việc đối sự đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay là thú cưng.

Và để đánh giá về phúc lợi động vật, người ta dựa vào tiêu chuẩn “5 không”: Không bị đói khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần: Không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; Tự do thể hiện các hành vi bản năng; Không bị sợ hãi và lo lắng.

Nếu theo định nghĩa đó, nhìn lại những hình ảnh trong lễ hội chọi trâu (không chỉ ở Đồ Sơn) thì ta phải thú nhận rằng, chuyện phúc lợi cho động vật là một thứ gì đó xa xỉ, nằm ngoài tầm với.

Bởi, sau câu chuyện chọi trâu Đồ Sơn, tôi lên mạng gõ cụm từ “chọi trâu” thì thấy hàng loạt kết quả, toàn chuyện buồn: Từ hình ảnh đặc tả cú “hổ vồ” của một trâu chọi với đối thủ, đến hình ảnh những con trâu bị kéo lê sau trận đấu. Rồi đau đớn hơn, sau mỗi trận đấu, dù trâu thắng hay thua cũng đều bị xẻ thịt. Báo chí đầy hình ảnh những sạp thịt trâu đỏ chói, những chiếc đầu trâu được cắt rời - ở đó ánh mắt trâu chọi dường như còn nhìn ta thao láo.

Nhớ câu chuyện năm 2016, nhiều tờ báo giật chung dòng tít: Dùng búa đập đầu giết bò, Úc cấm xuất khẩu bò sang Việt Nam. Cụ thể, chính phủ Úc đã đình chỉ các hoạt động xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam, sau khi ABC đăng video của Tổ chức Bảo vệ Động vật Animals Australia về các hoạt động giết thịt trong lò mổ Việt Nam. Việc giết bò bằng búa tạ bị coi là tàn bạo và không phù hợp với tiêu chuẩn của Úc. Tất nhiên ở ta không có tiêu chuẩn đó.

Nên sau mỗi lễ hội như chọi trâu hay chém lợn, người ta lại lao vào bàn luận, bên bênh, bên phản đối, bên nào cũng hay, cũng có lý. Nhưng dường như chưa có bên nào đứng dưới góc nhìn đòi phúc lợi cho động vật.

Đơn giản chúng ta xem mình là người, loài đứng đầu chuỗi thức ăn. Mà đứng đầu sẽ nắm quyền sinh sát: Lúc yêu thương hết mực, khi tàn nhẫn tận cùng. Nên trâu chọi được rèn thật khỏe để “sống mái” một trận, để chứng tỏ sức mạnh người nuôi. Sau đó, trâu chọi vô địch cũng bị đem đi giết thịt, có chăng chỉ hơn trâu chọi thua cuộc là ở giá mỗi ký lên đến hàng triệu đồng.

Có lẽ, trước khi tính tới chuyện cấm hay không cấm, thì chúng ta nên nghĩ tới chuyện phúc lợi cho động vật. Như chính đạo diễn bộ phim Okja  chia sẻ trên báo chí: “Chúng ta cùng tồn tại với động vật và nên dành thời gian để cân nhắc từ góc nhìn của chúng”.

MỚI - NÓNG