Quan hệ mờ ám

Nhà báo Phạm Tuyên - Phó Ban Kinh tế báo Tiền Phong
Nhà báo Phạm Tuyên - Phó Ban Kinh tế báo Tiền Phong
TP - Quan chức thân doanh nghiệp hay doanh nghiệp “lụy” quan chức là những mối quan hệ khó xác định ranh giới và cũng khó có thể phủ nhận. Trong việc làm ăn, không có quy định nào buộc doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đối tốt với các quan chức. 

Hai sự việc liên tiếp diễn ra tại Đà Nẵng trong thời gian rất gần nhau: Ngày 20/12, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, khám xét nhà rồi tiến hành truy nã Vũ “Nhôm”, biệt danh của ông Phan Văn Anh Vũ- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Chấn Phong). Và đúng một ngày sau đó, ngày 21/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thông báo quân đội vừa bắt Út “trọc”, biệt danh của ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn.

Sự kiện cơ quan chức năng vào cuộc “sờ gáy” các hành vi vi phạm pháp luật của hai doanh nhân, người kín tiếng, người khá ầm ĩ với báo giới, khiến thông tin về thành phố đáng sống Đà Nẵng một lần nữa nóng trở lại.

Sự việc vì sao gây xôn xao? Những lời đồn về việc Vũ “nhôm” chỉ mặt và dọa cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng “nghỉ việc” chỉ vì thành phố không đồng ý yêu cầu về dự án cũng như việc ông Đinh Ngọc Hệ (ông chủ kín tiếng của BOT cầu Việt Trì và đang sở hữu, tham gia nhiều dự án BT, BOT nghìn tỷ đồng) làm lộ bí mật nhà nước đã cho thấy những bóng mờ trong quan hệ quan chức - doanh nghiệp
lâu nay.

Người dân càng giật mình hơn khi một phần thông tin được đưa ra: Có chuyện một số doanh nghiệp dựa vào quan hệ, bằng nhiều cách để làm giàu. Không chỉ dừng lại đó, khi đã giàu họ lại tìm mọi cách để can thiệp vào công việc của chính quyền, thậm chí can thiệp cả công tác nhân sự. “Nếu như có việc này thì đây là sự sỉ nhục đối với chính quyền, đối với hệ thống công quyền của chúng ta, tại sao để thế được”, lời chia sẻ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày 22/12 để lại nhiều suy ngẫm.

Việc quan chức không đứng vững trước sức cám dỗ của tiền bạc để rồi sa ngã, bị trói buộc vào các mối quan hệ nhằng nhịt của lợi ích nhóm, tham nhũng… nhiều lần được các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ nhắc đến trong nhiều dịp khác nhau. Quan chức thân doanh nghiệp hay doanh nghiệp “lụy” quan chức là những mối quan hệ khó xác định ranh giới và cũng khó có thể phủ nhận. Sự việc chỉ được chứng minh rõ khi các doanh nghiệp và quan chức bắt tay nhau để chia chác các dự án, ưu đãi hoặc ban hành những chính sách có lợi cho doanh nghiệp.

Để đổi lại, những bữa cơm mời “miễn phí”, những chiếc xe trị giá nhiều tỷ đồng được doanh nghiệp hào phóng trao tặng, ủy quyền sử dụng không xác định thời hạn cho các quan chức. Việc quan chức đi nhậu, tiếp khách rồi gọi doanh nghiệp đến tiếp khách cùng, trả tiền thay không hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày.

Một khung pháp lý đủ nặng sẽ là biện pháp răn đe để các quan chức buộc phải “chợt nhớ” đến những hậu quả mà mình sẽ phải gánh về sau này khi “chiếc mặt nạ” quan hệ thân thiết, gần gũi của doanh nghiệp nhằm mưu cầu lợi ích riêng hay nhằm chiếm đoạt, trục lợi tài sản chung bị bóc trần.

Trong thực tế, trên đời không có bữa ăn nào là miễn phí. Tương tự, trong việc làm ăn, không có quy định nào buộc doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đối tốt với các quan chức. Những quy định ngầm về việc đối tốt giữa quan chức và doanh nghiệp, xét cho cùng, luôn tồn tại. Việc mạnh tay cải cách, xóa bỏ cơ chế xin-cho, thúc đẩy kinh tế tư nhân sẽ là một động lực hết sức quan trọng giúp lành mạnh hóa dần các mối quan hệ quan chức – doanh nghiệp. Chỉ khi mọi thứ minh bạch, môi trường kinh doanh sạch, pháp luật nghiêm minh chừng đó mới kỳ vọng không còn chuyện những “con buôn” dám “chỉ tay” dọa cắt chức quan chức.

MỚI - NÓNG