Quyền của người dùng mạng

TP - Ngày 25/5, chỉ vài giờ sau khi Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu EU có hiệu lực, hàng loạt các ông lớn như Facebook, Google, Instagram và WhatsApp đã đứng trước nguy cơ bị kiện tụng.

Theo đó, các nền tảng này đang bị cáo buộc “ép” người dùng phải chấp nhận đủ loại quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân và lịch sử truy cập của họ. Điều này với bất cứ ai dùng Facebook, Google tại Việt Nam đều có thể cảm nhận được, bởi nếu bạn hay tra cứu hay đọc các loại thông tin liên quan tới lĩnh vực gì, lập tức các quảng cáo về lĩnh vực đó sẽ xuất hiện trên màn hình của bạn.

Với tôi, cũng chỉ vài giờ sau khi GDPR từ EU có hiệu lực, hộp thư email của tôi đã nhận được thư giải thích và cam kết tuân thủ GDPR của một tổ chức về khoa học có uy tín từ Đức, nơi tôi từng được mời tham dự một sự kiện quốc tế lớn do họ tổ chức. Bởi toàn bộ dữ liệu cá nhân liên quan tới chuyến đi đó của tôi (và hàng trăm người khác) đang được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của họ.

Kể những điều này để thấy rằng, Luật bảo vệ dữ liệu của EU đã ngay lập tức tác động mạnh mẽ đến không chỉ các “ông lớn” trên xa lộ thông tin toàn cầu, mà cả những tổ chức đang hoạt động tại EU có thu thập hay lưu trữ thông tin về đối tác, khách hàng. Luật đã buộc các công ty, tổ chức liên quan phải tôn trọng tối đa dữ liệu cá nhân mà họ đang lưu trữ, nếu không muốn sạt nghiệp hoặc gặp rắc rối về pháp lý tại các nước thuộc EU.

Quay lại câu chuyện về Luật an ninh mạng đang được bàn thảo sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội. Nước ta hiện có 64 triệu người dùng Internet, cao thứ 6 châu Á và thứ 12 trên thế giới, bởi vậy cùng với Luật An toàn thông tin mạng, hai luật này chắc chắn sẽ tác động đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Tỷ lệ người dùng Việt Nam sử dụng hai nền tảng Facebook và Google là rất lớn, tuy nhiên ý thức về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền được bảo vệ của chúng ta còn rất yếu. Hay nói cách khác, người dùng Việt Nam còn khá “dễ tính” trong vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta lưu tâm đến những gì hai “ông lớn” này đang thu lợi tại Việt Nam, hẳn sẽ phải thay đổi quan điểm về sự “dễ dãi” và “vô tư” của mình bấy lâu nay. Facebook đang đứng số 1 về doanh thu trực tuyến tại VN với khoảng 3.000 tỷ đồng, tiếp sau đó là Google với 2.200 tỷ đồng.

Song có một nghịch lý là, với doanh thu lớn như vậy,  nhưng họ lại không hề thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, không chịu sự quản lý của Nhà nước, không nộp thuế. Cơ quan soạn thảo Luật an ninh mạng cũng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp như Facebook, Google thu thập rất nhiều dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có cơ sở pháp lý và biện pháp nào để đảm bảo việc lưu trữ và khai thác dữ liệu đó đúng mục đích, hạn chế được những sự cố như vụ việc 87 triệu tài khoản FB bị lạm dụng vào mục đích chính trị, trong đó có 427.000 tài khoản của Việt Nam.

Chính vì vậy việc quy định các công ty như Facebook, Google phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tính khả thi. Đã đến lúc người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cần hiểu rõ cơ chế hoạt động và kinh doanh của các dịch vụ miễn phí. Và do đó, những quy định pháp luật chặt chẽ liên quan tới quyền được bảo vệ dữ liệu người dùng, quyền riêng tư cần phải được ban hành. Chỉ có điều, bên cạnh việc bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia, bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần cân đối hài hòa với việc để không làm hạn chế quyền truy cập, sử dụng dịch vụ của người dùng, gây khó cho doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG