Sân chơi toàn cầu

Sân chơi toàn cầu
TP - Mừng nếu không muốn nói rất mừng khi sau rất nhiều nỗ lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3.

Một cuộc chơi quy mô lớn với những điều khoản chất lượng tương đương TPP. Đây cũng được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây với độ mở và sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia.

Không thể phủ nhận được những lợi ích cả về kinh tế và chính trị mà Việt Nam đã được hưởng khi tham gia “sân chơi” hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng trưởng về mặt kinh tế, quy mô phát triển thị trường, giá trị xuất khẩu gia tăng… là những mặt tích cực nhìn thấy rõ nhất mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều FTA nhất thế giới. Nhưng cùng với cơ hội là những thách thức khi hội nhập với những đòi hỏi mạnh mẽ về cải cách trong nước. Các cam kết và thỏa ước quốc tế, ở góc độ nào đó, cũng là những con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp khi sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với sản phẩm của các doanh nghiệp Việt ngay trên chính sân nhà.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đã mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ cao và đang trở thành những đầu tàu xuất khẩu của nền kinh tế. Tỷ trọng xuất khẩu trong cán cân thương mại của Việt Nam của khối doanh nghiệp FDI đến nay chiếm tới 70%.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho thấy, tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu cũng như các nguồn thu từ giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong nước khi kết nối với doanh nghiệp FDI không hề nhiều. Những ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài không được san sẻ tương xứng cho các doanh nghiệp trong nước nếu xét dưới góc độ kết nối toàn cầu. 

Ở góc độ phát triển doanh nghiệp trong nước, đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu chi tiết nào cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp tầm trung, đã phát triển thế nào nhờ kết nối từ các FTA mang lại. Còn với góc nhìn tích cực, sức ép cạnh tranh càng đè nặng hơn cho doanh nghiệp khi đất nước tham gia và mở cửa nhiều hơn cho sự cạnh tranh. Các doanh nghiệp luôn phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm ra lối đi riêng thay vì tập trung vào khai thác, làm giàu từ bất động sản, đầu tư chứng khoán, kinh doanh thương mại quy mô nhỏ hay làm giàu từ những kẽ hở chính sách.

Ai cũng hiểu những con đường nhỏ sẽ nối với những tuyến đường to rộng mở giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn nếu họ biết nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, trong bất cứ cuộc chơi nào, cơ hội không đến với tất cả mọi người, với mọi doanh nghiệp. Sẽ có doanh nghiệp thành công, sẽ có không ít doanh nghiệp lụi tàn. Thương trường là chiến trường. Cạnh tranh không khoan nhượng; chiến thắng sẽ đến với doanh nghiệp, quốc gia nào biết nắm bắt cơ hội, có sự chuẩn bị kỹ càng.

MỚI - NÓNG