Sợ phố hơn sợ Tết?!

TPO - Tết không nên là một trải nghiệm bắt buộc lặp đi lặp lại. Tết đòi hỏi sự sáng tạo từ mỗi người chứ không phải động tí đòi xóa bỏ.

Cảm giác về Tết bao giờ cũng là sao qua nhanh thế. Nhất là hồi bé, tiếc đến bần thần. Nhâm nhi Tết đến từng giờ, từng phút. Với một đứa trẻ con (vào những năm 1980), Tết là nhất rồi còn gì. Được mặc quần áo mới, tha hồ ăn bánh mứt kẹo, được chở đi từ nhà nọ đến nhà kia để nghe khen nựng, thích nhất là được mừng tuổi. Giữ gì như… tiền mừng tuổi, nhưng cuối cùng phụ huynh ngọt nhạt thế nào vẫn phải nhả ra... Cũng có năm nhét tệp tiền mới cứng vào cái ví xinh đút túi quần đi chơi như người lớn, rồi rơi mất. Tiếc gì như mất tiền mừng tuổi!

Tết nhanh qua. Nhưng những ngày trước Tết cứ gọi là lê thê, như những dòng người nhích từng bước trên những con đường xám xịt, trời cũng xám xịt, nếu bụi khói đặc quánh trong mưa phùn thì còn xịt nữa. Cũng thời tiết đó mà đường không tắc, lại thi vị ngay. Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Tết dù lạnh hay nóng, mưa hay nắng, cũng nên bằng lòng. Đừng giông bão lũ lụt… là may rồi. Nhưng dường như trời vẫn luôn chiều người, nên tiết trời Tết thường bình ổn, chỉ lòng người có tương hợp hay không. Kỳ cục thay những người đương ở phương Nam cứ hoài niệm Tết Bắc, cho rằng phi mưa phùn bất thành Tết. Cứ như nắng không chỉ làm thiu bánh mà thiu cả người… Chẳng qua tiết trời mưa phùn trường diễn vào dịp Tết, gắn với cảm xúc đoàn viên tạo thành phản xạ có điều kiện trong mỗi người. Chứ thực sự nó cũng không hẳn là tiết trời chuẩn đẹp, dễ chịu gì lắm?! Nhớ nhung tí thôi, còn thì vẫn nên thích ứng và tìm lấy cái hay cái đẹp trong hiện tại khi còn có thể.

Tết thành phố thường làm người ta sợ chỉ vì quá đông người đổ xô đi làm cũng chừng đó việc. Chứ những việc ấy nói chung đều hay cả. Như là về quê, đi hội họp tất niên, mua sắm, thăm hỏi những người mình quý mến… Những việc mình cảm thấy muốn và thích làm, chứ còn kiểu buộc phải làm như đi trả lễ, lại quả thậm chí hối lộ thì chắc là mệt thật. Mà dễ thường chỉ những việc “tối quan trọng” kiểu như thế mới khiến người ta bò ra đường vào những ngày giáp Tết. Nỗi sợ Tết hẳn bao gồm sợ đô thị. Vì lúc Tết nhất, thành phố được dịp lộ ra những nét bất hợp lý nhất. Nhà cao mãi khiến đường bé đi. Lỗi quy hoạch không gian có tác dụng kéo thời gian tắc đường ngày càng dãn ra.

Nói chung một năm đủ để người ta quên đi những mệt mỏi phiền phức của Tết để lặp lại một chu kỳ mới. Nhưng cũng có người cần một khoảng thời gian lâu hơn. Họ muốn những cái Tết phong phú, khác biệt. Ví như Tết này đón cùng gia đình, Tết sau cùng bạn bè phương xa, Tết này leo núi, Tết tới sưởi nắng ở biển… Sao lại không? Hãy thôi ca điệp khúc nghỉ Tết nhiều làm kinh tế đình trệ. Kinh tế phát triển chẳng qua để phục vụ cuộc sống. Mà thực ra khái niệm phát triển cũng rất cần được xem lại khi nó chỉ kích động con người ham muốn nhiều hơn mà rời xa các giá trị bền vững. Người ta cần những khoảng thở trong lành theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng để cảm nhận cuộc sống.

Những đô thị, như con người, cũng cần xả hơi. Dân số có lúc cần san ra đều khắp thay vì tụ về một vài chỗ cho công cuộc mưu sinh còn dài đến suốt đời. Hãy tưởng tượng tất cả người thành phố đều ở lại ăn Tết thì còn khủng khiếp đến cỡ nào… Những nước phát triển nghỉ còn nhiều hơn ta, không hẳn vì họ thừa tiền, mà còn vì khí hậu mùa Đông quá khắc nghiệt. Tết Việt cũng do tiết khí quy định. Các cụ đã thuận tự nhiên làm ra Tết, con cháu chả giữ thì thôi, định làm giời bể gì?!

Nhìn chung những người phá cách, thích bỏ nhà đi du ngoạn nước ngoài dịp Tết thường độc thân. Họ dễ cảm thấy lạc lõng trong Tết- được mặc định là dịp đoàn tụ gia đình, để báo cáo những thành tích trong năm- mà lập thêm một đại lý phát triển nhân lực (tức kết hôn) hẳn là quan trọng nhất. Vì vậy nếu gia đình không thể bao dung, chia sẻ với người chưa già đã neo đơn, thôi thì cũng đừng trách họ bỏ nhà đi kiếm Tết phương xa.

Một cách hẳn là hiệu quả dù có hơi vất vả để khỏi chán Tết: Tạo ra một người mới (tức có con). Bạn sẽ cùng bé tái khám phá mọi thứ như chưa hề nhàm chán, gồm cả sự hồi hộp sung sướng trước một tạo vật đẹp là Tết.

Đặt mình vào vai trò mang lại Tết cho người khác dễ sẽ kích thích tinh thần sáng tạo trong bạn. Đó có thể là những người thân trong gia đình, hoặc cũng có thể là ai đó kém may mắn không có được cái Tết ấm, cũng có khi là một lữ khách phương xa dừng chân tại Việt Nam đúng dịp Tết để rồi bỗng cảm thấy bơ vơ... Vì ý nghĩa của Tết còn là san sẻ. Tóm lại làm gì thì làm, Tết phải vui. Nhiều người cùng vui là Tết còn gì nữa.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).