Sống chết mặc bay

TP - Những ngày qua, khi hàng vạn người dân khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức (Hà Nội) đảo lộn sinh hoạt vì nước sạch bốc mùi hóa chất, thì Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà lại không hề đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nào đến khách hàng - những người được cọi là thượng đế.

Câu chuyện này khiến nhiều người liên tưởng đến thành ngữ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Những người vô trách nhiệm, chỉ biết hưởng lợi, không quan tâm người dân khốn khó ra sao, như lang băm chỉ chăm chăm móc túi người bệnh, mặc người bệnh dùng thuốc của mình sống chết ra sao. 

"Sống chết mặc bay" cũng là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Phạm Duy Tốn, đăng trên tạp chí Nam Phong số tháng 12 năm 1918. Tác phẩm phê phán bọn quan phủ trong lúc trời mưa bão, đê sắp vỡ nhưng không thèm quan tâm đến sinh mệnh người dân, ung dung ngồi trong đình đánh tổ tôm. 

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, song trường hợp này, sự im lặng, thiếu trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức kinh doanh. Suốt từ 9 đến 12/10, trong khi người dân hoang mang, báo chí liên tiếp phản ánh, Cty này không hề đưa ra cảnh báo để khách hàng biết và không sử dụng nước nhiễm hóa chất độc hại. 

Đáng nói hơn, từ 9/10, chính Cty này đã phát hiện sự cố váng dầu ở khu vực dẫn nguồn nước vào nhà máy, nhưng giấu nhẹm, âm thầm xử lý bằng cách bổ sung than hoạt tính, tăng hóa chất, khiến nước sạch thêm nồng nặc mùi clo. Việc này vi phạm nghiêm trọng Nghị định của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, trong đó quy định: Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức sản xuất an toàn, cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước. Trường hợp xảy ra sự cố phải kịp thời thông báo cho khách hàng biết, thậm chí phải bồi thường cho khách hàng theo quy định của pháp luật. 

Trong khi chủ đầu tư im lặng kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng chậm trễ không kém. Suốt 4 ngày hàng vạn dân kêu la về nước sạch bốc mùi khét lẹt, không có cơ quan nào của Hà Nội, từ cấp quận cho đến các sở, ban ngành đưa ra các cảnh báo hoặc khuyến cáo người dân về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu tắm giặt, ăn uống, cũng như cung cấp nguồn nước sạch thay thế…

Còn nhớ, vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Hà Nội bị chê trách rất nhiều vì bất nhất, chậm trễ thông tin, xử lý, khắc phục sự cố, dẫn đến “khủng hoảng”, làm mất niềm tin của người dân. Ngỡ đây sẽ là bài học đắt giá, để thành phố rút kinh nghiệm, không lặp lại sai lầm trong xử lý các vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Vậy mà, Hà Nội vẫn cứ... “không vội được đâu”.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.