Sự lạ ở Hòa Bình?

TP - 0 - 0,25 - 0,2 và 9 - 9 - 9! Đó chính là điểm thật và điểm gian lận của cùng một thí sinh con nhà giàu tại tỉnh Sơn La trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua. Còn nhiều trường hợp tương tự khác: Tại Hòa Bình, thí sinh được nâng điểm 3 môn cao nhất lên tới 26,45 điểm; tại Hà Giang, có thí sinh được nâng tới trên 28 điểm 3 môn.

Như vậy đến thời điểm này, danh tính gian lận điểm thi của 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh tại Sơn La đã được cơ quan chức năng làm rõ. Điểm thật cũng đã được trả về cho các thí sinh này.

Tại Hà Giang, may mắn điểm thật đã được xác định ngay trong tháng 7/2018, trước khi công bố kết quả tuyển sinh ĐH nên không gây ảnh hưởng đến các thí sinh khác. Trong khi tại Hòa Bình và Sơn La, cơ quan chức năng chỉ tìm ra điểm thi thật sau khi các thí sinh gian lận đã nhập học gần 1 năm.

28 sinh viên đến từ Hòa Bình đang học năm thứ nhất tại các trường ĐH ngành công an vừa bị trả về chính là hậu quả của việc gian lận nói trên. Tới đây sẽ đến lượt các sinh viên gian lận đến từ Sơn La bị trả về địa phương.

Đối với khối trường quân đội, công an, việc tìm ra các thí sinh gian lận nói trên là đặc biệt quan trọng, bởi việc trúng tuyển vào các trường này gần như đồng nghĩa với việc họ đã trúng tuyển vào ngành.

Thử hỏi với hành trang vào ngành bằng học lực “thê thảm” này cùng sự giả dối có sẵn kia, nếu không bị phát hiện họ sẽ “chui sâu, leo cao” đến đâu trong nấc thang sự nghiệp đã được phụ huynh vạch sẵn lộ trình?

Bởi vậy, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là những phụ huynh học sinh, cán bộ, quan chức nào ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã ra tay can thiệp hoặc mua điểm cho con em mình?

Tại Hà Giang, ngay từ năm ngoái, báo chí đã nêu đích danh con gái Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được nâng tới 5,4 điểm. Tuy nhiên, trả lời trên báo Dân Trí ngay sau đó, ông Vinh khẳng định, không có chuyện ông chạy vạy xin điểm cho con và cũng không hề biết chuyện con mình bị can thiệp nâng điểm.

Ngoài ra, báo chí cũng nêu con của một vị lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên được nâng hơn 10 điểm, con một hiệu trưởng nâng hơn 6 điểm, con một lãnh đạo của Sở GD&ĐT Hà Giang có điểm Toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 điểm,…

Tuần này, danh tính một số phụ huynh “mua điểm” ở Sơn La cũng dần “lộ sáng”, báo chí nêu hầu hết trong số này là con em của cán bộ ngành GD&ĐT tỉnh Sơn La, ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, Văn phòng tỉnh ủy, con em một số gia đình buôn bán có “máu mặt” tại Sơn La…

Thế nhưng, một điều lạ là, danh tính các phụ huynh mua điểm ở Hòa Bình vẫn “kín như bưng”, trừ một trường hợp được công bố ngay từ đầu là cháu của bị can Vinh, trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình.

Và đây cũng chính là bị can có chức vụ cao nhất trong 3 bị can bị bắt tại Hòa Bình cho đến thời điểm này. Trong khi đó, tại Sơn La và Hà Giang, một loạt cán bộ trong ngành giáo dục và công an đã bị khởi tố, trong đó có cả Phó Giám đốc sở GD&ĐT của 2 tỉnh này.

Tin rằng, rồi đây sự “lạ” ở Hòa Bình sẽ được hóa giải, danh tính các phụ huynh mua điểm sẽ được cơ quan điều tra sờ gáy và công bố trước công luận. Bởi kẻ bán phải có người mua, tìm ra được thí sinh không lẽ không tìm ra phụ huynh - những người mua điểm?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.