Sửa… “quan liêu”

TP - Từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi năm 2013 đến nay, CPI đã tăng hơn 20%, lương tối thiểu vùng cũng đã phải tăng gần 80%, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 32%, thế mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên là hết sức bất hợp lý.

Nộp thuế với doanh nghiệp hay người dân đều là trách nhiệm! Trong "hầu bao" chi tiêu ngân sách một quốc gia, khoản tiền trông chờ chính để cân đối chi tiêu đều đến từ thuế.

Dẫu vậy từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi năm 2013 đến nay, CPI đã tăng hơn 20%, lương tối thiểu vùng cũng đã phải tăng gần 80%, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 32%, thế mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên là hết sức bất hợp lý.

Chị Hà, cán bộ cấp phòng bình thường tại một doanh nghiệp tư nhân kể: Đã vài năm nay, mỗi tháng chị phải nộp trung bình gần 4 triệu đồng thuế TNCN đều đặn. Trong khi  đó, mức sinh hoạt phí tối thiểu của chị đã tăng lên theo tốc độ tăng của giá. Chưa hết, các chi phí đầu tư khác cho cá nhân cùng đồng loạt tăng từ gấp rưỡi lên gấp đôi so với 6 năm về trước. Chị Hà cho rằng, mức giảm trừ thuế vẫn kiên định “neo” ở ngưỡng 9 triệu đồng/tháng thực sự chất thêm nhiều khó khăn cho cuộc sống của gia đình chị.

Nói về mức giảm trừ đã “lỗi thời” trong khi  lạm phát "ngày ấy, bây giờ" đã “đội” thêm tới 20%, một cựu lãnh đạo ngành thuế phải thốt lên: Chúng ta phải xây dựng mức giảm trừ gia cảnh sao cho người nộp thuế đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất như ăn ở, đi lại, nuôi con... rồi mới phải nộp thuế. Còn mức đó là bao nhiêu, cần tính toán dựa trên các thông số như chỉ số giá, mức sống tối thiểu...

Nhìn nhận về sự chậm sửa luật này, một luật sư  còn kêu lên bức xúc: rõ ràng cơ quan soạn thảo luật, thực thi chính sách thuế có hiện tượng quan liêu khi quá chậm trễ xem xét đệ trình Bộ Tài chính, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi.

Năm 2018, số  tiền thu được từ thuế TNCN là hơn 100 ngàn tỷ/ tổng nguồn thu hơn 1 triệu tỷ đồng thuế của quốc gia. Nguồn thu từ thuế  TNCN bấy lâu đã được nhận định dù chỉ chiếm  tỷ trọng 8- 10% nhưng ổn định hằng năm. Và cùng với các sắc thuế khác, đây là nguồn thu cần nuôi dưỡng.

Tại hội nghị ngày 27/8/2019 của ngành Thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN Bộ Tài chính đã thừa nhận: Luật Thuế TNCN hiện hành (hiệu lực từ 1/7/2013) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy, đến nay nhiều quy định không còn phù hợp, phải sửa đổi, bổ sung là cần thiết.

Sửa bộ luật đụng đến từng bữa cơm của người dân này cần lưu ý điều gì? Theo các chuyên gia, việc cần làm ngay là thay đổi mức giảm trừ gia cảnh. Không nên cào bằng mức giảm trừ gia cảnh trong cả nước, bởi ở những thành phố lớn, chi phí sinh hoạt chênh lệch rất lớn so với các vùng còn lại. Bên cạnh đó, cần lưu ý khấu trừ các chi phí hợp lệ khác của người dân như khám chữa bệnh, giáo dục, làm từ thiện, mua bán nhà đất,...có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

Sửa mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN lúc này đã là muộn. Nhưng thà muộn còn hơn quá...muộn!  Đừng để người dân phải chịu thêm nhiều gánh nặng với đủ khoản thuế phí, và chi phí trang trải sinh hoạt hằng ngày "chèn ép" vào cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.