Sức ỳ cho đất nước

TP - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : “Tôi xin nói rằng hiện có một sức ỳ rất lớn cho phát triển đất nước. Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm với phát triển đất nước được. Đất nước cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn. Đây là câu hỏi và là vấn đề đặt ra cho các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh giải quyết”.

Thực chất, Thủ tướng đang nói tới chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền, từ trung ương tới địa phương. Số cán bộ “có cũng được, không có cũng được”, thậm chí “cán bộ mà cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng” chiếm bao nhiêu phần trăm trong mỗi cơ quan ? Với câu hỏi thẳng thắn này của người đứng đầu chính phủ, câu trả lời không ai khác chính là từ các vị bộ trưởng, các bí thư, các chủ tịch tỉnh.

Còn nhớ từ năm 2013, đã có dư luận cho rằng khoảng 30% cán bộ, công chức thuộc diện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thế nhưng, theo người đứng đầu Bộ Nội Vụ khi đó, kết quả bình xét thi đua chỉ có khoảng 1% không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một con số nữa cũng rất đáng phải suy ngẫm, dân tăng ít còn cán bộ thì tăng gấp đôi. Sau 20 năm (1997 -2017), dân số tăng 20% (từ 77 lên 92 triệu), song cán bộ lại tăng tới 100% ( từ 1,3 lên 2,7 triệu).

Không rõ sau 5 năm, con số đầy mâu thuẫn giữa 30% và 1% kia liệu đã có gì thay đổi ? Chỉ biết rằng, sự thờ ơ, vô cảm - sức ỳ lớn cho sự phát triển của đất nước - vẫn còn đó. Trong khi đó, yêu cầu tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm chi phí và phiền hà cho doanh nghiệp là cấp thiết và không thể đảo ngược. Thế nhưng, tần suất của những cụm từ như “trên nóng, dưới lạnh” hay "sợ trách nhiệm" vẫn xuất hiện đều đặn trên báo chí và công luận.

Kết luận Hội nghị trực tuyến nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bốn nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của đất nước. Đó là, chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương, phép nước không nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.

Đội ngũ cán bộ, công chức với sứ mệnh cao cả phục vụ nhân dân, là “công bộc” của dân như lời Bác Hồ dạy. Thế nhưng, cũng chính một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ “công bộc” ấy, một khi đã trở nên vô cảm, thậm chí suy thoái biến chất, tham nhũng tiêu cực, thì chính họ đã và đang trở thành lực cản, thành sức ỳ lớn cho sự phát triển của đất nước.

Muốn thoát khỏi thứ sức ỳ dai dẳng này, không còn cách nào khác, phải loại bỏ ngay một bộ phận, theo cách gọi của Thủ tướng là “có cũng được, không có cũng được”, ra khỏi bộ máy công quyền. Càng nhanh và càng triệt để bao nhiêu, nhân dân và đất nước càng được nhờ bấy nhiêu! 

MỚI - NÓNG