Suy ngẫm Tết

TP - 9 ngày nghỉ Tết trôi qua, “khoảng lặng” đủ dài để nhiều người tạm gác lại nỗi lo mưu sinh, gác lại những bộn bề công việc để sum vầy đoàn viên, để tổng kết và suy ngẫm, để rồi cùng nhau hy vọng về những gì tốt lành nhất trong mùa xuân mới. 

Tết cổ truyền tự ngàn đời của dân tộc tự nó có rất nhiều điều tích cực, là dịp để mỗi chúng ta tự “refresh” - làm mới mình, nạp thêm và lan tỏa năng lượng tích cực từ lòng người, từ phúc đức của ông bà tổ tiên, từ linh thiêng trời đất giao hòa, để tiếp tục vững bước sau mỗi chu kỳ Tết đến Xuân về. Phải chăng cú hích tinh thần quan trọng ấy của Tết đã góp phần không nhỏ giúp mỗi cá nhân, mỗi gia đình Việt và cả dân tộc này mãi trường tồn và phát triển trước biết bao biến thiên của thời cuộc.

Thế nhưng, ngày nay cũng không ít người “chán” Tết, rằng nghỉ Tết quá dài, rằng “lệch pha” công việc với thế giới. Tắc đường, kẹt xe, TNGT, quà cáp biếu xén, lễ hội du xuân kéo dài, bỏ bê công việc, tệ nạn rượu chè, cờ bạc, choảng nhau chí mạng cũng từ đó mà ra. Thống kê chưa đầy đủ từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết đã có 4.099 ca cấp cứu do đánh nhau, 55% trong số đó (2.254 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 11 trường hợp tử vong. Còn thông tin từ Bộ Công an cho hay, bình quân mỗi ngày Tết TNGT cướp đi 20 sinh mạng.

Mùng Một Tết, một người đàn ông vạm vỡ ở Long Khánh, Đồng Nai, hùng hổ lao ra từ chiếc xe ô tô 7 chỗ, giang tay tát thẳng cánh một người phụ nữ đang chở con nhỏ trên xe máy. Nguyên do chỉ vì cậu con trai anh ta bất thình lình lao qua đường không quan sát nên tự va vào xe máy của người phụ nữ kia. Clip được đưa lên mạng, cả cộng đồng phẫn nộ lên án hành vi đánh người vô cớ, lại còn đánh phụ nữ đang chở con nhỏ. Đến mùng 4 Tết, người đàn ông này đã tự giác lên mạng nói lời xin lỗi và trực tiếp đến nhà người phụ nữ xin tha thứ cho hành vi sai trái của mình.

Mùng Hai Tết, một gia đình ở Thanh Hóa đi du xuân hồn nhiên đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai để… “mở tiệc” ăn uống giữa đường, lại còn “truyền hình trực tiếp” (livestream) trên mạng. Hành vi nguy hiểm vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ này ngay lập tức bị cộng đồng mạng lên án. Sau đó, người lái xe đã lên tiếng qua báo chí rằng, rất ân hận về hành vi “lú lẫn, đãng trí” vì mải vui xuân của mình và xin được chấp hành đầy đủ các chế tài: Phạt  5,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Bên cạnh hàng ngàn vụ đánh nhau, hàng chục người chết mỗi ngày vì TNGT dịp Tết, hai sự việc liên quan, một trong Nam, một ngoài Bắc nói trên, vô hình trung lại cho ta thấy một tín hiệu trong lành, một niềm hy vọng. Rằng, sức “đề kháng” của xã hội chúng ta đối với những hành vi sai trái, phản cảm còn rất mạnh. Rằng, rốt cục sự lạc lõng, kém văn hóa, văn minh cũng phải tự cảnh tỉnh, tự sửa mình trước sức ép tích cực của cộng đồng.

Mặt trái của Tết là điều có thực, nhưng không phải vì thế mà “chán” Tết hay bỏ Tết. Tấm huy chương nào mà chẳng có hai mặt, biết ghi nhận và nhân lên những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực, đó mới là cách nhìn nhận biện chứng khách quan cho mỗi sự vật, hiện tượng.
Tết, ngẫm ra chính là niềm tin và hy vọng, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.V.H

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.