Tạ tội với rừng

TP - Dường như đang có tiếng kêu ai oán của rừng và con người đang phải trả giá cho hành động tàn phá rừng của mình. Rừng đáp trả bằng mưa, lũ, sạt lở đất và lấy đi cả mạng sống của lương dân. Ngày xưa, con người muốn vào rừng phải cúi đầu xin và lễ tạ. Bây giờ, người ta lạy những bộ sập, bàn thờ nguyên khối lâu năm.
Đợt mưa lũ vừa, đang và sẽ diễn ra, giữa ngổn ngang hoang tàn vùng hạ du là những xác rừng ken dày cả khúc sông, lòng hồ cơ man gỗ nổi. Tưởng như đã thấy ngày tận thế khi đội cứu hộ tìm người mất tích theo tiếng quạ kêu. Liên hợp quốc chọn ngày 21/3 làm “Ngày quốc tế về rừng”. Nhưng với tiến độ rừng bị tàn phá suy giảm trên hành tinh, có lẽ nên chọn đó là “Ngày giỗ rừng” có khi hợp hơn. Đây là dịp để các quốc gia nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân trong nước có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Rừng trong những ngày gần đây đã hóa thân thành nhiều tiếng nói góp sức làm nóng nghị trường Quốc hội. Nhận thức về rừng không chỉ xuất phát từ người dân mà phải khởi phát từ quan chức. Tiếng của rừng không chỉ là những âm thanh khóc than ai oán của người dân bị ngập lụt, lở đất, mà phía sau là sự lặng im khó hiểu của nhiều người có trách nhiệm. 
Một số trường phái thiền, con người thường ôm cây để được tiếp năng lượng. Cây cối tiếp thu năng lượng của vũ trụ rồi truyền cho con người. Nhiều bậc triết gia ngồi dưới gốc cây mà có phát kiến vĩ đại, góp phần giúp loài người hiểu biết hơn về tự nhiên. Giữa lúc cao điểm COVID - 19, Cơ quan Quản lý tự nhiên và công viên Israel cũng khuyên người dân, nếu không thể gần gũi người thân và bạn bè, có thể ôm cây để cảm nhận tình yêu với thiên nhiên. Đây có thể là một hành động gợi lại bản ngã khi con người còn ở trong rừng, được cây cối chở che. Con người với thiên nhiên thưở hoang sơ giao hòa với nhau bằng cả tâm thức và hành động. 
Suy thoái rừng và hoạt động đốt cháy rừng làm cho tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng. Ở Tây Nguyên, có nơi, nhà chức trách cho chuyển đổi rừng “nghèo” sang trồng cây công nghiệp. Trồng cây công nghiệp không xong, lại chuyển đổi tiếp sang các mục đích khác và tất nhiên không còn bóng dáng cây. Những linh hồn cây rừng nằm rải rác ở những sập gụ, nhà gỗ bề thế trong nhà các đại gia, quan chức mê đồ gỗ tự nhiên. Cuối cùng, chỉ làm tốn công các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vụ việc trong bối cảnh rừng đã mất, không thể phục hồi như cũ.
Hiện, ở nhiều đô thị lớn ở châu Âu, Mỹ; nhà chức trách đã lập hoặc bảo tồn những khu rừng trong phố. Ở New York nhiều ngôi nhà chọc trời vẫn có thể cựa quậy bên cạnh Công viên Trung tâm (Thực ra là 1 khu rừng lớn) với nhiều hươu, nai chạy tung tăng. 
Đã đến lúc, con người cần làm lễ tạ tội với rừng, nhất là ở những nơi bão lũ vừa đi qua..
MỚI - NÓNG