Tai mắt của Bộ

TP - Gian lận thi cử năm 2018 đến giờ vẫn còn nóng khi các phiên tòa vẫn đang diễn ra;  đứng trước vành móng ngựa là những người đã từng được giao “tay hòm chìa khóa” của kỳ  thi. Năm nay, do chỉ là kỳ thi tốt nghiệp nên Bộ GD&ĐT không còn cử lực lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH đi trông thi, chấm thi.

Từ năm 2017, mỗi năm, tại kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi. Còn năm nay, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, lực lượng này là gần 5.000 người

Số lượng giảng viên, cán bộ ĐH tham gia coi thi giảm 10 lần nhưng họ lại gánh trách nhiệm cho 50.000 cán bộ, giảng viên của những năm trước. Đồng thời, mỗi người mang trên mình 3 nhiệm vụ: thanh tra, giám thị coi thi, giám thị chấm thi. Có thể nói, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, “tai mắt” trực tiếp của Bộ GD&ĐT đều trông chờ vào đội ngũ thanh tra này.

Vì thanh tra của tỉnh hay của sở GD&ĐT, suy cho cùng vẫn chỉ là “người nhà”. Như vậy, lựa chọn được những giảng viên ĐH phù hợp với nhiệm vụ này là rất quan trọng. Thực tế cho thấy việc để thanh tra cắm chốt làm việc tại một điểm trong suốt thời gian kỳ thi diễn ra, để địa phương chi trả toàn bộ kinh phí trong thời gian thanh tra làm nhiệm vụ có thể dẫn đến sự khó xử,  tâm lý nể nang của lực lượng này trong quá trình làm việc.

Năm nay, theo quy định có 3 lực lượng thanh tra: Từ Bộ, UBND tỉnh/thành phố đến sở. Làm thế nào để tránh tình trạng chồng chéo, tránh tình trạng đoàn kiểm tra chưa đến điểm thi đã biết để chuẩn bị tiếp đón, hoặc trống dong cờ mở nhưng cuối cùng chỉ để cưỡi ngựa xem hoa? Hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với lực lượng thanh tra của Bộ năm nay nên công tác lựa chọn, tập huấn thanh tra hết sức nặng nề.

Ông Trần Trí Trung, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cơ chế thanh tra, kiểm tra không soi mói, không gây khó khăn, mà phải phát hiện, chấn chỉnh ngay từ đầu để phòng ngừa những sai phạm, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ với các bộ phận khác trong kỳ thi, đảm bảo công tác tổ chức, thực hiện ở tất cả các cấp độ đúng quy định, quy trình.

Một số địa phương “ngại” thanh tra là tâm lý thường tình. Con người đều có xu hướng chủ động, tự do, không thích người khác quan sát, theo dõi, nhắc nhở quá trình làm việc của mình. Chính vì vậy yếu tố con người và sự chuẩn bị sẽ góp phần đảm bảo công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt hiệu quả.

Về con người, cán bộ thanh tra phải chọn lọc kỹ từ cơ sở, có kinh nghiệm trong quá trình tổ chức kiểm soát thi, kiểm tra, nhất quyết không thể cử những người không đạt yêu cầu. Điều quan trọng nhất để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là mỗi bộ phận, mỗi con người hãy làm đúng chức phận của mình. Thanh tra giúp “làm đúng” chứ không “làm thay”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.