Thầy Sơn

TP - Thôi tạm gác tất cả những chuyện buồn chốn thi cử, học đường và mọi nhăng nhố ngoài đời, để hướng về một nỗi buồn khác. Cũng về nghề và người dạy học. Nỗi buồn đau, mà đẹp, mà mến yêu, thanh sạch.

Đó là cuộc chia tay với thầy giáo dạy văn Chu Văn Sơn. Sáng nay, Chủ nhật 21/4, là thời khắc tiễn đưa anh về an nghỉ nơi mây trắng xứ Đoài. 

Từ một học sinh giải Nhất văn toàn quốc từ miền quê Thanh Hóa thời xa xưa, Chu Văn Sơn trở thành ông thầy dạy văn, không chỉ tại ngôi trường Đại học sư phạm Hà Nội, mà khắp cả nước. Học trò của anh bây giờ nhiều người cũng đã trở thành thầy của những thầy cô giáo dạy văn khác…

Viết cho những ngày buồn trên trang facebook cá nhân, nhà phê bình, thầy giáo dạy văn Văn Giá kể hai năm cuối đời thầy Sơn im lặng vì ngọa bệnh. Giáo viên, sinh viên, học sinh khắp nơi xôn xao. Hỏi thầy đang làm gì, đi đâu, sao lâu nay vắng bóng thầy? Bức chân dung thầy Sơn của một học trò cũng là đồng nghiệp suốt nửa tháng trời mày mò vẽ tặng, dù tay ngang với cọ với màu. Bức tượng thầy Sơn tạc từ thân gỗ Tây Nguyên của một nghệ nhân không quen. “Góc Chu Văn Sơn” trong phòng làm việc của một cô giáo ở nơi xa... Tất cả hướng về thầy Sơn., cầu mong thầy khỏe lại.

“Thế mới biết trong cộng đồng văn học nhà trường, Sơn có một quyền uy ghê gớm. Sơn như người gieo hạt đã miệt mài ươm những hạt mầm văn chương đẹp đẽ thiện lành lên khắp xứ sở này”, Văn Giá viết. 

Thân cây ấy, người gieo hạt ấy dù ngã xuống, nhưng mùa màng sinh sôi bất tận. Khuất sâu vào mỗi tâm hồn.

Tôi luôn cho rằng những gì ố tạp đang xảy ra nơi học đường hiện nay chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều tốt đẹp nơi ấy. Điều ít người thầy nào nói ra, phô ra. Âm thầm khai mở và trao truyền cái đẹp của từng trang văn vào đời sống. Điều chỉ có thể nhìn ra bằng cái tâm sâu lắng của mình mà thôi. 

Người thầy ấy không màng học hàm phó giáo sư hay giáo sư. Người thầy chưa bao giờ làm hồ sơ để mưu cầu điều tưởng như hiển nhiên ấy. 

Tôi thỉnh thoảng gặp Chu Văn Sơn tại những hội thảo văn chương đây đó. Để đủ nhận ra ở anh một điều khá “lạ”, đó là cái sự vừa chăm chú, lại vừa lơ đãng. Chăm chú của nhà phê bình nghiêm cẩn, và lơ/lãng đãng của một thi sĩ. Chất thi sĩ trước mỗi tác phẩm, trước đời sống và cái đẹp. Có vẻ như anh luôn thả lỏng để đi được xa hơn.

“Ai cũng biết chết là một cuộc chia lìa tất yếu và đáng sợ. Sống có nghĩa là đang chia lìa. Nhưng, may thay, hết thảy chúng ta đều có khả năng quên đi mà vui sống. Còn ở những người như Tử lại không được trời phú cho cái khả năng quên”. Chu Văn Sơn viết về Hàn Mặc Tử trong cuốn “Ba đỉnh cao Thơ Mới”, như vậy.

Anh có thực sự “quên” được không, quên cái chết, vào giây phút cuối của đời mình?

Tôi nghĩ, anh không “quên”, mà chỉ chọn cách “lơ đãng”, để đi tiếp tới một chân trời khác.

Và mang theo trên vầng trán rộng của mình “những điều bí mật của một vũ trụ khác”, như văn hào Pháp Chateaubriand từng chiêm nghiệm về những con người tuấn tú.  

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.