Thi là đúng!

Thi là đúng!
TP - Ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam và các trường chất lượng cao khác ở Hà Nội sẽ quay lại chế độ thi tuyển vào lớp 6, một diễn đàn trên mạng của các PHHS với gần 50 ngàn thành viên đã làm một cuộc thăm dò về chuyện “Thi hay xét?”.

Câu hỏi “Thi Toán – Văn - Anh là công bằng nhất” nhận được 534 lượt bình chọn, trong khi câu hỏi “Xét giải học sinh giỏi là công bằng và nhẹ nhàng nhất” chỉ nhận được vẻn vẹn 20 lượt bình chọn.

Thực ra, chẳng cần thăm dò cũng biết một điều muôn thủa rằng, chỉ có thi cử nghiêm túc mới đánh giá được một cách khách quan và công bằng năng lực của mỗi học sinh. Ngôi trường chuyên Hà Nội – Amsterdam danh giá, những năm trước đây, trung bình mỗi phòng thi 20 thí sinh chỉ đỗ có 1 (sau khi đã vượt qua vòng xét hồ sơ với tổng điểm thi cuối kỳ của 2 môn Toán- Văn phải từ 19 trở lên). Còn nhớ, năm học 2013-2014, có tới 4200 học sinh vượt qua vòng xét hồ sơ phải bước vào cuộc thi sát hạch  với 2 môn Toán, Văn để chọn lấy 200 học sinh vào lớp 6 chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Đang thi cử căng thẳng và ngặt nghèo là vậy để chọn được những học sinh giỏi nhất, bỗng dưng quay ngoắt sang xét tuyển. Chỉ vì một quy định “cấm thi tuyển vào lớp 6” bắt đầu từ năm học 2015 - 2016 của Bộ GD&ĐT.

Khi đó, báo Tiền Phong đã có loạt bài đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục phản biện lại quy định nói trên. 3 năm qua, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam và tất cả các trường chất lượng cao ở Hà Nội đã phải tự nghĩ ra đủ kiểu tiêu chí phụ để xét tuyển, kể cả giải ca hát, cầu lông hay bơi lội… để loại bớt số học sinh đầu vào vượt gấp hàng chục lần chỉ tiêu, chỉ vì bị cấm thi. Cuộc đua của các PHHS cả “săn” lẫn“chạy” giải thưởng được dịp bùng phát, tiêu cực trong giáo dục cũng từ đó mà ra.

Phàm điều gì bất cập và vô lý, rồi cũng sẽ bị xã hội đào thải. Bởi thế, việc bỏ cấm thi vào lớp 6 cũng là điều dễ hiểu. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đang treo ở các trường học là một mục tiêu đúng đắn, tránh căng thẳng và mang đến niềm vui trong học tập, rèn luyện cho học trò.

Chính vì vậy, môi trường chuyên của học sinh năng khiếu cũng chỉ thích hợp với những học sinh xuất sắc có năng lực tương xứng. Sự chạy chọt và kỳ vọng quá tầm của những bậc cha mẹ vô hình trung chỉ làm khổ chính con em của họ, một khi chúng bị ngồi nhầm lớp, nhầm trường mà thôi.

Quy định bỏ trường chuyên bậc THCS tại các tỉnh thành, hệ thống vốn đã tồn tại từ nhiều thập niên qua, có lẽ cũng đến lúc cần phải xem xét lại. Bởi trên thực tế, các trường chuyên nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa (TPHCM) hay Hà Nội – Amsterdam vẫn đang tồn tại hệ THCS như một nhu cầu tự thân và tất yếu.

Các học sinh có năng khiếu về Toán, Văn, ngoại ngữ và một số môn học khác rất cần được phát hiện và bồi dưỡng từ sớm, ngay ở bậc THCS hoặc sớm hơn nữa, cũng giống như các năng khiếu khác như thể thao hay âm nhạc.

Thi, là giải pháp duy nhất đúng để chọn được học sinh có năng lực thực sự, tránh làm khổ tuổi thơ cho những em không có năng khiếu cần thiết, thậm chí làm thui chột tài năng khác của các em, trong môi trường chỉ thực sự dành cho học sinh có năng lực phù hợp.

MỚI - NÓNG