Thiếu sự thật thì giả ảo lên ngôi

Trần Tuấn
Trần Tuấn
TP - Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ đầy hoang mang, dở khóc dở cười với những thứ danh xưng không giống ai. Thời của toàn “ông hoàng, bà chúa”, của những “siêu” những “khủng”. Những thứ danh xưng thường là tự xưng, hoặc do một “hội đồng chuột” nào đó bầu ra.

Công thức để sau một đêm trở thành “nữ hoàng”, “nam vương”, đó là bỏ ít tiền ra thuê một cái hội nhóm vô danh nào đó (hiện mọc tràn lan khắp nơi) tổ chức bầu lên. Để “vươn tới” danh xưng cao hơn tầm châu lục hay thế giới, bèn kéo bầu đoàn thê tử du lịch nước ngoài một chuyến, thuê khách sạn tổ chức một đêm, được mấy tờ lá cải “khua chiêng gõ mõ” trên mạng. Thế là thành “Nữ hoàng/nam vương Thái Bình Dương/quốc tế”…

Đó thực ra mới chỉ là biểu hiện cấp thấp của chứng loạn danh, háo danh, ngáo danh thời nay. Trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng giới showbiz hay kinh doanh. Nó tràn lan, từ hạ tầng đến thượng tầng xã hội, ngán ngẩm đến mức nghĩ cũng không cần phải dẫn ra làm gì.

Danh loạn, vì thực loạn. Thực loạn, thì cái giả, cái ảo lên ngôi. Tìm được những gì đó gọi là “sự thực” bây giờ khó hơn bao giờ hết. Khó, bởi nó còn ít ỏi, hiếm hoi quá. Khó, bởi niềm tin cạn dần. Khó, còn bởi sự nhiễu loạn của truyền thông/mạng xã hội hiện đại mà các nhà quản lý chưa thể nào quản nổi.

Và nữa, bởi thói dễ bị át vía của đám đông trước những danh hiệu, danh vị, tên tuổi xủng xoẻng nào đó. Một thứ tâm lý “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quầnkéo dài từ thời tiểu nông tới tận bây giờ. Một “nhà báo quốc tế” đùng đùng xuất hiện, thế là nhiều chức sắc hối hả chạy theo…

Kỳ thực, đó cũng là vấn đề của tâm lý thế giới hiện đại. Chúng ta hầu như đều biết đến thuật ngữ Hiệu ứng Halo còn gọi là “Hiệu ứng hào quang” của nhà tâm lý học người Mỹ Edward Lee Thorndike (1874-1949). Theo đó, những thứ danh hiệu, nhan sắc, chức sắc địa vị xã hội, sự nổi tiếng… luôn dễ dàng khiến đám đông bị mờ mắt.

Các ngôi sao, cầu thủ lĩnh một show quảng cáo nào đó, lập tức trong mắt đám đông, họ bỗng chốc trở thành những “chuyên gia” hàng đầu trong sản phẩm mà họ quảng cáo. Một doanh nhân có tiếng dễ được nhiều người chấp nhận là “kẻ cứu rỗi”, thay vì là một bệnh nhân cần điều trị bệnh hoang tưởng...

Nói như cây bút người Mỹ khác là Rolf Dobelli, hiệu ứng đó như cái bẫy tư duy khiến chúng ta dễ lệch lạc, thiên kiến trong nhận thức, đánh giá các sự việc, hiện tượng trước mắt. Bởi vậy, khi tuyển người, nhiều dàn nhạc đẳng cấp trên thế giới yêu cầu các ứng viên chơi nhạc đằng sau tấm màn che, để cho giới tính, chủng tộc, tuối tác, ngoại hình của ứng viên không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của mình.

Dễ át vía trước những danh hiệu, danh vị, tên tuổi là “bệnh” của số đông. Còn những kẻ đua nhau mua danh, kiếm danh, kể cả những thứ danh xưng ngây ngô chẳng giống ai, thì sao?

Họ chẳng bệnh tật gì hết. Bởi các thứ danh xưng đeo khoác lủng lẳng trên người ấy chẳng phải do ảo tưởng, ngây thơ gì. Đó cũng không mang chút giá trị phi vật thể nào hết, mà là những món hàng đúng nghĩa. Được mua bán, đổi chác, để tiếp tục bán mua, kiếm tiền, đổi chác ở cấp độ cao hơn. Một thứ đa cấp tinh vi ẩn chứa nhiều bệnh hoạn, gạt lừa.

Danh loạn, vì thực loạn. Thực loạn, thì cái giả, cái ảo lên ngôi.

Dẹp bỏ bệnh ngáo danh không thể bằng những hô hào hình thức. Mà gốc rễ, đó là làm sao mỗi con người đến cả thể chế xã hội đều thượng tôn cái thực, sự thật. Thật, từ suy nghĩ, lời nói đến việc làm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.