Tiền tỷ bỏ hoang

Tiền tỷ bỏ hoang
TP - Vừa qua tôi có việc đi qua khu đô thị mới Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội), nơi từng là đỉnh của nhiều cơn sốt đất quay cuồng vùng ven cách đây khoảng hơn chục năm. Nhiều tuyến đường gắn biển Hà Phong giờ phải vạch cỏ dại mới nhìn thấy. Biệt thự tiền tỷ xây xong bỏ hoang, cỏ dại và dây leo mọc đến thắt lưng khiến không ít người phải xót xa.

Một vòng từ huyện Mê Linh đi huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, dọc đường Láng - Hòa Lạc…dễ dàng bắt gặp cả nghìn căn biệt thự bỏ hoang nhiều năm. Những biệt thự hoang đó thực ra đều đã có chủ, dự án phần lớn cũng đã hoàn thành, thậm chí thành phố đã cấp sổ đỏ, nhưng vì quá xa trung tâm, thiếu tiện ích hạ tầng và thực chất là xây dựng để bán cho dân đầu cơ nên chết yểu. Nhiều người gọi những khu biệt thự hoang tàn, lạnh lẽo này tại nhiều quận huyện của Hà Nội bằng cụm từ “biệt thự ma”.

Vì sao hàng nghìn căn biệt thự xây xong trị giá cả chục nghìn tỷ đồng lại rơi vào tình cảnh này? Theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), xảy ra tình trạng biệt thự xây xong bỏ hoang là kết quả của tình trạng “nhà nhà làm dự án”, hậu quả của những đợt sốt đất điên cuồng. Việc cấp phép triển khai nhiều dự án bất động sản khá dễ dãi, không gắn quy hoạch với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, không đánh giá đúng nhu cầu của người dân.

“Quy hoạch không gắn với kế hoạch. Có những lô đất dùng ngay năm nay nhưng cũng có những lô đất phải dành cho 20 thậm chí 30 năm sau. Đây là công việc mà chính quyền các tỉnh, thành phố phải làm”, ông Đỗ Viết Chiến nói.

Sự dễ dãi của chính sách và quy định dường như nghiêng về lợi ích của chủ dự án đã tiếp tay cho tình trạng “biệt thự ma” bùng phát. Ngay khi căn bệnh “biệt thự ma” loay hoay tìm thuốc chữa thì công luận lại kinh ngạc khi Bộ Xây dựng-Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 20/2013, cho phép chủ đầu tư phân lô bán nền để người dân tự xây dựng nhà.

Tình trạng “tháo khoán” trong cấp phép dự án một thời tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây và nhiều địa phương sau này đã phải trả giá đắt. Nhiều cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh từng cho PV Tiền Phong biết:  Không ít dự án bỏ hoang nhiều năm và cơ quan chức năng không liên hệ được với chủ đầu tư để xử lý công việc!

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng “biệt thự ma”, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kinh tế như thuế chống đầu cơ nhà đất, cần kiểm soát chặt việc cấp phép dự án đô thị mới; xử lý nghiêm các chủ đầu tư cắt xén, không thực hiện trách nhiệm xây dựng đồng bộ về hạ tầng…   

MỚI - NÓNG