Tiếng than giữa dòng lũ

TP - Tiếng gào thét bất lực của người chồng phút chốc bị nước lũ cuốn trôi vợ đang mang bầu trên đường sinh nở, đã ám ảnh tâm trí bao nhiêu người. Con người thật nhỏ nhoi, con người bất lực trước cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên.

Nỗi đau vô vọng đó không chỉ lay động riêng một gia đình, dòng tộc ở miền quê mà còn động đến tâm can những người có lương tri đã chứng kiến. Sẽ có những “giá mà” mỗi khi diễn ra bão, lũ, gió mưa; dịch bệnh… Người ta vốn hay xem bão, thiên tai như là nguyên nhân, thực ra đó là hậu quả. Tây Nguyên vốn có danh xưng “đại ngàn”, nơi có độ phủ rừng cao nhất nước, nhưng đang trên đà sa mạc hoá. Những con voi Tây Nguyên đã hoá điên hoặc mệt mỏi phục vụ du khách đến mức quên rằng, chúng cũng có đời sống tâm, sinh lý. Gần đây, voi nhà còn làm chết nài; voi rừng về tàn phá nương rẫy. Những hạt mưa trước đây có rừng đầu nguồn níu giữ, nay rừng đã trọc nên chúng ồng ộc càn quét qua các ngôi làng, thị trấn, thị tứ, rồi đổ về thành phố, gây tang thương.

Khi lũ càn qua, không có chiếc ghế gỗ, phản gỗ, nhà gỗ bề thế tiền tỷ (nhờ phá rừng mà có) nào chở che nổi phận người. Trách nhiệm của những quan chức hay hứa, ít làm cũng có thể phơi lộ qua mưa, lũ. Có ông phó chủ tịch một tỉnh Tây Nguyên (đi lên từ cán bộ kiểm lâm) còn không ngần ngại đổ lỗi cho bão làm mất rừng. Đương nhiên, từ phát ngôn đó, người ta có quyền suy nghĩ về trách nhiệm và tư duy quản trị của vị quan chức này. Nó cũng thành câu chuyện tiếu lâm trong những bữa rượu nhạt.

Điệp khúc đến mùa mưa, miền Trung lại nức nở, tang thương. Như đã thành quy luật trong bất lực, năm nào, cả nước cũng hướng về miền Trung để chia sẻ mất mát. Không có cách nào ngăn được việc này sao? Chắc chắn có, nhưng khó. Khó như việc làm sao để dành tâm sức, trí tuệ, nguồn lực trồng lại rừng đầu nguồn; quy hoạch lại hệ thống thoát lũ; lập bản đồ lũ để tránh rủi ro…. Khó như việc nâng cao nhận thức về môi trường, sinh thái để người dân đói ăn tìm cách mưu sinh khác thay vì chặt phá rừng. Nếu mỗi cá nhân, tổ chức, chính quyền không thức tỉnh và gắn trách nhiệm của mình với bảo vệ thiên nhiên, thảm họa sẽ không chỉ rơi vào mảnh đất miền Trung, mà tương lai có thể lan rộng ra nhiều nơi khác.

Quốc đảo Singapore nhỏ bé, nhưng 20 năm trước, chính quyền nước này đã thể hiện tầm nhìn xa, xây đập lớn để ngăn mưa nhấn chìm thành phố và lưu trữ nước ngọt. Người dân, chính quyền nước này gần như hòa mình với thiên nhiên. Cây xanh ở đây được kiểm soát chặt chẽ đến mức chính quyền có thể xử nặng những kẻ xâm hại. Đương nhiên, có thể hiểu nếu một bộ sập gỗ hay đồ nội thất xa hoa có nguồn gốc từ phá rừng, khai thác rừng bừa bãi xuất hiện trong nhà quan chức hay trụ sở công quyền sẽ trở thành sự nhạo báng.

“Trời ơi” là tiếng kêu than của phận người giữa dòng nước lũ, nhưng ông trời ở quá xa, chỉ có những câu kinh vọng lại…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.