Tìm lối thoát

TP - Những con số về việc ngành hàng không Việt có thể thiệt hại hơn 1 tỷ USD vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ chuyển từ dự kiến lãi thành lỗ hàng  nghìn tỷ đồng trong năm 2020; Du lịch Việt Nam ước tính  thiệt hại 7 tỷ USD trong khi thông tin từ Kiên Giang cho hay, du lịch địa phương ước tính thiệt hại hơn 2.446 tỷ đồng do dịch Covid-19; Vốn FDI thực hiện giảm 5%... 

Những thông tin không vui dồn dập xuất hiện những ngày qua từ các doanh nghiệp song hành với hàng loạt chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại của Việt Nam- vừa được Bộ Công Thương công bố ngày 5/3- cho thấy, tình hình có thể rất bi đát nếu dịch Covid-19 không chấm dứt sớm.

Các số liệu báo cáo tăng trưởng trong 2 tháng qua của hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ….cho thấy những dự báo rất xấu trong các tháng còn lại của năm 2020. Thiên tai, địch họa luôn là mối đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Nền kinh tế khỏe, dự trữ dồi dào sẽ có khả năng cầm cự tốt hơn. Với nền kinh tế yếu, sẽ là thảm họa nếu không có giải pháp được đưa ra kịp thời để tháo gỡ.

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để giảm thiểu tác động tiêu cực… là những "nút thắt" được bàn đến nhiều năm qua ở Việt Nam. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày qua tại Hà Nội và nhiều địa phương cho thấy, không ít người lao động đã mất việc tạm thời. Tình trạng giảm giờ làm của người lao động cũng ghi nhận được ở những doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không, vận tải, đường sắt, chế biến, chế tạo.

Tình trạng doanh nghiệp cầm cự vì thiếu nguyên liệu, nhà hàng lần lượt đóng cửa vì vắng khách, khách sạn sa thải nhân viên, cho nghỉ không lương hoặc chỉ hỗ trợ chi phí tạm nghỉ là cảnh cũng không hiếm gặp.

Mất việc, giảm giờ làm đồng nghĩa thu nhập của gia đình bấp bênh. Những quán ăn ngày càng vắng khách, những bữa cơm thưa dần những đĩa thịt. Những bóng mờ về tụt giảm kinh tế xuất hiện dày hơn khi mức chi tiêu, thu nhập của người dân, từng doanh nghiệp đang ngày càng giảm sút sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Bất ổn từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình khi tình trạng đình đốn, ngưng trệ sản xuất kéo dài sẽ kéo theo những hậu quả khó lường.

Tháo gỡ sớm khó khăn của từng nhóm ngành hàng, thoát phụ thuộc một thị trường duy nhất là nhiệm vụ cấp bách với tất cả các bộ ngành và Chính phủ.           

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".