Tội ác

TP - Khi con trai học bán trú cấp 2 tại một trường ở quận 7, TPHCM, tôi bất ngờ nhận được thông báo “phụ huynh lên web hoặc bảng tin của trường để xem thực đơn hằng ngày của con”.  Cả 5 năm học cấp 1, tôi chưa bao giờ thấy trường công khai suất ăn của con như vậy.
Một tháng sau khi cháu vào học, nhóm phụ huynh chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm thông báo “mời đến ăn bữa cơm bán trú cùng các con”. Trong phòng ăn rộng rãi và sạch sẽ, chúng tôi nhận được suất ăn hơn 30.000 đồng với đầy đủ món mặn, xào, canh và tráng miệng. “Tôi ăn thấy ngon và chắc các con cũng sẽ như thế”, một phụ huynh nói.

Cũng như việc học hành của con trẻ, bữa ăn cho học sinh giờ đã được nhiều trường chú tâm, tôi thầm nghĩ. Thực tế, cách làm của nhiều trường về giám sát, đảm bảo chất lượng và an toàn cho bữa cơm học sinh... đã ít nhiều nói lên điều đó.

Bạn tôi (có con học ở một trường tiểu học tại quận 2) nói rằng, không chỉ phụ huynh được giám sát thực đơn của các con hằng ngày mà cả giáo viên và hiệu trưởng cũng ăn cùng với học sinh tại bếp ăn của nhà trường. “Nếu lãnh đạo trường và giáo viên không ăn suất ăn bán trú cùng học sinh thì làm sao phụ huynh đủ tin tưởng để có thể gửi con vào bán trú. Do đó, nếu chúng ta ăn ngon thì học sinh cũng vậy”, hiệu trưởng trường này nói khi được hỏi về bữa ăn bán trú nơi đây.

Nhiều trường giờ đây quan tâm suất ăn của con trẻ cũng như chuyện dạy học, bồi dưỡng kỹ năng và đạo đức cho chúng vậy. Họ đến các bếp ăn, tỉ mẩn xem nguồn gốc thực phẩm, chất lượng gia vị... rồi mới “chọn mặt gửi vàng”. Có nơi xây hẳn bếp ăn, tuyển nhân viên, đầu bếp, mua thực phẩm từ siêu thị để nấu ăn cho học sinh, thậm chí mời phụ huynh thị sát bữa ăn của con em mình...

Nhưng thực tế, không phải trường nào cũng có thể minh bạch bữa cơm của học sinh bán trú như vậy. Cả tuần nay, hàng trăm phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi phản ứng quyết liệt với nhà trường sau khi họ phát hiện suất ăn dành cho con em mình bị “cắt xén”, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. “Các con than đói, bị tiêu chảy, kêu ca thức ăn không ngon”, nhiều phụ huynh phản ánh. Sau đó, họ âm thầm tìm hiểu để rồi phát hiện, nguyên liệu hư hỏng được đưa vào chế biến. Có ngày người tiếp phẩm nhận thịt, cá, cứ 10 bịch cá thì có 3 bịch không tươi. Thậm chí có ngày phụ huynh phát hiện nhà bếp nhận 2 thùng giò mọc mà hóa đơn chỉ ghi có 64.000 đồng; thắc mắc của họ đã không được nhà bếp giải đáp.

Câu chuyện bớt xén phần ăn của học sinh không chỉ xảy ra ở Sài Gòn. Tháng 10 vừa qua, tại Trường Tiểu học Phước Long 1 ở thành phố Nha Trang, phụ huynh  phát hiện lượng thực phẩm nấu cho học sinh ít hơn nhiều so với lượng báo của nhà bếp. Phụ huynh đề nghị cân lại và kết quả được phơi bày, thịt heo chuẩn bị nấu chỉ có 44 kg, trong khi lượng thịt mà những người phụ trách bếp báo nấu cho học sinh là 65 kg. Ngoài ra, xô canh bữa trưa dành cho một lớp bán trú tối thiểu 30 em được nhà bếp báo là có 5 lạng thịt bò, nhưng thực tế chỉ được 1 lạng...

Ăn bớt thức ăn của học sinh được mọi người coi là tội ác, nhưng tội ác này vẫn cứ xảy ra ở nhiều trường trên cả nước. Không chỉ ở trường công, mới đây, “căn bệnh bớt xén” này  “lây lan” ra cả trường tư, trường được mệnh danh là quốc tế.  Tháng 9 năm ngoái, nhiều phụ huynh học sinh trường quốc tế Việt Úc tại quận 2 đã khóc khi nhìn thấy những phần ăn không như trường hứa hẹn dành cho các con. “Chúng tôi không chấp nhận một trường quốc tế hơn 20 năm kinh nghiệm ở Việt Nam làm ăn như thế này”, một phụ huynh viết trên Facebook kèm theo những hình ảnh suất ăn “nghèo nàn” mà họ nói đã đóng đến hơn 100.000 đồng.

Ăn uống bán trú cho học sinh đã được Bộ GD&ĐT quy định rõ ràng rằng, đối với bậc mầm non, bữa ăn có chế độ dinh dưỡng theo chỉ đạo của Bộ, ở bậc tiểu học có bộ thực đơn của Ajinomoto. Nhưng, mọi chuyện không như quy định. Nhiều trường vì một chút lợi ích trước mắt đã bất chấp chế độ dinh dưỡng của học sinh để bớt xén. Họ kiếm chút “hoa hồng” trên miếng cơm của học sinh. Nhiều công ty cung cấp suất ăn còn “đi đêm” với lãnh đạo nhà trường để được trúng thầu cung cấp. Để chi ngoài, các đơn vị này không còn cách nào khác là bớt xén phần ăn của học sinh.

Bữa ăn học sinh dù ngoài công lập hay công lập đều phải đảm bảo theo quy định chung, không có sự khác biệt. Nhưng, một số trường ngoài công lập dựa vào mác quốc tế hay trường chất lượng cao tự phong thu tiền ăn khá cao. Nhiều trường thu tiền ăn một ngày của học sinh hơn 100.000 đồng, nhưng theo bộ thực đơn tiêu chuẩn của học sinh tiểu học gồm ăn trưa và ăn xế, tiền ăn chỉ hơn 30.000 đồng/ngày. Vậy là tiền mà cha mẹ đóng góp và cứ nghĩ con mình sẽ có được bữa cơm ấm bụng đã không nằm trong miếng thịt con cá, mà chảy vào túi của những người làm giáo dục bất lương.

“Mất bò mới lo làm chuồng”, nhiều trường sau khi bị phơi lộ bớt xén khẩu phần ăn đã bắt đầu lắp camera giám sát bếp ăn, cho phụ huynh kiểm tra. Nhưng không có “mắt thần” nào kiểm soát hiệu quả bằng con mắt tâm hồn. Nếu các trường, các đầu bếp nấu nướng cho học sinh gửi gắm cả tình yêu thương vào suất ăn, không ai phải lo lắng, phải giám sát bữa ăn của các em như bây giờ.
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.