Tôi ơi, đừng kỳ thị

TPO - Cách đây hơn nửa tháng, khi các cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện cách ly toàn bộ người dân xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc để phòng chống dịch Covid-19, một khách sạn ở Hà Nội treo biển với nội dung: Chúng tôi không chào đón du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc.

Dưới thông báo trên, người viết lịch sự ghi thêm hai chữ “xin lỗi” !  

Cùng thời gian này:

- Tổ trưởng tổ dân phố một phường ở quận Cầu Giấy gõ cửa từng nhà, nhắc nhở về phòng chống dịch Covid-19. Người tổ trưởng mẫn cán này còn chu đáo nhắc mọi người không tiếp xúc với khu Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, và cả những người đi-về từ hai địa phương trên.

- Văn bản báo cáo của Trung tâm Y tế xã Điện Thắng Bắc (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), dùng từ “đối tượng” - hàm ý cần cảnh giác - để chỉ 4 người đến từ huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc, tới tạm trú ở Quảng Nam.

- Một bệnh viện ở Hà Nội từ chối một ca đẻ, chỉ vì thai phụ đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, dù trước đó, bệnh viện đã được thai phụ đăng ký mổ đẻ trọn gói.

Có lẽ khỏi phải kể thêm nữa các trường hợp tương tự !

Cho dù là “sự cố” do nhân viên diễn đạt sai ý của quản lý khách sạn - như giải thích của quản lý khách sạn nói trên - và thông báo đã được gỡ xuống ngay sau đó; “sự cố” do nhân viên Trung tâm y tế xã Điện Thắng Bắc thể hiện sai ý tứ lãnh đạo trong văn bản; “sự cố” đáng tiếc do nhân viên tiếp đón bệnh nhân lĩnh hội sai ý kiến lãnh đạo bệnh viện, câu chuyện trên vẫn nói lên rằng: đã và đang hình thành không chỉ thái độ, mà còn là cách ứng xử kỳ thị đối với những người nhiễm Covid-19 !

Thật đáng lo ngại !

Những ngày qua – những ngày mà những người rủi ro trở thành bệnh nhân Covid-19, cần lắm lắm, cần hơn lúc nào hết sự cảm thông chia sẻ, tình cảm ấm áp của cộng đồng – thì thật éo le, việc ứng xử một cách kỳ thị với họ lại có chiều hướng lây  nhanh hơn con Covid-19 gớm ghiếc. Tới mức, một nam thanh niên đã phải giơ tấm biển  “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!”.

Làm cái việc “khổ nhục kế” bất đắc dĩ này, có lẽ nam thanh niên kia bắt chước một người ông Trung Quốc sống ở Florence, Ý, xuống đường vào ngày 2/2: Che mắt bằng khăn choàng, đeo khẩu trang, đứng im ở góc phố. Bên cạnh anh là tấm biển ghi dòng chữ "Tôi không phải virus corona. Tôi là con người. Xóa bỏ định kiến" mà truyền thông toàn cầu đã thông tin nhằm cảnh báo sự thiếu hiểu biết, dẫn đến hành động nhẫn tâm của nhiều người.

Cho dù hành động từ ý tưởng của người khác, dòng chữ trên tấm biển của nam thanh niên Vĩnh Phúc chắc chắn đã, và phải làm nhói lòng những ai có lương tri, lương tâm.

Hơn nửa tháng sau câu chuyện của nam thanh niên Vĩnh Phúc, sáng 26/2, ông Nguyễn Văn Vinh, 50 tuổi, bệnh nhân cuối cùng trong số 16 ca dương tính nCoV ở Việt Nam, xuất viện.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang hoành hành, giết chóc, đổ bệnh cho nhiều người ở gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, sự kiện này là niềm vui khôn tả không của riêng ông Vinh, mà còn là của ngành y tế nước nhà. Vậy mà, trong phát biểu trước khi rời bệnh viện, sau phút vui mừng, như không nén được, ông Vinh đã phải ngậm ngùi nói ra lời cầu xin tha thiết:  "Tôi rất nhớ nhà và muốn trở về với vợ con. Mong cộng đồng đừng kỳ thị".

Thì ra, ông Vinh - bệnh nhân cuối cùng trong số 16 bệnh nhân ở Việt Nam - đã lường trước, ngay cả khi đã bước khỏi cánh cổng bệnh viện, cùng với ánh mắt nồng ấm tình người, những cánh tay vồn vã chìa ra với mình, còn có không ít những cái nhìn dè dặt, cảnh giác, thậm chí ghẻ lạnh.

Hóa ra, trong cuộc chiến chống Covid-19, chữa khỏi bệnh nhân vẫn chưa là đoạn kết.  

Là bởi, nỗi sợ hãi quá đáng cùng việc thiếu kiến thức của không ít người rất có thể khiến quá trình trở lại cuộc sống bình thường của những người đã xuất viện tiếp tục gặp nhiều khó khăn. 

MỚI - NÓNG