Trách nhiệm của ai?

TP - Khiếu nại của người dân bị giải toả nhà đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) là một trong những vụ khiếu kiện đông người, nổi cộm và nhức nhối trong suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và cả nước dù Chính phủ, các cơ quan Trung ương và TPHCM đã hết sức quan tâm, nhiều lần tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng bức xúc của người dân vẫn chưa giảm.

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ chìa khóa giải quyết khiếu nại tức tấm bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 ban hành kèm theo quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1996 đã không cánh mà bay. Ai cũng hiểu khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án lớn, quy mô trên 500 ha nên tại thời điểm ấy, thẩm quyền thu hồi đất thuộc Thủ tướng Chính phủ. Bản đồ kèm theo quyết định của Thủ tướng thể hiện rõ quy mô, phạm vi dự án, diện tích đất nào bị giải tỏa cũng như không bị giải tỏa…

Bản đồ này cũng là cơ sở để địa phương xây dựng các bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000; 1/500. Nếu chính quyền địa phương công khai tài liệu quan trọng này ngay từ đầu trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải tỏa thì người dân sẽ tâm phục, khẩu phục; đằng này địa phương lại căn cứ vào các bản đồ quy hoạch “con” … để thu hồi nhà đất, đương nhiên nhiều người dân sẽ không đồng tình, nhất là niềm tin vào sự trung thực và công tâm của cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện dự án đã bị giảm sút, lung lay bởi hàng loạt chuyện “lùm xùm” liên quan đến bồi thường, tái định cư… Và thực tế đã cho thấy sự ngờ vực của người dân không phải không có lý. Hàng chục cơ quan đơn vị từ trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện dự án, đến lúc cần trích lục bản đồ gốc để giải quyết thắc mắc của người dân thì tất cả đều làm thất lạc. Chuyện thật cứ như đùa.

Cứ cho việc thất lạc bản đồ gốc là đúng sự thật, vấn đề quan trọng bây giờ là giải quyết khiếu nại như thế nào cho thấu tình, đạt lý, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Lãnh đạo TPHCM đã thể hiện sự cầu thị và quyết tâm trong việc giải quyết hậu quả nhưng dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của dư luận và người dân bởi quả bóng trách nhiệm lại được đùn đẩy lên trên.

Không lẽ, một tài liệu mang tính pháp lý quan trọng như vậy, do nhiều sở ban ngành quản lý, mà lại nói đơn giản là mất được sao? Quy định, quy trình lưu trữ hồ sơ tài liệu của các đơn vị này thế nào? Quan trọng như bản đồ quy hoạch còn bị mất, công luận có quyền đặt câu hỏi: Vậy các tài liệu khác, nhất là thứ liên quan đến người dân thì sao? Những ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.