Trách nhiệm nêu gương

TP - Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ 'cộng sản' mà ta được họ yêu mến. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, Người viết.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử ngót một thế kỷ qua, từ khi Đảng ra đời đến nay, những chiến công vẻ vang, những thành tựu vĩ đại của đất nước đều ghi đậm vai trò tiên phong, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Rõ ràng, để giữ vững được vai trò lãnh đạo ấy, để quần chúng nhân dân tâm phục, khẩu phục noi theo, Đảng không chỉ có chủ trương, đường lối đúng đắn mà còn có cả sự nêu gương, phát huy tính đi đầu gương mẫu của lớp lớp cán bộ, đảng viên. 

Tuy nhiên, thời gian qua không phải cán bộ, đảng viên nào cũng xứng đáng là tấm gương sáng cho người dân noi theo, không ít người trở thành những tấm gương xấu gây bất bình trong dư luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định : “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. 

Chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ này, Đảng đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung  ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 cán bộ là Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Chức vụ càng cao càng có tầm ảnh hưởng rộng lớn, một tấm gương tốt sẽ có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ, ngược lại một tấm gương  xấu sẽ gây tác hại khôn lường.

Chính vì vậy, việc ban hành một quy định mới về trách nhiệm nêu gương, không nói chung chung mà nêu rõ từng vị trí lãnh đạo cấp cao trong Đảng như ủy viên Bộ Chính trị (BCT), Ban Bí thư (BBT), Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) là điều hết sức cần thiết, được người dân nhiệt liệt hoan nghênh.

Đúng như phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư tại Hội nghị TƯ 8, những nội dung của Dự thảo Quy định về nêu gương khá “cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát”. Ví như các ủy viên BCT, BBT, BCHTƯ không được đầu tư tài chính, không được mua bất động sản ở nước ngoài. Kiên quyết chống sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật…; Kiên quyết chống việc sử dụng tiền, tài sản của DN, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... 

Đặc biệt, lần này có một quy định nêu rõ khi nào nên từ chức, một nét văn hóa chốn quan trường còn hiếm hoi ở ta. Theo đó, “từng ủy viên BCT, BBT, BCHTƯ chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật”.

Với những quy định về nêu gương rất cụ thể lần này đối với từng ủy viên BCT, BBT, BCHTƯ, tin rằng ý Đảng đã gặp lòng dân. Người dân và toàn xã hội từ nay có thêm cơ sở để đánh giá những “công bộc của dân”, cả trong công việc lẫn sinh hoạt đời thường. Ngược lại, các cán bộ, đảng viên cũng vì thế mà thêm nỗ lực nêu gương, biết giữ mình và cả gia đình trước mọi cám dỗ để xứng đáng với trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Hy vọng, ngày càng có thêm nhiều tấm gương thực chất và sống động trong cán bộ, đảng viên các cấp để người dân noi theo.

MỚI - NÓNG