Trầm cảm sau sinh cũng đầu hàng

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
TPO - Trên đời này, không ai yêu con bằng mẹ. Vậy nên xảy ra chuyện mẹ giết con, đương nhiên tất cả các báo đều đưa. Trước vụ việc chấn động mới đây ở Thạch Thất, Hà Nội thì hồi tháng 2 ở Quốc Oai, Hà Nội cũng có người mẹ giết con 5 tháng rồi nhảy xuống giếng tự vẫn nhưng không chết.

Báo tả Tr. 19 tuổi thả con vào chậu nước xong lên gác tiếp tục ngủ như không có gì xảy ra. Câu chuyện càng thêm rùng rợn khi Tr viết dòng chữ in hoa bằng than củi lên bậc thang: “Tao sẽ giết cháu mày L.”. Người mẹ còn khai “cảm giác như có ai nhập vào người khiến mất kiểm soát và thực hiện hành vi giết con”. Nếu không chứng minh được mình bị “nhập”, Tr. sẽ đối diện án chung thân.

Đáng chú ý là ngay trong những bài báo đầu tiên, cụm từ “trầm cảm sau sinh” đã được nhắc tới như lý giải ban đầu cho tội ác của người mẹ trẻ. Nhân dịp này, các vụ mẹ giết con kinh hoàng trong nước và thế giới cũng trở lại mặt báo. Được đà, Facebook tràn ngập tự sự của các mẹ về trải nghiệm trầm cảm sau sinh. Mẹ nổi tiếng thì lên báo đài kể chuyện mình cũng từng suýt hại con nhỏ vì trầm cảm.Vậy mà có nhà thơ khẳng định mẹ “mãi mãi không bao giờ phản bội” con. Đúng là thơ mãi mãi không bao giờ chính xác(!)

Tháng 6/2001, cả nước Mỹ chấn động trước hành động dìm chết 5 con đẻ của Andrea Pia Kennedy. Lý do bà mẹ cuồng tín này đưa ra là để tránh cho chúng khỏi bị quỷ Satan đầy đọa. Andrea trầm cảm từ bé, bệnh tái phát và nặng thêm sau khi sinh con thứ tư. Bác sĩ cảnh báo hai vợ chồng không sinh con nữa. Nhưng 7 tuần sau khi xuất viện, Andrea lại thụ thai đứa thứ năm. Tất nhiên trong quá trình mang thai, người mẹ ngừng uống thuốc thần kinh. Ba tháng sau, ông ngoại bọn trẻ qua đời làm bệnh mẹ chúng thêm nặng. Bác sĩ yêu cầu chồng Andrea giám sát chặt chẽ mọi hành động của vợ, không được để cô một mình với các con. Rồi một ngày anh chồng đi làm, không quên nhờ mẹ đẻ sang nhà. Nhưng trong khi mẹ chồng đang trên đường đến, Andrea đã kịp ra tay. Giết hết con xong, Andrea gọi điện cho chồng đầu tiên, sau đó là cảnh sát. Hình phạt cuối cùng dành cho Andrea là chung thân… điều trị trong bệnh viện.

Tất nhiên Andrea đã ở mức tâm thần nhưng đây là ca điển hình cho việc chồng quan tâm đến vợ con bao nhiêu cũng chả đủ. Chả mẹ nào tự mình đẻ ra con, trừ thụ tinh ống nghiệm. Cho nên có xảy ra chuyện gì, các bố liên đới đầu tiên. Nhiều khi sự không làm gì (bỏ mặc) cũng gián tiếp gây ra hậu quả xấu.

Ở Việt Nam, kỳ nghỉ đẻ rất dễ thành thời gian làm việc toàn phần của mẹ. Con sinh ra, bố càng thêm áp lực kiếm tiền nên đêm về phải để bố ngủ. Bố cũng đi cả ngày nên là mẹ có tâm tư gì, tốt nhất tự giải tỏa. Còn vấn đề gì nữa thì nhờ ông bà.Tóm lại là may nhờ rủi chịu. Nếu sự sụt giảm hormon đột ngột sau sinh gây nên những cơn buồn nản không lý do, thì chính sự thiếu quan tâm của người thân sẽ tạo điều kiện cho người mẹ trầm cảm biến những cơn hoang tưởng thành hiện thực. Khảo sát cuối 2002 do bệnh viện Từ Dũ thực hiện trên 321 sản phụ đến tái khám sau khi sinh con một tháng, có 5,3% bị trầm cảm. Trong đó lại có 41% quẫn chí đến mức có ý định hoặc hành vi tự tử.

Một người trưởng thành chỉ cần mất ngủ 2-3 đêm liên tiếp là biết nhau ngay. Huống hồ phụ nữ vừa đẻ xong khác nào mới thoát chết, vết thương tâm/sinh lý còn chưa lành đã phải ngày đêm túc trực bên một sinh linh chỉ biết khóc. Lại còn thêm những áp lực thậm chí lạm dụng từ bên ngoài nữa thì điều gì sẽ xảy ra?! Trong vụ ở Thạch Thất, theo báo đưa, Tr. khai nhận đã viết dòng chữ nhắc đến tên bố chồng ngay sau khi phạm tội. Tức là đứa bé khi đó không còn là con của cô nữa mà chỉ là cháu của ông L. Nỗi thù hận ghê gớm nào trong khoảnh khắc có thể đánh gục cả tình mẫu tử? Theo một số nguồn tin chưa xác minh thì con dâu cả của ông L. cũng bỏ nhà chồng mà đi. Ngôi nhà ấy có vẻ không hợp với các cô con dâu cho lắm?! Theo các bác sĩ thì cứ 1000 mẹ, sẽ có 1 bị loạn thần sau sinh. Tất nhiên không phải cứ loạn thần là giết con.  

Mươi năm trước, truyện ngắn Mẹ điên của Vương Hằng Tích (Trang Hạ dịch) đăng Tiền Phong được bạn đọc đón nhận. Nguyên mẫu mẹ điên chính là mợ của Vương Hằng Tích. Nhà quá nghèo không thể cưới vợ cho con trai có phần thiểu năng, nên bà ngoại của nhà văn nghĩ đến việc biến một “con điên” lang thang lại còn bị câm thành con dâu, để hợp tác sản xuất cho bà đứa cháu. Chẳng may đêm ngủ, mẹ điên đè chết con nên bị đuổi đi. Rồi một số gia đình trong làng cũng áp dụng cách tương tự. Đạt kết quả xong họ đuổi mẹ điên đi. Mỗi lần như thế, mẹ lại quỳ khóc trước cổng nhà con mình hồi lâu. Mấy năm sau mẹ quay lại muốn gặp các con, vẫn không nhà nào cho gặp. Mẹ đi hái đào núi ăn, ngã xuống vực chết. “Hổ dữ không ăn thịt con”. Mẹ điên cũng còn nhận ra con. Xét cho cùng, mọi hành động “vô tình” bất kể của người điên hay người tỉnh, trong hoàn cảnh nào đó đều có thể dẫn đến chết người.

Trước vài sự việc kinh khủng ngoài sức tưởng tượng cá biệt kể trên, tình mẫu tử không hề lung lay mà trái lại. Hàng tỉ bà mẹ bỗng trở thành anh hùng giữa đời thường vì chứng trầm cảm sau sinh nguy hiểm khôn lường thế vẫn không làm gì nổi họ. Hàng tỉ đứa con bỗng thấy thật may mắn vì có những bà mẹ như vậy. Thực tế là bố cũng có thể bị trầm cảm sau sinh, dù là do nguyên nhân tâm lý chứ không phải sinh lý như mẹ. Tóm lại, các ông bố bà mẹ nuôi được con khôn lớn nên người đều anh hùng cả.

MỚI - NÓNG