Truyền thống & công nghệ

TP - Đó là tên gọi của hai loại taxi đang có “cuộc chiến” nảy lửa suốt 3 năm qua, kể từ khi Grab và Uber được hoạt động theo một đề án thí điểm “hợp đồng điện tử” tại Việt Nam của Bộ GTVT. 

Hiện tượng trên là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Cụ thể hơn, Grab, Uber hay taxi công nghệ chính là một trong những loại hình kinh tế chia sẻ đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Thế nên, cho dù mới chỉ là “thí điểm” song tốc độ phát triển của Grab đã tràn ngập các thành phố lớn của chúng ta, giờ đây không chỉ có taxi công nghệ mà xe ôm công nghệ cũng nhan nhản khắp nơi. Theo công bố của Hiệp hội taxi TPHCM, sau 3 năm “thí điểm” đã có hơn 3.000 taxi truyền thống bị “khai tử” do không thể cạnh tranh nổi với taxi công nghệ.

Thực tế, trong hàng ngàn chiếc taxi truyền thống bị “khai tử”, một tỷ lệ không ít lại “khai sinh” dưới dạng taxi công nghệ. Gần đây, lần nào qua Singapore tôi cũng đi taxi Grab, thậm chí Grab Share (đi chung xe) bởi sự tiện lợi về nhiều mặt của nó. Tranh thủ hỏi chuyện những người lái xe taxi Grab nơi đây, thấy đa số họ đều có xuất thân từ tài xế taxi truyền thống. Có cảm giác, người dân và chính phủ quốc đảo này thích nghi rất nhanh với 4.0, họ thực sự đã trở thành những vị khách đầu tiên ngồi trên chuyến tàu cách mạng công nghiệp của thời đại, chứ không còn ở trạng thái dùng dằng lên hay ở hoặc đứng chờ thụ động dưới sân ga xép như nhiều quốc gia khác.

Suy cho cùng, vòng luân hồi “tử - sinh” của các loại máy móc, công nghệ, doanh nghiệp… chính là quy luật tất yếu của mọi cuộc cách mạng công nghiệp xưa nay, từ cuộc cách mạng 1.0 (đầu máy hơi nước) vào cuối thế kỷ 18 cho tới 4.0 (internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế chia sẻ…) ngày nay.

Kinh tế chia sẻ với bản chất là sự kết nối, đó chính là một trong những thuộc tính cơ bản nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, một điều tưởng chừng như “nghịch lý” đã xuất hiện : Hãng taxi lớn nhất hành tinh lại không sở hữu bất kỳ một chiếc taxi nào; Công ty điều hành chuỗi khách sạn, nhà nghỉ quy mô lớn nhất toàn cầu cũng không có trong tay bất kỳ một khách sạn hay nhà nghỉ nào; thậm chí giờ đây các công ty Fintech, dù không sở hữu bất cứ ngân hàng nào nhưng lại có số lượng khách hàng mở tài khoản giao dịch lớn nhất.

Chính vì vậy, mọi tư duy quản lý, chính sách ban hành của một bộ ngành, rộng hơn nữa của một quốc gia, buộc phải thích ứng với thời đại 4.0, nhằm đảm bảo mục tiêu tối thượng : Tạo mọi điều kiện cho các công nghệ, ngành nghề liên quan tới 4.0 phát triển mạnh mẽ !

Đó chính là quy luật biện chứng của sự phát triển, cái mới tốt hơn bao giờ cũng sẽ thay thế cái cũ lạc hậu. Mọi sự níu kéo, lấn cấn với cái cũ trong tư duy quản lý và điều hành sẽ làm trì trệ sự phát triển, thậm chí “lỡ tàu” 4.0 của nhân loại thêm một lần nữa.          

MỚI - NÓNG