Vá lỗ hổng chính sách

Nhà báo Phạm Tuyên - Phó Ban Kinh tế báo Tiền Phong
Nhà báo Phạm Tuyên - Phó Ban Kinh tế báo Tiền Phong
TP - Báo cáo tình hình nợ công của Chính phủ cho thấy, năm 2018, Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng.

Hơn 300.000 tỷ sẽ phải tính đến trong việc vay và trả nợ trong năm nay, năm nợ công sẽ đạt đỉnh với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.

Áp lực giảm thâm hụt ngân sách, kiếm đủ tiền để trang trải chi tiêu công, trả nợ công, tinh gọn bộ máy tiếp tục đè nặng khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chính thức có hiệu lực từ năm 2018 đi kèm với việc thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng giảm về 0% hoặc 5-10%. Tổng cộng 5.535 dòng thuế được cắt giảm về 0% trong năm nay theo thỏa thuận của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) và 59% biểu thuế số nhập khẩu được cắt giảm cũng trong năm 2018, với tổng cộng 5.668 dòng thuế, theo thỏa thuận của Hiệp định thương mại tự do với ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) sẽ càng khiến ngân sách chịu thêm áp lực.

Dù khẳng định thuế nhập khẩu chỉ chiếm 4,7% nguồn thu nhưng “áp lực” cũng là thông điệp được đích thân Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề cập tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tuần qua. Việc quản lý lại các nguồn thu, bịt những vấn đề, lỗ hổng về chính sách một lần nữa được đề cập.

Thực tế cho thấy, dù chúng ta có Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Nghị định Nghị định 91/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhưng thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn còn tùy tiện. Bằng chứng, nhiều dự án đang chôn vùi hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước, chưa kể nhiều dự án thua lỗ với số tiền nhiều nghìn tỷ đồng cũng chưa biết đến bao giờ mới có thể hồi sinh trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty, thay vì là những nắm đấm thép của nền kinh tế, vẫn đang là gánh nặng và chật vật nhiều năm trong thua lỗ, nợ nần.

Theo đại diện Bộ Tài chính, những ưu đãi thuế bất hợp lý đối với khu vực FDI đang dần bộc lộ sau một thời gian dài Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI thông qua những ưu đãi về thuế. Sự bất bình đẳng trong việc nộp thuế giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng dần hiện rõ. Lý do được chỉ ra mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 20% nhưng khu vực FDI thực tế chỉ phải nộp 10,2%. Năm 2017, tổng số tiền thuế mà khu vực FDI đóng góp là 37.000 tỷ đồng thì miễn giảm thuế lên đến 35.000 tỷ đồng. Sự chênh lệch về mức đóng thuế cũng như những lợi thế ưu đãi về đất đai, chính sách càng giúp các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn trong việc xuất khẩu.

Những bất cập liên quan đến ưu đãi cũng dần bộc lộ khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017 khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD.

Việc dừng thực hiện các chính sách thu hút FDI bằng ưu đãi thuế, ưu đãi đất đai đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập tại nhiều diễn đàn khác nhau. Việc Việt Nam trở thành điểm đến của nhà đầu tư FDI nhờ nhân công chất lượng cao, môi trường cạnh tranh, kinh doanh thuận lợi sẽ là những điểm cộng thay vì đánh đổi ưu đãi thông qua các chính sách gây thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.