Vẫn từ nguyên nhân cũ

TP - Mỗi dịp lễ, tết dư luận lại bàng hoàng trước số người thương vong do tai nạn giao thông, dù năm nào các ngành chức năng cũng “tăng cường” “ra quân” “cao điểm”.

Để tổng quan hơn, trước tiên lạnh lùng nêu về số người thương vong do tai nạn giao thông để khỏi phải bình nhiều. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018 (do chưa có số liệu cả năm) đã có hơn 6.000 người chết, bị thương hơn 10.300 người; còn năm 2017 con số lần lượt là hơn 8.000 người và hơn 17.000 người.

Chỉ riêng 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019, đã có 110 người ra đi mãi mãi, 61 người trở về trong thương tật (tăng so với bình quân ngày thường và dịp tết trước). Đó là dẫn công bố của cơ quan giao thông, còn dẫn theo số thống kê của riêng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận 205 ca nhập viện do tai nạn giao thông trong cùng thời gian. Con số người bị thương 1 khoa đã cao gấp hơn 3 lần con số cơ quan giao thông công bố. Nếu bạn đọc để ý, từ vài năm trước sự “vênh” về số liệu thống kê người bị tai nạn giao thông giữa ngành giao thông và ngành y tế đã tốn không ít giấy mực báo chí. Theo các chuyên gia thống kê, số liệu thống kê đưa ra không phải để lấy thành tích, đó là thước đo cho chính sách, số liệu chưa chuẩn chính sách khó lòng đạt được mục tiêu.

Một thực tế mà dư luận ghi nhận là, trước mỗi đợt nghỉ dài ngày, cơ quan chuyên trách luôn tăng cường: Tăng cường chỉ đạo, tăng cường quân số, tăng cường kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm, tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh, tăng cường tuyên truyền... Còn nguyên nhân tai nạn giao thông, các cơ quan vẫn dẫn là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, phương tiện nhiều hơn, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện... Và, các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày đã trở thành nỗi “ám ảnh” của cán bộ làm công tác an toàn giao thông. Vì đã thành quy luật đớn đau, nghỉ dài tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông lại tăng.

Ai cũng rõ, ý thức pháp luật của người dân phải tới từ sự nghiêm minh của luật pháp, cả từ quy định lẫn thực thi. Với luật pháp, đã tới lúc cần điều chỉnh hình thức xử phạt, đặc biệt với vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Khi thời gian gần đây hàng loạt vụ tài xế xe con có nồng độ cồn gây tai nạn liên hoàn trong phố. Hay câu chuyện đào tạo lái xe cũng tới lúc phải xem lại, vì mỗi xe ra đường là một phương tiện có thể giết người. Còn với lực lượng thực thi, không khó để đọc được các mẩu tin về lực lượng thực thi pháp luật giao thông có các hành vi “làm luật” để bỏ qua vi phạm của lái xe.

Chính Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể từng thốt lên: “Chúng ta sống trong thời bình nhưng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giống như những năm chiến tranh. Đây là vấn nạn khiến tôi và ngành giao thông hết sức đau lòng”. Không chỉ Bộ trưởng Thể đau lòng, cả xã hội cũng nhức nhối, và gia đình các nạn nhân xót xa hơn cả. Vậy những thán từ đau lòng, xót xa, nhức nhối có làm cho những người chết sống lại?               

MỚI - NÓNG