Vẽ rắn thêm chân

TP - Theo quy định hiện hành, các giảng viên ĐH, CĐ dù đang giảng dạy ở bất cứ trường nào cũng phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới đạt “chuẩn giảng viên”. Chính vì vậy mới có chuyện các giáo sư, phó giáo sư cũng phải “cắp cặp” đi học chứng chỉ sư phạm.

Ban đầu, khi nghe thông tin, ai cũng nghĩ chuyện của những người thích đùa, nhưng khi tìm hiểu, thì mới thấy, quy định này đã có từ lâu. Và cho đến bây giờ, người ta mới lăn tăn, băn khoăn và mới thấy bất cập. Sở dĩ giờ nó mới được quan tâm vì các trường bắt đầu “siết” quy định giảng viên để lo cho “nồi cơm” của mình.

Vì Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH… nêu rõ: Cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành sẽ không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề… Trong khi đó, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH công bố năm 2018 về tiêu chí giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định có đến hơn 43% chưa đạt yêu cầu. Phần lớn giảng viên chưa đạt chuẩn vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Thế nên, để đạt chuẩn giảng viên, các giáo sư, phó giáo sư không thể không đi học.

Nhưng sự áp dụng quy định một cách rập khuôn, máy móc, cứng nhắc đang tạo hiệu ứng ngược. Ai sẽ bồi dưỡng cho các giáo sư, phó giáo sư về nghiệp vụ sư phạm? Chẳng phải họ vốn là “bậc thầy” của sư phạm rồi sao?  Hay họ được phong giáo sư, phó giáo sư để giảng dạy trong các trường nhưng vẫn chưa đạt đến “cảnh giới” nghiệp vụ sự phạm? Còn nhớ, cách đây độ hơn một năm, một vị giáo sư ngán ngẩm khi thấy mấy ông bạn  tóc đã bạc trắng của  mình tối tối đến trường sư phạm để học nghiệp vụ sư phạm.

Vị giáo sư thấy hài hước đến chảy nước mắt khi những ông giáo sư đào tạo ra những thạc sĩ, tiến sĩ  nổi danh lừng lẫy nhưng vẫn thiếu nghiệp vụ sư phạm! Đó còn chưa kể chuyện nọ kia sau cái chứng chỉ này. Xét về bản chất, chứng chỉ sư phạm giống như một giấy phép con, “ép” các giảng viên phải có mới được hành nghề. Trong khi trên thế giới, các nước Âu, Mỹ tiên tiến, họ không có bất kỳ khái niệm nào về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên ĐH. Và các giảng viên, các vị giáo sư, phó giáo sư đáng kính của chúng ta chắc cũng khó có thể “giỏi hơn” sau khi cầm trên tay chứng chỉ này.

Chất lượng đội ngũ ĐH, CĐ không phải nằm ở tấm bằng hay tờ giấy chứng chỉ. Thước đo trình độ của một giảng viên nằm ở sản phẩm họ đào tạo ra. Trong khi đó, nói về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng họ là giảng viên, giảng dạy ĐH nên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Theo vị này, điều này được quy định trong Luật mà Luật được Quốc hội phê duyệt nên không sai.

Đúng là không sai. Nhưng những quy định “hành là chính” hiện nay cũng cần phải được rà soát và điều chỉnh. Luật là để tạo hành lang cho các hoạt động xã hội đi đúng đường “ray”, nhưng không phải bất biến. Những người làm quản lý giáo dục nếu chỉ nhìn thấy Luật là luật thì chắc chắn, những chuyện giấy phép con, rồi chuyện vẽ rắn thêm chân sẽ còn xảy ra.

MỚI - NÓNG