Vì dân

TP - Dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều chuyên gia lên tiếng về nguy cơ phát tán độc tố có thể xảy ra sau vụ cháy ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhưng phải 8 ngày sau, chính quyền Hà Nội mới tổ chức họp với các cơ quan liên quan để bàn về giải pháp khắc phục và xử lý các nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Trái ngược với sự “bình tâm”, có phần thiếu trách nhiệm này là sự hoang mang, lo lắng của người dân sống gần khu vực của vụ cháy. Kể từ sau vụ cháy xảy ra, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, quay cuồng trong việc tìm cách “tự cứu mình”, tự phòng ngừa tác hại ô nhiễm. Có người sợ ảnh hưởng sức khỏe đã chấp nhận cảnh “đóng cửa, cài then” bỏ nhà dạt đi ở nhờ, hoặc thuê trọ. Thậm chí có người tìm đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm, vì cảm thấy chóng mặt, đau đầu…

Thế nhưng, thay vì đưa ra những kết luận, những khuyến cáo để người dân biết phòng tránh, hoặc an tâm sinh hoạt, cuộc họp ngày 5/9 của UBND thành phố Hà Nội lại thêm một lần nữa gieo cho người dân nỗi băn khoăn, khi giữa các cơ quan chức năng có sự thiếu thống nhất về mức độ ô nhiễm. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố đã phải yêu cầu trưng cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đánh giá về mức độ ô nhiễm. Ông cũng yêu cầu xác định chính xác số thủy ngân trong sản phẩm bị cháy trong vụ cháy để công bố công khai, minh bạch với người dân…

Ai cũng biết, một vụ cháy ở các cơ sở sản xuất bình thường chỉ khói bụi cũng gây ô nhiễm, huống chi là cháy một nhà máy có sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, trong đó có thủy ngân. Vậy mà, sau 8 ngày xảy ra vụ cháy, rác thải có chứa hóa chất độc hại mới được xử lý, che chắn để không phát tán ra môi trường, trong khi việc đó lẽ phải làm ngay từ những ngày đầu.

Điều càng khó hiểu, suốt thời gian dài đó không một lãnh đạo nào của thành phố xuống hiện trường tìm hiểu, chia sẻ với những khó khăn, lo lắng của người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Tại sao khi những cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được phường Hạ Đình đưa ra mà chính quyền quận Thanh Xuân lại thu hồi và yêu cầu kiểm điểm cán bộ ra thông báo, trong khi Bộ TN&MT khẳng định đó là những khuyến cáo chính xác và cần thiết? Nếu hạn chế về năng lực, thiết bị trong việc đo đạc nồng độ thủy ngân, tại sao Hà Nội không chủ động mời ngay Bộ TN&MT và các đơn vị độc lập đến khảo sát, quan trắc? Đến khi Tổng cục Môi trường cử cán bộ xuống quan trắc, đáng ra lãnh đạo thành phố phải cảm ơn thì lại đưa ra băn khoăn "Công an thành phố đang khám nghiệm hiện trường theo quy trình tố tụng thì các cơ quan chuyên môn vào đây với tư cách gì?". Xin nhắc lại trách nhiệm chính theo quy định của pháp luật trong việc giải quyết hậu quả vụ cháy này là của Hà Nội, chứ không phải của ai khác?

Những ngày qua, cả nước đang có nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo, tư tưởng, đạo đức của Người. Một trong những bài học lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các cấp chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên là bài học vì dân, lo cho dân, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Vì thế, học Bác là phải học thực chất, gắn vào những việc cụ thể vì dân, lo cho dân, chứ không phải “miệng nói vì dân, nhưng hành động lại xa dân”..

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.