Vì lợi ích cục bộ?

Vì lợi ích cục bộ?
TP - Một trong những nội dung gây tranh luận trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội là câu chuyện về Luật Quy hoạch. Đây cũng là vấn đề gây nhiều khó khăn, bất cập, vì sau khi luật quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực (từ 1/1/2019), trong khi các quy hoạch mới chưa có, dẫn đến nhiều dự án, nhiều quy hoạch lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt - gây ách tắc, ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển.

Khẳng định thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, tranh luận lại, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) – người có nhiều ý kiến từ các kỳ họp trước về Luật Quy hoạch cho rằng, do Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch mới ban hành chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc.

Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục nêu ra những dẫn chứng, những bất cập của Luật Quy hoạch… Tuy nhiên, ngay sau đó ĐB Phùng Văn Hùng đã tranh luận lại và khẳng định Luật Quy hoạch có ý nghĩa to lớn… Cuộc tranh luận về Luật Quy hoạch chỉ chấm dứt khi Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gợi ý “tranh luận này nên gác lại và các đại biểu sẽ gặp nhau để trao đổi thêm”.

Luật Quy hoạch khi mới ban hành được đánh giá là “bước tiến lớn” nhưng khi triển khai thực tế lại nảy sinh nhiều vướng mắc. Trong cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã phải than rằng: “Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, một dự án của Bộ GTVT cũng không làm được vì không bổ sung được quy hoạch” và rất nhiều địa phương, bộ ngành trong các cuộc họp Chính phủ đã đồng loạt phản ánh, nếu không xử lý việc chuyển tiếp, tích hợp quy hoạch thì sẽ đình trệ hết.

Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, đến gần giữa tháng 4/2019, cả nước có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó là có khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch điện lực; quy hoạch cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành. Bên cạnh đó, có ít nhất 370 dự án và nhiều nhất là dự án năng lượng, công nghiệp không thể triển khai do không được bổ sung quy hoạch, chờ nghị định hướng dẫn.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến câu chuyện của Luật Quy hoạch và nhiều dự luật khác phải sửa đổi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, một phần do sự đồng thuận xuôi chiều giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đây là một khâu sơ hở trong việc cài cắm các lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật mà hiện nay cử tri đặt vấn đề việc xây dựng pháp luật của chúng ta nặng về lợi ích nhóm, lợi ích ngành. 

MỚI - NÓNG