Vị “Thần Bề ngoài”

Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong
Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong
TPO - Người Việt thờ rất nhiều loại thần nhưng vị thần họ chuộng nhất, thờ phụng nhất chính là Thần Bề ngoài- tác giả Joël Luguern người Pháp đã viết như vậy trong cuốn sách Le Vietnam.

Le Vietnam xuất bản năm 1997. Trong sách, tác giả Joël Luguern dành hẳn một chương tên là Thần Bề ngoài (Le génie du paraître) nói về đặc tính coi trọng bề ngoài hơn thực chất, của người Việt. Ông từng viết không chỉ một cuốn về Việt Nam, cuốn đầu tiên in năm 1975.

Thần Bề ngoài. Ai lại điểm huyệt nhau chí chết thế này.

Người Việt bị Thần Bề ngoài ám ảnh nhất trong chuyện gì? Chẳng hạn, trong hôn nhân.

Xem nhiều phóng sự về bạo hành gia đình trên truyền hình, không biết bao lần nghe những phụ nữ nông thôn bị chồng đánh đập lên bờ xuống ruộng, có khi tàn phế, nói giống nhau rằng dù khốn đốn họ vẫn không có ý định từ bỏ hôn nhân với hung thủ bởi “Dù thế nào con có bố vợ có chồng vẫn hơn”.

Thật đau lòng, ngày càng nhiều vụ ấu dâm mà thủ phạm là họ hàng ruột thịt thậm chí bố dượng, bố đẻ của đứa trẻ nhưng mẹ nạn nhân đã chọn im tiếng chỉ vì chữ “sĩ”. Đánh cắp cuộc đời một đứa trẻ ngây thơ thì không lo hậu họa, không sợ phải tội mà cứ lo bảo toàn những giá trị chưa bao giờ có. Vừa đáng thương vừa đáng giận. Tai tiếng, thị phi ai chẳng sợ song có nên để nỗi sợ biến mình thành đồng phạm với tội ác.

Với tầng lớp trí thức, “tinh hoa”, chữ “sĩ” e còn nồng vị hơn. Nói như Nguyễn Tuân: “Bao nhiêu người chẳng hề yêu nhau mà vẫn có con sống con chết, ở với nhau hết năm này năm khác mà không biết đến vẻ đẹp của giải tán”.

Vào nhà hàng quán xá ở Hà Nội, ta hay bắt gặp những anh chị bồi bàn, phục vụ có vẻ mặt của người “đầu thai nhầm thế kỉ” “sinh bất phùng thời”. Các vị bảo vệ, thường trực cơ quan công quyền cũng thế. "Đây chỉ làm tạm việc này còn hồi sau biết tay nhau”. Ở các nước văn minh, các tầng lớp từ sinh viên mới ra trường chưa có việc làm đúng sở trường cho đến người về hưu thu nhập ổn định vẫn tìm đến nghề phục vụ, kể cả dắt chó đi dạo, dù tạm thời hay lâu dài đều thoải mái và không ai kỳ thị họ. Ăn bám, là gánh nặng cho xã hội mới phải xấu hổ.

Giao tiếp của người Việt mới gọi là nặng tính xã giao, thật giả không biết đằng nào mà lần. “Không tưới cho hoa ni lông/Không tâm sự với người không hợp mình” (thơ Nguyễn Bảo Sinh) nhưng chúng ta có mồm chẳng nhẽ không nói, không tâm tình củ đậu, sắm vai thân thiện. Xoắn xuýt, tỏ ra chí tình, mặn nồng dù lòng có muốn đâu. “Mời nhưng lạy trời đừng đi” (“đừng ăn”).

Thần Bề ngoài được người Việt mê man thờ phụng cũng điển hình ở đám cưới đám ma. Đám cưới mâm cao cỗ đầy được thực khách hạ cố gẩy gót, để thừa mứa ê hề ra. Thành phần đông và tạp đến nỗi cô dâu chú rể chẳng nhớ tên khách dự, đổi lại khách cũng có thật quan tâm chúc phúc nhân vật chính đâu. Như ông Bá Dương tai quái viết trong Người Trung Quốc xấu xí:

 “Hôn lễ không ra hôn lễ mà biến thành một loại phường chèo. Lễ đường cũng không phải lễ đường mà trở nên một thứ miếu đền ồn ào náo nhiệt. Mọi người đến không phải để chúc mừng đám cưới mà tìm gặp bạn bè, trao đổi xã giao với những người sống cùng thành phố mà hai, ba, bốn năm chưa gặp. Phòng cưới thành ra một loại trà đình tửu điếm. Thăm hỏi tin tức, luận bàn thời cuộc, cả chửi rủa người này người nọ. Khung cảnh sục sôi đến độ chủ hôn đứng lên muốn nói vài câu cũng chẳng ai nghe được ông ta nói gì mà chính ông ta cũng không nghe được mình nói gì nữa. Người mai mối thì mồm miệng đầy chuyện hạ lưu, bắt đầu nói đùa, kể chuyện nhảm nhí về việc động phòng...”.

Nghe cứ như Bá Dương trà trộn vào đám cưới người Việt mà đặc tả, khái quát. Còn chúng ta lấy tư cách thực khách đi đám cưới thì hiểu nội tình nhưng đến dịp đại sự của bản thân và người nhà vẫn chọn làm đại tiệc trà đình tửu điếm. Nếu không, e thiên hạ dị nghị sao đám cưới lại đạm bạc lèo tèo chỉ người thân kẻ thuộc dự. Đám ma không hoành tráng gì cả. Không thờ Thần Bề ngoài là gì?

Còn Thần Bề ngoài thời buổi mạng xã hội lên ngôi thì sao?

Khi chúng ta nói về ai, chuyện gì, cuối cùng đều là nói về bản thân mình. Cho nên, cẩn thận với những gì bạn thể hiện trên trang mạng cá nhân.

Đỗ Hoàng Diệu, nhà văn (Bóng đè) sống ở Mỹ kể rằng nước Mỹ mấy năm trước, thống kê cho thấy một tỉ lệ ly hôn rất cao có thủ phạm là Facebook. Bởi trên đó người ta bộc lộ mình nhiều hơn họ tưởng.

Trên FB bạn thể hiện sự thú vị của mình, sự giỏi giang, đảm đang vén khéo, sinh hạ con đẹp con khôn, chịu khó làm từ thiện, đầy người ái mộ, tình mẫu tử phụ tử thiêng liêng..v..v..Nhưng hãy cẩn thận, bởi ranh giới giữa hay ho và lố bịch có khi chỉ như sợi chỉ mỏng manh. Giả dụ ai cũng tôn sùng vị Thần Bề ngoài như bạn thì không nói làm gì còn nếu không hẳn thế, thì có cơ mất nhiều hơn được.

Nhân đây cũng nói, tôi hơi sợ một số nghệ sĩ và doanh nhân gọi là được nhiều người biết đến, tình ái ngoài luồng rất ghê nhưng lại hay lên Facebook và báo chí khoe ảnh gia đình hạnh phúc, hôn nhân mỹ mãn để đám đông thấy mà thèm. Ủn cả bầu đoàn thê tử lên sân khấu và chỗ công cộng để trình ra hình ảnh hoàn hảo nhưng thực chất cũng chỉ là thần dân, tín đồ của vị “Thần Bề ngoài” mà thôi.

Mỗi người một số phận một cuộc đời một lựa chọn. Bạn có thể chọn cả đời  làm con thỏ vừa đi vừa nghiêng tai lắng nghe người khác nghĩ gì về mình. Không sao, khi mà bạn không đủ can đảm. Chỉ có điều cả xã hội không coi trọng thực chất và bề sâu, ám ảnh với hình dong ngoại diện, bề nổi theo cả nghĩa hẹp nghĩa rộng dẫn đến bệnh thành tích trong trường học, háo danh trong khoa học, nghiện học hàm học vị suông- “tốt danh hơn lành áo”, bệnh mê làm quan mà coi thường nghệ tinh... sẽ dẫn đất nước đi đến đâu. Nó khiến cho văn học nghệ thuật cũng nhợt nhạt giả tạo, không thể bứt lên sánh tầm thế giới. Hãy xem đa số tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu... của chúng ta thì biết.

LTS: Từ giữa tháng 3/2017, báo Tiền Phong điện tử mở chuyên mục “TÔI NGHĨ...” – một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.

MỚI - NÓNG