Việt Nam - Ngôi sao đang lên

Việt Nam - Ngôi sao đang lên
TP - Cách đây vài bữa (7/9), trong khuôn khổ tập trung vào các hoạt động ASEAN diễn ra hội nghị trực tuyến toàn cầu với tên gọi nghe khá lạ: “Việt Nam - Ngôi sao đang lên”. 

Hội nghị thu hút tới 500 doanh nghiệp lớn đến từ Châu Âu, Châu Á, Hoa Kỳ. Tại đây, câu chuyện Việt Nam, với “sức mạnh kỳ lạ” vượt qua làn sóng COVID - 19 thứ hai đã được các doanh nghiệp đa quốc gia hết sức lưu tâm. Để rồi khi kết thúc hội nghị, từ đầu cầu các quốc gia,  giới chuyên gia đến từ tổ chức kinh tế, tài chính lớn đều thừa nhận: sức hấp dẫn của Việt Nam đã và đang đến.

Tháng 8 vừa kết thúc, tháng 9 mở ra, chúng ta ồ ạt đón các tin vui kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.  Việc nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu lớn. Hơn một tháng gia nhập Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu nông sản đón tín hiệu sáng với việc “cởi trói” một số  điều khoản khắt khe trước đây, mở ra lộ trình phi cao tốc cho các  mặt hàng chủ lực giúp ngành nông nghiệp tự tin tiến dần về mốc 41 tỷ USD năm 2020 như dự kiến.

Cùng thời điểm, thị trường chứng khoán trở lại tăng điểm tới quá nửa số phiên trong tháng 8 sau 2 tháng điều chỉnh giảm sâu  trước đó. Ngoài câu chuyện đầu tư công và tác động tích cực từ EVFTA, diễn biến tích cực của thị trường còn nhờ chuyển biến thuận lợi chủ yếu của nhân tố: Các biện pháp của Chính phủ trong quá trình kiểm soát và ngăn chặn làn sóng Covid thứ 2 khởi phát ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 tiếp tục cho thấy hiệu quả (số ca nhiễm mới theo ngày giảm rõ rệt sau khi lập đỉnh vào ngày 31/7), tạo điều kiện khôi phục dần các hoạt động kinh tế.  

Tham dự và phát biểu từ hội nghị trực tuyến “Việt Nam - Ngôi sao đang lên”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ, dù trong COVID khó khăn nhưng lĩnh vực ngân hàng đã tự tin có thể chống đỡ vượt qua đại dịch với những điểm nhấn: tỷ giá ổn định; điều hành lãi suất linh hoạt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cùng nền kinh tế. Theo Thống đốc, tác động dịch chuyển dòng vốn với nguồn lực xuyên biên giới đòi hỏi nhà đầu tư phải thay đổi. “Đây là thách thức vả cũng là cơ hội để Việt Nam giữ chân nhà đầu tư cũng là cơ  hội để chúng tôi khuyến khích thu hút nhà đầu tư”, Thống đốc nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh dòng vốn ngoại của các quốc gia suy giảm, Việt Nam vẫn khả quan với con số tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD. “Việt Nam ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa,...  Chúng tôi cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ đầu tư đất đai, mặt bằng sạch, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của  nhà đầu tư ngoại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” ông Dũng nói.

Như vậy, bất chấp “sức đè” của làn sóng COVID -19, Việt Nam đã lần thứ hai bình tĩnh đối diện với khó khăn. Người dân Việt thích nghi, doanh nghiệp Việt thích nghi và trên hết là Chính phủ, nhà điều hành kinh tế lớn nhất đất nước đã bình tĩnh thích nghi và thích ứng. Mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã “biến” chúng ta thành một điểm sáng không ngờ.

“Trong nguy có cơ” (cơ hội). Bài học người xưa dạy không bao giờ cũ. Cùng một điểm vướng, quan trọng, chúng ta phải biết nỗ lực vượt qua thử thách. Nhưng “Ngôi sao đang lên” không có nghĩa là sẽ sáng mãi nếu không có ý thức nỗ lực tự làm mới mình. Hi vọng, Việt Nam sẽ làm được!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.