Xin lỗi nhân dân

Xin lỗi nhân dân
TP - Trong phiên tòa chiều 21/5, khi được cho nói lời sau cùng, bị cáo-nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến đã “xin lỗi nhân dân”. Lời xin lỗi này nghe quen trong các phiên tòa xử các quan chức gần đây. Không biết đại đa số quần chúng nhân dân có chút mủi lòng nào trước câu nói sau chót của những bàn tay nhúng chàm này không?

Mới đây, có một lời nhận lỗi của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khi cấp dưới để xảy ra tình trạng xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh. Quan trọng nhất, ông Nhân yêu cầu xử lý những tồn tại này. Thực tế cho thấy, những vụ việc vi phạm xây dựng không xa lạ gì trước mắt người dân và đương nhiên cán bộ chính quyền cơ sở đều nắm rõ. Tuy nhiên, vi phạm này cũng giống vi phạm giao thông, nếu bị xử lý, hầu hết cho rằng mình không gặp may.

Hơn nữa, trong xã hội vẫn tồn tại những “biểu tượng” của sự vi phạm pháp luật, như công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Một tòa nhà đồ sộ nằm ngay trung tâm Thủ đô gây tốn không biết bao nhiêu giấy mực văn bản chỉ đạo từ Chính phủ tới địa phương; báo chí ghi đủ lời phẫn nộ của nhân dân, nhưng gần 5 năm tồn tại sừng sững như một lời thách thức. Chỉ khi, Thành ủy Hà Nội có bí thư mới, nhiều việc liên quan xử lý tòa nhà vi phạm này mới biến chuyển tích cực.

Quan sát các phiên tòa, thấy sự tha hóa của một bộ phận quan chức là một quá trình. Thậm chí có những người bước chân vào chốn quan trường bằng một sự tha hóa tinh vi mà tổ chức khó nhận diện. Có những người ngồi trên ngôi cao ngạo nghễ chỉ dạy giáo điều nhân dân, đến khi đứng trước vành móng ngựa mới “xin lỗi nhân dân”. Không biết lời xin lỗi đó, hàm lượng chân thành bao nhiêu. Nhưng hệ quả nhãn tiền tài sản thất thoát, lợi ích nhóm cũng đủ làm tiền thuế dân đóng ngân sách hao hụt.

Xin lỗi và xin rút kinh nghiệm nhiều khi như một sự giễu cợt. Còn nhớ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 35 (tháng 7/2019), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn...”.

Sao không “xin lỗi nhân dân” khi còn đương chức? Không phải quan chức nào cũng nhận thức được điều này. Những phát biểu gần đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Không để lọt vào Trung ương cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất. Thói thường những quan chức giàu bất minh lại nghĩ mình đứng trên nhân dân, thao túng quyền lực, ưu ái người nhà… Lời xin lỗi thường gắn với liêm sỉ nói một câu nặng tựa núi. Trách nhiệm cũng nặng như núi. Nói xong, họ cần phải sửa lỗi để vận hành bộ máy có lợi cho dân.

Đáng tiếc thay, có những lời xin lỗi muộn màng, khi người được xin lỗi đã chịu oan bằng hàng chục năm tù gia đình tan nát. Những ai có trách nhiệm nên nói lời xin lỗi một cách cẩn trọng. Tốt hơn hết, chốn quan trường phải là nơi của những bông lúa cúi đầu nặng hạt, không để cỏ dại vươn cao.

MỚI - NÓNG