Tôn vinh bóng đá tấn công!

Giây phút vinh quang của các tuyển thủ Tây Ban Nha. Ảnh: TTXVN
Giây phút vinh quang của các tuyển thủ Tây Ban Nha. Ảnh: TTXVN
TP - Sau bao lần thất bại đắng cay, người Tây Ban Nha cuối cùng cũng lên được đỉnh cao thế giới, khẳng định sức mạnh tuyệt đối của thế hệ vàng sau khi đã vinh danh tại đấu trường châu Âu hai năm trước.

>> Tây Ban Nha, đường đến cúp vàng

Giây phút vinh quang của các tuyển thủ Tây Ban Nha. Ảnh: TTXVN
Giây phút vinh quang của các tuyển thủ Tây Ban Nha. Ảnh: TTXVN.

Một nhà vua mới, Tây Ban Nha, nhà vua thứ tám được vinh danh trong thánh đường của thế giới bóng đá, trong lúc hàng triệu CĐV đổ ra đường phố thủ đô Madrid cũng như trên khắp đất nước để hòa mình vào lễ hội mừng chiến thắng cuồng nhiệt.

Một cái kết có hậu

Hòa cùng niềm hạnh phúc với những người đồng hương, cây vợt số một thế giới Rafael Nadal đã vào tận phòng thay đồ của các cầu thủ để chia vui cùng những người bạn như Casillas và đồng đội, với nhận định rằng chiến thắng vô tiền khoáng hậu này đủ để người dân Tây Ban Nha mở hội ăn mừng cả năm.

Chiến thắng tại World Cup của người Tây Ban Nha chắc chắn được lãnh đạo nước này đón đợi, ngoài chuyện danh dự quốc gia, còn mang một ý nghĩa khác: Ít nhất người dân cũng có lý do để tạm quên đi tình trạng đình đốn của nền kinh tế nước nhà, những khoản nợ nước ngoài đang ở mức nhất nhì châu Âu.

Dĩ nhiên, niềm hạnh phúc của người Tây Ban Nha cũng đồng nghĩa với nỗi thất vọng vô bờ của những người Hà Lan, giờ đây được gắn thêm biệt danh mới “Những người thất bại vĩ đại” với ba lần vấp ngã trước cửa thiên đường.

Casillas quá xứng đáng để lên ngôi
Casillas quá xứng đáng để lên ngôi.

Là hai đội bóng xứng đáng có mặt ở trận chung kết, nhưng cuộc đối đầu giữa Tây Ban Nha và Hà Lan lại bị xé nát bởi quá nhiều pha phạm lỗi, đặc biệt là từ phía đội bóng “phản nghệ thuật” của HLV Van Marwijk, buộc trọng tài Howard Webb phải rút tới 13 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ “tặng” cầu thủ hai đội. Lẽ ra số thẻ đỏ phải được nhân đôi nếu trọng tài Webb không quá nương tay với cú tung chân như võ sỹ kung-fu của De Jong vào giữa ngực Alonso.

Trận chung kết chỉ tránh được “màn đấu súng” nhờ phút lóe sáng của Iniesta với cú sút chéo góc ghi bàn duy nhất mang lại chiến thắng cho “những chú bò tót” 4 phút trước khi hiệp phụ thứ hai kết thúc.

Về phía đội thua cuộc, thay vì chỉ trích trọng tài trong pha bóng dẫn tới bàn thua (Iniesta hoàn toàn không việt vị khi ghi bàn thắng), người Hà Lan nên tự trách mình khi Robben phung phí hai cơ hội đối mặt với thủ môn Iker Casillas.

Dấu ấn của Lục địa đen

World Cup lần đầu tiên tổ chức tại châu Phi đã mang lại thành công về nhiều mặt, một lễ hội thực sự không chỉ với người dân Nam Phi mà với cả lục địa. Có rất nhiều điều được ghi nhớ ở kỳ World Cup này.

Ở bên ngoài đường biên, tiếng kèn vuvuzela thực sự mang lại cảm nhận không thể quên với các du khách. Và chiếc kèn này đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ mang tầm toàn cầu chỉ trong vòng một tháng, mặc dù không ít người phải sắm thêm những chiếc nút lỗ tai trong nỗ lực ngăn chặn âm thanh kinh khủng của nó.

Vụ nổi loạn của các cầu thủ Pháp nhân sự kiện tiền đạo Nicolas Anelka bị đuổi về nước là một nốt trầm trong bản nhạc tươi vui của World Cup. Cùng với đó, hành động từ chối bắt tay đồng nghiệp của ông thày Domenech sau trận đấu cuối cùng của tuyển Pháp đã khép lại một trong những sự kiện đáng tủi hổ nhất trong lịch sử World Cup.

Khác với những cầu thủ triệu phú Pháp, dàn cầu thủ trẻ trung của Đức trở thành nốt son chói sáng, với những bữa tiệc bóng đá thực sự cống hiến cho giới mộ điệu khi đè bẹp Australia, Anh, Argentina cùng với bốn bàn thắng mỗi trận. Một dàn cầu thủ trẻ trung giàu khát vọng hứa hẹn sẽ là những ông vua tương lai.

Nam Phi cũng là nơi chứng kiến sự quật khởi của những đội chiếu dưới, khi hàng loạt bé hạt tiêu quật ngã ông khổng lồ. Đáng kể nhất là cú knock-out 3-2 mà Slovakia dành tặng nhà vô địch Italia và đoàn quân Bafana Bafana đánh bại Á quân Pháp. Dù lên đường về nước sớm, New Zealand lại là đội bóng duy nhất không hề nếm mùi thất bại ở World Cup này.

Niềm vui của các cổ động viên rực lửa xứ Iberia
Niềm vui của các cổ động viên rực lửa xứ Iberia .

Trái bóng Zabulani cũng đáng được “điểm danh” khi gây nên những vụ “vồ ếch” thú vị, với nạn nhân thê thảm nhất là chàng thủ môn Robert Green của tuyển Anh. Trái bóng này cũng bị gán cho cái “tội” làm tịt ngòi các khẩu đại pháo như Messi, Rooney, Torres.

Được FIFA đánh giá là kỳ World Cup thành công của công tác trọng tài, song những ông vua áo đen khiến cả thế giới phát sốt với tình huống không công nhận bàn thắng mười mươi của Frank Lampard, nhưng lại cho Tevez ghi bàn trong thế việt vị với hình ảnh quay chậm được phát lại ngay trên sân.

Vụ nổi loạn của các cầu thủ Pháp nhân sự kiện tiền đạo Nicolas Anelka bị đuổi về nước là một nốt trầm trong bản nhạc tươi vui của World Cup. Cùng với đó, hành động từ chối bắt tay đồng nghiệp của ông thày Domenech sau trận đấu cuối cùng của tuyển Pháp đã khép lại một trong những sự kiện đáng tủi hổ nhất trong lịch sử World Cup.

Dĩ nhiên, những vụ ầm ĩ đó chẳng là gì so với bàn tay của Luis Suarez. Bàn tay chặn quả bóng bay vào lưới ở những giây cuối cùng hiệp phụ trận tứ kết Uruguay-Ghana đã xóa tan giấc mơ lần đầu tiên góp mặt ở bán kết của bóng đá châu Phi.

Và cũng không thể quên ngôi sao sáng nhất World Cup, “thầy” Paul, nhà tiên tri bạch tuộc vĩ đại, với tỷ lệ dự đoán chính xác 100% các trận đấu có sự góp mặt của đội nhà Đức, cùng trận chung kết căng thẳng giữa Tây Ban Nha – Hà Lan. Là ngôi sao sáng, nhưng đáng buồn là Paul lại không cứu được đồng loại khỏi miệng của những CĐV muốn “trả thù” cho đội nhà bị thua trận bởi dự đoán tài tình của chú (?!).

Ngay cả ông vua mới Tây Ban Nha cũng chỉ hứa hẹn không đưa “thầy” Paul vào chảo, còn họ hàng của “thầy” thì đừng hòng thoát.

MỚI - NÓNG