Bộ trưởng Giáo dục trả lời nhiều câu hỏi 'nóng'

Bộ trưởng Giáo dục trả lời nhiều câu hỏi 'nóng'
TPO- Sáng nay, 7-3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đối thoại trực tuyến với nhân dân, trả lời nhiều câu hỏi tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận trong buổi đối thoại trực tuyến sáng nay, 7-3. Ảnh; Chinhphu.vn
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận trong buổi đối thoại trực tuyến sáng nay, 7-3. Ảnh; Chinhphu.vn.

Trong số hàng trăm câu hỏi gửi tới qua Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tập trung trả lời những câu hỏi liên quan đến chủ đề: Đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, phụ cấp thâm niên đối với đội ngũ nhà giáo và các vấn đề khác liên quan đến GD&ĐT.

Làm “nóng” diễn đàn, Ông Trần Thái Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đặt vấn đề: “Hiện nay, số trường đại học thành lập nhiều, trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Việc “thả nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên môn có phải là một biện pháp thỏa đáng không? Ông có biện pháp nào để tái cơ cấu mạng lưới các trường đại học trên toàn quốc”?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, câu hỏi này liên quan đến nhiều mảng vấn đề khác nhau.

Trước hết nói về việc lập trường và tự chủ. Khác với phổ thông, các trường giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau, nên có tự chủ cao hơn.

Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Hiện, với trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định, các trường này sẽ hướng dẫn…

Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này, Bộ vẫn quyết định. Các trường lớn tự xem xét, chúng tôi sẽ thẩm định.

Còn về kiểm định, đây là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt. Chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu trường tự đánh giá, tự chịu tách nhiệm.

Độc giả hung nguyen (dhungvvk@...com.vn): Hàng ngàn giáo viên đang mong đợi tiền phụ cấp thâm niên, nhưng đã qua ngày quyết định có hiệu lực, ngay tại thủ đô Hà Nội, giáo viên vẫn chưa được nhận đúng hẹn và cũng chưa biết cụ thể thời gian nào được nhận. Bộ trưởng có giải quyết được việc này không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thông tư về phụ cấp thâm niên đã được bốn Bộ ban hành, có hiệu lực từ ngày 20-2, các bạn sẽ được truy lĩnh từ 1-5-2011.

Chúng tôi muốn ban hành sớm nhất, nhưng do có tới bốn Bộ tham gia ban hành, nội dung lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên mặc dù các Bộ, ngành làm rất nghiêm túc, rất quyết tâm, nhưng có thể một phần do năng lực, phần lớn do cơ chế, nên triển khai chưa được nhanh, rất mong bạn thông cảm.

Thanh Tùng (47, Quán Thánh, Quận Ba Đình – Hà Nội) nêu: “Các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và sư phạm đang kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với các ngành tài chính và ngân hàng. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này - dự kiến sẽ thậm chí trầm trọng hơn trong một vài năm tới? Cho đến nay, Bộ GD&ĐT có con số cụ thể nào về tình trạng mất cân đối này không”?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, đây là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo, cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm, với giáo viên, chúng tôi có phụ cấp thâm niên đối với giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, có phụ cấp đứng lớp, đối với tiểu học 25%, trung học 30%, đại học cao đẳng 25%, giáo viên Mác-Lê nin là 45%...

Đối với giáo viên hoạt động ở vùng sâu, xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, có phụ cấp thu hút cao nhất lên tới 70%. Các giáo viên giảng dạy trường chuyên biệt cũng có phụ cấp để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục

Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Trong chính sách tới đây, như tôi nói, là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, sẽ tiếp tục ban hành theo thẩm quyền của Bộ các chính sách ưu tiên. Chúng tôi sẽ chủ động đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về chính sách, tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này.

Tuấn Đỗ Văn (dovantuan0808@...com) và một số sinh viên khác hỏi: Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về cơ chế tuyển thẳng ĐH cuả những học sinh giỏi quốc gia? có phải trường ĐH nào cũng tuyển thẳng học sinh đạt giải 3 trở lên không? Năm nay, cháu tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và được giải ba môn Hóa, cháu có được tuyển thẳng vào đại học Y Hà Nội và đại học Ngoại Thương không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Với quyết định hiện nay của Bộ, học sinh đạt từ giải 3 trở lên đối với các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, được tuyển thẳng đối với các ngành học liên quan đến môn học đã đỗ.

Đối với môn hóa, cháu có thể vào những ngành: sư phạm hóa, các ngành hóa học, khoa học môi trường, kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm hoặc dược.

Bộ GD&ĐT đã khôi phục lại việc tuyển thẳng đại học đối với các cháu đạt từ giải 3 trở lên ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các cháu được học những ngành liên quan trực tiếp hoặc gần với môn cháu đạt giải.

Thứ 2, chúng tôi ưu tiên để các cháu vào học những ngành mà nền khoa học công nghệ, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước rất cần nhân lực chất lượng cao.

Ví dụ, như hiện nay, chúng ta triển khai dự án điện hạt nhân, nghiên cứu về biển, nghiên cứu và làm chủ tình hình khí hậu thủy văn để chủ động trong phòng, tránh, chống…

Bác Kiều Đức Thành (Long Biên, Hà Nội) hỏi: Từ mấy năm trước đã có chủ trương di dời một số trường đại học ra khỏi nội thành, để giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô nhưng chưa được thực hiện hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Do liên quan trực tiếp tới các nhà trường, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã thành lập tổ công tác làm việc nhiều lần với các nhà trường, với thành phố.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã có tiêu chí các trường phải di dời. Chúng tôi sẽ hoàn thiện văn bản này và báo cáo tại cuộc họp liên tịch sắp tới giữa các cơ quan, sau đó báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân.

Tuy nhiên, cũng phải nói đây là vấn đề rất khó, vì nguồn vốn di dời, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi mới là rất lớn, trong khi khu đất cũ không nên biến thành chung cư, trung tâm thương mại… mà sẽ trở thành các không gian công cộng như công viên, hồ nước…

Đây là bài toán lớn mà hai thành phố và các bộ, ngành đang phải trao đổi, giải quyết. Còn những rào cản liên quan đến tâm lý, thói quen, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đang tích cực triển khai.

Xin hỏi quan điểm của bộ trưởng về những sự việc có thể nói là khó tưởng tượng trong một môi trường sư phạm- đang diễn ra tại Đại học Hùng Vương – TPHCM? Bộ sẽ có những chủ trương gì để một mặt vẫn thực hiện xã hội hóa được giáo dục, một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo tại các mô hình liên kết này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là trường hợp cá biệt, đáng tiếc. Cuối giờ chiều qua, 6-3, Bộ đã có văn bản dừng tuyển sinh 2012 của ĐH này và các cơ quan chức năng của TPHCM đang xử lý việc này theo quy định của pháp luật.

Một độc giả ở địa chỉ vbthamkhao@....com đại diện cho một nhóm độc giả: Xin Bộ trưởng cho biết, bao giờ thì Bộ trưởng ký ban hành "Điều lệ Trường Cao đẳng" đã sửa đổi bổ sung và Bộ trưởng cho ban hành "Quy chế Tổ chức và Hoạt động của trường Cao đẳng tư thục"?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều lệ trường cao đẳng đã được ban hành tại Thông tư 14 năm 2009, năm 2011 có sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 43. Còn dự thảo điều lệ mới thì chúng tôi đang tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các vụ, cục, nhưng lộ trình phải phù hợp với việc ban hành Luật Giáo dục đại học. Quốc hội quyết định Luật như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tới quy chế này.

Quy chế của cao đẳng tư thục, Bộ đã soạn thảo xong, đang lấy ý kiến nhân dân trên các phương tiện thông tin truyền thông, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện tiếp và dự kiến sẽ ban hành trong một, hai tháng nữa.

Ngoclanlfc1611@...com: Cháu năm nay 26 tuổi, đã tốt nghiệp đại học được gần 3 năm và hiện đang đi làm cho một cơ quan nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học, thực sự cháu rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế (ngành học của cháu là xã hội).

Hiện nay, cháu đang học sắp xong cao học nhưng chương trình cao học quá chồng chéo. Cháu muốn hỏi bộ trưởng là trong thời gian tới Bộ đã và sẽ có những biện pháp cụ thể gì để cải thiện tình trạng trên?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đúng, vấn đề chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta còn nhiều điều phải bàn. Về khối đại học, như tôi đã nói, các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo đáp ứng các nhu cầu xã hội hết sức khác nhau. Các trường đại học có vị trí tương đối độc lập trong quyết định các ngành nghề và chương trình đào tạo.

Để khắc phục việc chồng chéo, chất lượng thấp, nội dung của chương trình đào tạo không phù hợp với nơi công tác sau tốt nghiệp. Trong những năm vừa qua cũng như 2012 và các năm tiếp theo, chúng tôi chỉ đạo các trường phải xem xét và điều chỉnh lại các chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu.

Chúng tôi đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau đại học và tiến hành thanh kiểm tra, đối với các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ điều kiện đáp ứng để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chúng tôi sẽ rút chỉ tiêu.

Năm vừa rồi, rút hơn 100 cơ sở đào tạo 100 chuyên ngành, không được đào tạo nữa, phải củng cố lại, đáp ứng đủ điều kiện thì chúng tôi mới cho tiếp tục đào tạo.

Bộ yêu cầu và cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Yêu cầu kỹ năng, trình độ nghiệp vụ đến đâu, anh phải đào tạo đến đó.

Bà Lê Thị Nga (Hà Nội): Hiện nay, nhiều trường Đại học ngoài công lập tuyển sinh với số điểm rất thấp, cùng với đó là những hạn chế về trình độ của đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Vậy công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường Đại học này được Bộ GD-ĐT tiến hành ra sao để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu với các trường còn thiếu điều kiện này điều kiện kia, quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng.

Bộ sẵn sàng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo, kể cả các trường ngoài công lập, có thể tham gia các chương trình, đề án đào tạo giáo viên trình độ cao đã và sẽ mở trong thời gian tới.

Trong những ngày này, và khi tôi đang trả lời trực tuyến tại đây, các đoàn thanh tra đang tiến hành thanh kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua, đợt này tiến hành với 80 trường. Tinh thần và cách làm cũng sẽ như đợt năm 2011.

Tóm lại, chấp hành chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, chủ động quán triệt sâu sắc Nghị quyết ĐH XI, Nghị quyết Trung ương 3 và 4, lấy chất lượng làm mục tiêu, nâng cao chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu, chúng tôi đang triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường, trong đó có các trường ngoài công lập.

Trần Đức Thụ (TP Đà Nẵng): Bộ đã tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 50 của Quốc hội đối với 30 trường đại học, cao đẳng. Quan điểm của Bộ trong việc xử lý các sai phạm như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Việc xử lý theo tinh thần là trị bệnh cứu người, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện.

Với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có những biện pháp mạnh.

Trong những trường hợp cụ thể như đại học Hùng Vương, phải giải quyết theo quy chế và theo pháp luật.

Đỗ Hợp ghi

Theo Viết
MỚI - NÓNG