Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa
(TPO) Nhiều thắc mắc, băn khoăn cùng những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, thiết thực đã được các bạn học sinh trên cả nước cùng các thầy giáo trao đổi trực tiếp trên hệ thống của Tiền Phong Online.
Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 1
Phó Tổng biên tập báo Tiền phong Nguyễn Ngọc Nam & Giám đốc TT Anh ngữ Cambridge Nguyễn Thị Kim Dư trao học bổng cho các bạn học sinh tới dự buổi giao lưu trực tuyến của báo Tiền Phong.
Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 2
Tiến sỹ Ngữ văn Hà Bình Trị

Mở đầu, Tiến sĩ Ngữ văn Hà Bình Trị nói: Xin chào các anh, các chị, các em học sinh thân yêu. Đây là một cách học tập rất tốt giúp các em có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.

Các em học sinh Hà Nội cùng tham gia chương trình trực tuyến tại trụ sở báo Tiền phong đã đặt câu hỏi cho TS Hà Bình Trị.

Xin thầy cho em biết hạn chế chương trình thi tốt nghiệp môn văn THPT?

TS Hà Bình Trị: Trước hết, phải phân biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học. Đây có phải là câu hỏi về sự hạn chế thi tốt nghiệp THPT?

Khách mời của Tiền Phong Online:

Môn Địa lý: PGS, Tiến sĩ Địa lý Nguyễn Viết Thịnh - Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học năm 1971, ngành Địa lý, tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1988, chuyên ngành Địa lý kinh tế và chính trị, tại ĐHTH Sofia, Bulgaria. Thầy Nguyễn Viết Thịnh được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1996, ngành Địa lý. Được phong học hàm Giáo sư năm 2002. Công tác tại Khoa Địa lý từ năm 1976. Có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và ra đề thi.

Môn Văn: Thầy Hà Bình Trị - TS Ngữ văn, hiện công tác tại Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT với nhiệm vụ "chỉ đạo dạy và học văn ở các trường THPT".

Môn Tiếng Anh: Th.sĩ Lê Quốc Hạnh - Nguyên Trưởng khoa Tiếng Anh ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, hiện là Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, đã từng nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và ra đề thi.

Môn Lịch sử: PGS TS Ngô Đăng Tri, nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và ra đề thi.

Từ năm 2000 tới nay, hạn chế chương trình thi tốt nghiệp THPT không thay đổi. Điều đó cho thấy, Bộ GD-ĐT cố gắng ổn định về nội dung giảng dạy và thi cử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học trong khi chờ đợi chương trình mới.

Môn văn học Việt Nam chỉ hạn chế ở lớp 12, tức là chủ yếu văn học giai đoạn 1945-1975 chỉ có một số ít tác phẩm thuộc giai đoạn đầu thế kỷ 20 tới năm 1945 như Tập Nhật ký trong tù và một bài thơ của Tố Hữu.

Các em cần lưu ý, nó khác với môn văn thi đại học.

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Xin chào các bạn. Tôi là Lê Quốc Hạnh, đến từ ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Tôi có 25 năm giảng dạy tại khoa Tiếng Anh - ĐHNN Hà Nội. Tôi rất vui khi được giải đáp những thắc mắc của các bạn.

Em muốn hỏi hiện nay tiêu chí để chấm môn Sử là gì? Em thấy hiện nay các thí sinh thi môn Sử hầu như làm bài đều theo kiểu như 1 bài văn. Liệu điều đó có là cần thiết? Các thầy có nghĩ thí sinh chỉ cần nêu những chi tiết chính mà không cần viết thành một bài văn hay không? (Hà Trang, 20 tuổi, Hà Nội)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 3
PGS.TS Ngô Đăng Tri - Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

PGS.TS Ngô Đăng Tri - Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn: Các em phải trả lời đúng ý câu hỏi, có tư liệu, có lập luận chú ý viết đúng câu, đủ câu.

Tôi xin nhấn mạnh, Sử không phải là Văn. Sử rất cần đến những tư liệu và sự kiện, vì lịch sử là những sự kiện, hoạt động có thật diễn ra trong quá khứ. Các sự kiện được tổng hợp, kết nối một cách hợp lý theo như vốn có sẽ tạo nên lịch sử, sự kiện lịch sử là chất liệu là những viên gạch để nhà sử học xây dựng nên câu chuyện hay ngôi nhà lịch sử.

Không có sự kiện thì không có lịch sử nhưng khi trình bày thì cũng phải sử dụng những kiến thức văn học như: ngôn ngữ, bố cục, lập luận đúng các quy phạm chung của văn học. Một bài sử nếu có sự kiện đầy đủ, điển hình và được trình bày với một khả năng văn học tốt thì kết quả sẽ cao hơn nhiều so với chỉ có liệt kê các sự kiện, câu chữ sai ngữ pháp...

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 4
Bạn Hoàng Thị Hạnh, trường PTTH Nguyễn Gia Thiều

Bạn Hoàng Thị Hạnh (PTTH Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) hỏi: Thầy Lê Quốc Hạnh có thể tư vấn cho chúng em kinh nghiệm về phần viết lại câu trong đề thi Tiếng Anh không ạ?

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Các em nên tập trung ôn chương trình lớp 12. Các em phải đọc kỹ đề để hiểu rõ yêu cầu của đề. Phải hiểu cấu trúc loại gì? Loại từ gì?...

Trên cơ sở đó vận dụng vào những tình huống khác nhau: Khi nào dùng ở dạng danh từ, tính từ... Thậm chí cả về chính tả từ đó. Tức là phải nắm chi tiết.

Các em có thể tham khảo các loại bài thi sơ cấp của ĐH Cambridge (Anh) để nắm rõ cách viết lại câu.

Trong những năm gần đây, đề thi có liên quan đến viết lại câu thường bám rất sát chương trình. Vì vậy, em nên nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó ứng dụng một cách sáng tạo.

Chương trình tư vấn trực tuyến của chúng tôi đã nhận được sự tài trợ bằng học bổng của TT Anh ngữ Cambridge. Gần 50 học sinh từ các trường THPT Trần Phú, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Trãi (Hà Nội) có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong (Hà Nội) để tham gia buổi tư vấn đã nhận được học bổng từ TT Anh ngữ Cambridge.

So với nội dung ở cuốn sách giáo khoa Văn học 12, có một số điểm gì cần lưu ý?

TS Hà Bình Trị: Có 4 tác phẩm đã chuyển thành đọc thêm, không có trong hạn chế chương trình thi. Đó là: Bài thơ Vãn cảnh của Hồ Chí Minh, tiểu luận Thời và thơ Tú Xương của Nguyễn Tuân, truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, đoạn Huệ Chi trước lễ cưới trích trong tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng.

Ngoài ra, có 4 tác phẩm sau chỉ thi đoạn trích chứ không thi toàn bộ tác phẩm: Tâm tư trong tù của Tố Hữu, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

Những tác phẩm còn lại trong sách giáo khoa thì học ôn thi bình thường.

Về văn học nước ngoài, cần phải học 6 tác phẩm hoặc đoạn trích của: Maxim Gorki với tác phẩm Một con người ra đời, Hemingway với Ông già và biển cả, Lỗ Tấn với Thuốc, Sô-lô-khốp với Số phận con người, Ê-xê-nhin với bài thơ Thư gửi mẹ, A-ra-gông với bài thơ En-xa trước gương.

Môn Điạ lý, làm thế nào để có thể vẽ biểu đồ đúng? Còn môn Lịch sử, có cần đưa ra quá nhiều (liệt kê) các sự kiện? Em xin chân thành cảm ơn. (Hiểu Lưu, 18 tuổi, Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội, 091.2425122)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 5

PGS.TS Ngô Đăng Tri đang giải đáp thắc mắc của bạn Hiểu Lưu

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Lịch sử được tạo nên bởi các sự kiện lịch sử. Để làm một bài sử không thể thiếu các sự kiện, tư liệu lịch sử. Những sự kiện đó bao gồm sự kiện thành văn, hiện vật, hình ảnh, âm thanh, nhân chứng...

Cần phải dùng các tư liệu đó làm chất liệu để trình bày các vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, tuỳ theo nội dung yêu cầu câu hỏi và thời lượng cho phép, cần phải chắt lọc để có sự kiện vừa đủ, không cần quá chi tiết tràn lan, liệt kê các sự kiện làm loạn vấn đề, mất thời gian, kể cả vấn đề chính hay vấn đề phụ trong câu hỏi.

Quan trọng hơn là qua các sự kiện có chọn lọc đó phải biết phân tích tổng hợp dừng lại sự kiên đúng như sự thật và đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình về vấn đề đó.

Nguyễn Thanh Hà, học sinh lớp 12A4, trường PTTH Trần Phú: Chúng em phải làm bài thế nào để đạt điểm cao trong phần phát âm và đọc hiểu?

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Bài về phát âm có năm ra về trọng âm, có năm ra phân biệt nguyên âm, phụ âm. Em không nên quá lo lắng về vấn đề này vì tỷ lệ điểm của phần thi này ít.

Mục đích của người ra đề về phần này là khuyến khích các em học để nói, phát âm chuẩn chứ không phải chỉ để nhớ. Vì vậy, điểm cho phần này không nhiều nhưng không thể bỏ phần phát âm đi cả. 100% phát âm nằm trong giáo trình. Các em nên lật từ ở cuối giáo trình để tập đọc phát âm cho chuẩn. Nếu có thể, học thuộc những từ thông dụng.

Khi đọc bài khóa nên gạch chân những từ biết nghĩa, nhưng phát âm chưa tốt lắm để kiểm tra lại. Lâu dần, vốn phát âm của các em sẽ hoàn thiện thêm.

Phần đọc hiểu: Đề thi nói rõ là trả lời ngắn. Mục đích là đánh giá đúng năng lực hiểu bài của thí sinh. Vì thế, nếu trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm thì điểm sẽ cao hơn người đi chép bài dài dòng.

Thưa thầy Tri em rất muốn học tốt môn Sử, nhưng em nhớ con số rất kém. Xin thầy chỉ cho em cách để học mônóử tốt hơn. Em xin cám ơn thầy. (Nguyễn Minh Phương, 18 tuổi, 60/53, ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội)

PGS. TS Ngô Đăng Tri: Đúng như em nói, muốn làm tốt bài sử phải có trí nhớ nhất định, trong đó có những nhân vật ngày tháng, con số... Để giải quyết vấn đề này, em cần lưu ý nắm chắc kiến thức cơ bản, diễn biến chính và biết phân kỳ lịch sử chính xác, trên cơ sở đó để hình dung ngày tháng, nhân vật, số liệu cần thiết tránh được việc phải nhớ quá nhiều và nhầm lẫn.

Em xin hỏi kết cấu đề thi của môn Tíếng Anh như thế nào? (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 19/5/1987, 42/55/124Âu Cơ, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Cấu trúc đề thi sẽ như mọi năm. Em có thể xem lại mẫu đề thi trên trang web của Bộ GD&ĐT, địa chỉ: http://www.edu.net.

Văn chương đa nghĩa, trong 1 bài có nhiều nghĩa làm sao có cách hiểu hợp đáp án nhất, thưa thầy? (Huong, 18 tuổi, Hà Nam)

TS Hà Bình Trị: Theo tôi được biết, trong đáp án hàng năm của Bộ, bao giờ cũng có lưu ý người chấm bài đánh giá cao những học sinh có sự cảm thụ độc đáo, sáng tạo về tác phẩm. Điều đó là hòan toàn đúng. Vì vậy, nếu em có sự phân tích, cảm nhận sáng tạo, thì sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ có thể coi là sự sáng tạo khi bám sát văn bản, có lý lẽ và làm cho tác phẩm hay hơn.

Trong nhà trường, thường chỉ có điều kiện phân tích một cách hiểu nào đó. Dĩ nhiên, các thầy cô thường chọn cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Chúng ta không nên quan niệm đó là cách hiểu duy nhất đúng. Bản chất văn chương là sáng tạo, do đó việc phân tích, cảm thụ tác phẩm cũng cần phải sáng tạo.

Hiện nay, trong các bài học sử thường sử dụng nhiều đến các con số cụ thể như số giặc bị giết, số xe bị bắn... Khi làm bài có cần phải nêu những số cụ thể không? Nếu viết số khoảng chừng thì có bị trừ điểm không? Em thấy việc học thuộc những con số này là khá máy móc và bản thân các con số này đã mang tính tương đối rồi. (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 19/05/1987, 42/55/124 Âu Cơ, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội)

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Trong các đề thi và đáp án, thường đã lưu ý đến vấn đề này do đó em cũng không nên mất quá nhiều thời gian để nhớ mọi số liệu, sự kiện chi tiết mà mỗi sự kiện, mỗi vấn đề em cần nhớ một vài số liệu chính yếu thôi và nếu có sai sót thì thường không được điểm tối đa chứ không nghiêm trọng lắm như việc hiểu sai đề hoặc lạc đề, nhầm lẫn giai đoạn lịch sử hay có những đánh giá nhận định trái với quan niệm chung hiện nay.

Em muon thi khoi D, nhung mon Toan cua em hoc rat kem, vay co the chi phan dau 2 mon Anh va Van duoc ko? (Thu Hang, 16 tuổi, Ngo 6 Nguyen Luong Bang, Hà Nội)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 6

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Các trường thi khối D thường lấy Tiếng Anh hệ số 2 nên nếu em học tốt môn này, chắc chắn em sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng kỳ thi không chỉ có một môn mà là sự kết hợp của cả 3 môn. Vì vậy nếu học đều cả 3 môn, rõ ràng em sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12B, trường Nguyễn Trãi: Thưa thầy, phần Reading trong đề thi Tiếng Anh có giới hạn không?

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Phần Reading hoàn toàn không có giới hạn. Vì vậy các em phải bám sát chương trình đã được học ở trường.

Cách học tiếng Anh tốt nhất là gì? Em thường xuyên đọc báo và truyện bằng tiếng Anh, sau đó từ nào không biết thì tra từ điển, như vậy có phải là 1 phương pháp tốt không (Lã Thị Hương Giang, 25 tuổi, số 20 nhõ 2 phố Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Đọc sách báo bằng Tiếng Anh là một trong những phương pháp học rất tốt. Bởi với cách học đó, em đang vận dụng những kiến thức lý thuyết của môn ngoại ngữ này vào hoàn cảnh giao tiếp thực tế. Suy cho cùng, học ngoại ngữ là để vận dụng vào các tình huống giao tiếp cụ thể.

Muốn học ngoại ngữ tốt, trước hết em phải yêu thích môn ngoại ngữ này. Cùng với đó, sự chăm chỉ cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện nay môn tiếng Anh có trường học theo hệ 3 năm, có trường học theo hệ 7 năm, vậy lượng kiến thức trong đề thi theo 3 năm hoặc 7 năm? (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 42/55/124 Âu Cơ, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Từ trước đến nay, các đề thi Tiếng Anh chủ yếu tập trung vào chương trình hệ 3 năm. Tuy nhiên, em cũng nên xem giáo trình của cả hệ 7 năm để nắm được một cách toàn diện và hệ thống.

Thưa thầy, xin thầy cho biết cấu tạo một đề thi đại học môn Văn? (Thục Quyên, trường PTTH Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 7
TS Hà Bình Trị trả lời bạn (Thục Quyên, trường PTTH Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị: Từ năm 2002, Bộ GD-ĐT thực hiện ra đề chung cho các trường. Ba năm qua,đề thi môn văn có cấu tạo như sau:

Mỗi đề thi (khối C và khối D) đều bao gồm 3 câu. Mỗi câu đều ghi rõ số điểm tối đa. Học sinh hết sức lưu ý vấn đề này trong quá trình làm bài. Thực tế cho thấy, nhiều em không chú ý số điểm tối đa dành cho từng câu nên chỉ tập trung giải quyết quá kỹ một vài câu nào đó, mà không kịp làm hoặc làm không tốt những câu còn lại.

Câu thứ nhất thường yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức đơn giản. Câu này thường được 2 điểm. Ví dụ: Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời của tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc giải thích nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên,...

Câu thứ hai thường yêu cầu học sinh làm một bài nghị luận văn học về một khía cạnh, một phương diện nào đó của tác phẩm văn học, hoặc một vấn đề nào đó của một nhóm tác phẩm. Câu này thường ra vào phần văn học giai đoạn 1945 - 1975. Câu này thường được 5 điểm.

Câu thứ ba cũng tương tự như câu thứ hai, chỉ có điều câu này thường ra vào phần văn học từ đầu thế kỷ 20 tới năm 1945. Câu này thường được 3 điểm.

Theo chúng tôi được biết, trong những năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hơn nữa những đề yêu cầu học sinh không những học thuộc bài mà còn phải sáng tạo.

Thua thay Ngo Dang Tri. Nam nay em dinh thi khoi C vào truong DHSP HN nhung tri nho cua em khong duoc tot lam. Thay co the chi cho em mot so phuong phap giup nho tot hon cac su kien lich su duoc khong a? Phuong phap hoc su the nao la tot nhat? Em cam on thay (Minh Anh, 18 tuổi, 23 Nguyễn Khuyến, Hà Nội)

PGS-TS Ngô Đăng Tri: Mỗi sự kiện lịch sử cần có một số tư liệu để minh hoạ như là tên người, tên địa danh, con số, thời gian...

Chung quy cần có nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của nó. Tuỳ theo câu hỏi về nguyên nhân hay diễn biến hay kết quả mà đưa ra một số tư liệu thích hợp để nhớ được những số liệu đó, em phải đưa sự kiện đó về đúng khoảng thời gian lịch sử của nó tức là phải phân kỳ lịch sử cho sự kiện.

Nó nằm trên đoạn nào của chiều dài lịch sử đề từ đó liên tưởng, nhớ lại tên đất tên người và các con số tránh các nhầm lẫn, sai số lớn quá xa với sự kiện đó, nếu cần có thể nêu khoảng là..., cốt là để nêu lên được những định lượng cần thiết cho các định tính mà mình đã khẳng định trong bài viết.

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 8
Đông đảo các bạn H/s các trường trung học tham gia buổi trực tuyến

Xin thầy cho em 1 lời khuyên để có thể học tiếng Anh tốt và nhớ được lâu? (Vũ Thị Hoà, 18 tuổi, 60/53 ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Thứ nhất, em phải ham thích và chăm chỉ "Học, học nữa, học mãi", học mọi nơi, mọi lúc...

Em nên học ngoại ngữ một cách hứng thú, say mê. Nếu học một cách gò bó, hiệu quả sẽ rất thấp.

Cùng với đó, em nên cố gắng thực hành càng nhiều càng tốt. Đừng sợ nói sai mà giữ im lặng.

Việc thường xuyên vận dụng những kiến thức được học vào thực tế (thực hành) là phương pháp học tốt nhất. Nếu thường xuyên dùng Tiếng Anh, em sẽ nhớ lâu và ngược lại.

Hiện nay tôi đang công tác nhưng rất muốn học ngoại ngữ (Tiếng Anh) tại một trung tâm đào tạo có chất lượng cao. Nhưng tại tỉnh Hải Dương tôi không tìm thấy một trung tâm đào tạo Anh ngữ nào đáp ứng được nhu cầu của người học như chúng tôi cả. Vậy có cách nào giúp tôi giải quyết vấn đề này không? (Tôi chỉ có thể học buổi tối hoặc vào thứ Bảy, Chủ nhật tại Hải Dương thôi). Xin trân trọng cảm ơn. (Nguyễn Trọng Thắng, 26 tuổi, SO KHOA HOC VA CONG NGHE TINH HAI DUONG)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Bạn có thể đăng ký theo học chương trình đào tạo từ xa của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chẳng hạn. Tôi nghĩ, chương trình này sẽ phù hợp với hoàn cảnh của bạn hiện nay. Chúc bạn thành công!

Thưa thầy Trị, khi em đi học các lớp ôn văn thi đại học, các thầy thường cho một đáp án với một đề bài văn và nói rằng đây là đáp án tốt nhất để làm bài văn này. Tuy nhiên, các thầy khác nhau thì đáp án cũng khác nhau. Em rất lúng túng? (Hà Trang, 20 tuổi, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị: Thực chất câu hỏi này đã được thầy trả lời ở câu hỏi về tính đa nghĩa của tác phẩm. Đối với một đề về cảm thụ tác phẩm, có nhiều đáp án là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, đối với học sinh, đáp án trong các kỳ thi thường chọn cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Ngoài ra, cũng có phần lưu ý để người chấm đặc biệt khuyến khích những học sinh có sự cảm thụ độc đáo, sáng tạo.

Khi trình bày 1 câu hỏi trong đề thi môn Sử thì sẽ trình bày như 1 bài văn hay gạch đầu dòng cho từng sự kiện? (Thanh Huyền, 18 tuổi, Trường Nguyễn Trãi)

PGS. TS Ngô Đăng Tri: Cách trình bày một câu hỏi môn sử khác với môn văn tức là phải có tư liệu lịch sử, không nên dùng nhiều các ngôn từ mang tính chủ quan, ẩn dụ có tính chất văn chương, nhất là không được dùng thơ để thay thế tư liệu lịch sử.

Tuy nhiên khi trình bày cũng phải bảo đảm những công thức chung của tư duy như là luận điểm, luận cứ; có đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề.

Có thể có mở đầu, thân bài, kết luận, nhưng không nên mất thì giờ nhiều vào vấn đề trình bày mà tập trung cho việc nêu lên và phân tích những tư liệu. Nói chung, không nên gạch đầu dòng vì nó được hiểu là đề cương bài thi chứ không phải là bài thi hoàn chỉnh, điểm sẽ không cao. Nhưng khi không đủ thời gian, thì vẫn có thể gạch đầu dòng để có ý lấy điểm tối thiểu.

Trong đề thi văn có 3 câu, em nên phân bố thời gian thế nào ạ? Nên làm 2 câu thật tốt, bỏ 1 câu, hay làm 3 câu đều trung bình trong trường hợp em không có đủ thời gian? (Minh Thư, 20 tuổi, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị: Trước hết, tôi khuyên em không nên bỏ bất kỳ câu nào, phải lưu ý điểm tối đa dành cho từng câu để từ đó phân chia thời gian, sức lực một cách hợp lý.

Ngoai viec phai hoc ky kien thuc trong SGK con co nhung tu lieu nao ve mon Su o ngoai chuong trinh de em co the nam ro va hieu ky hon duoc khong a? (Trinh Phuong Anh, 18 tuổi, truong chuyen Ha Nam)

PGS. TS Ngô Đăng Tri: Đề thi và đáp án nằm trong kiến thức có ở sách giáo khoa. Tuy nhiên, đề làm một bài thi tốt, em cần phải tham khảo thêm các tài liệu khác. Ví dụ: Môn lịch sử Việt Nam cần hiện đại em có thể có thể đọc thêm các sách về lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, về tư tưởng Hồ Chí Minh vì nó rất gắn với lịch sử dân tộc. Lịch sử thế giới có thể tham khảo thêm các sách về quan hệ quốc tế về các nền văn minh...

Em xin hỏi về môn thi tiếng Anh. Đề thi có sát chương trình với lớp 12 không ạ? Em rất thích tiếng Anh, vì thế em đã chọn thi khối D, nhưng em không có điều kiện để học thêm nhiều. Em rất lo lắng cho kỳ thi đại học không biết giới hạn kiến thức như thế nào? (Dương thị Thoan, 18 tuổi, lớp 12A10 trường THPT An Lão, Hải Phòng)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 9

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Trước khi trả lời câu hỏi của em, tôi khuyên em không nên quá lo lắng.

Về giới hạn đề thi cần phải hiểu một cách tương đối. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn nằm trong giáo trình lớp 12. Nếu em học kỹ các bài trong giáo trình thì chắc chắn em sẽ làm được phần lớn yêu cầu của đề thi nêu ra. Bởi vì trong những năm gần đây, đề thi thường được cấu tạo theo tỷ lệ: 5 - 3 - 2.

Điều đó có nghĩa là, 50% số câu hỏi là dành cho tất cả các học sinh có thể làm được. 30% cho các học sinh trung bình khá trở lên. 20% là câu hỏi khó để phân loại học sinh giỏi.

Tôi đánh giá đề thi theo cấu trúc này là rất khoa học và mang tính nhân văn cao, bởi nó không đánh đố thí sinh.

Thưa thầy, năm vừa rồi em thi khối A nhưng không đạt, năm nay em quyết định thi khối D. Em lo nhất môn Văn, thầy có thể cho em biết phương pháp để ôn tập tốt môn Văn không ạ? (Minh, 19 tuổi, Ngõ Hàng Hương, Hà Nội)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 10
TS Hà Bình Trị và các bạn học sinh

TS Hà Bình Trị: Một, phải đọc thật kỹ để nắm được chắc chắn giá trị nội dung và nghệ thuật của tất cả các tác phẩm trong hạn chế chương trình thi.

Hai, phải nắm được nội dung của những bài khái quát về giai đoạn văn học và tác gia văn học.

Ba, có kỹ năng làm bài văn như kỹ năng phân tích tác phẩm, kỹ năng dựng đoạn, dùng từ, đặt câu...

Cách ôn luyện hiệu quả nhất là tích cực làm nhiều bài làm văn theo những dạng đề khác nhau.

Thưa thầy, trong các lần thi thử em thường đạt kết quả tốt, nhưng đến khi thi chính lại không như mong muốn, mà theo đánh giá, đề thi thử còn khó hơn là khi thi chính. Thầy có thể cho em biết làm thế nào để có được "phong độ" tốt nhất khi đi thi không ạ? (Dung, 19 tuổi, Hoàng Cầu, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị: Theo tôi, đây có thể là vấn đề tâm lý. Để khắc phục tình trạng này, một trong những cách tốt nhất là ở nhà bạn nên làm nhiều bài làm văn theo những dạng đề khác nhau.

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh có thể cho biết, để giúp các em học sinh làm bài thi đạt điểm cao thì nên làm như thế nào? (Vũ Thị Thanh Mai, 1984, 505A12, Nghĩa Tân, Hà Nội)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 11
Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh trực tiếp trả lời các học sinh

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Về mặt hình thức, để đạt được điểm cao, thí sinh không được để trống câu hỏi nào. Đề thi chưa phải là trắc nghiệm 100%, nhưng số câu hỏi trắc nghiệm cũng chiếm đến 70% đề thi.

Tiêu chí đầu tiên để cho điểm tối đa là trả lời đúng theo yêu cầu của đề. Vì vậy, để đạt được điểm cao thì không còn cách nào khác là làm hết đề thi với kết quả chính xác nhất.

Tuy nhiên theo tôi, thí sinh nên làm những câu dễ trước, làm đến đâu chắc đến đó.

Xin hoi thay NGO DANG TRI khi lam mot bai lich su co nhat thiet phai mo ket nhu mot bai van khong, co the gach dau dong trong bai khong a ? (pham hong minh, 18 tuổi, chuyen Ha Nam)

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Tuỳ theo đề thi mà có các cách trình bày khác nhau. Nếu đề thi là một câu hỏi tổng hợp gồm nhiều nội dung thì có thể có mở bài thân bài và kết luận. Nếu đề thi là các câu hỏi cụ thể (sau này còn có cả đề trắc nhiệm) thì không nhất thiết phải theo trình tự trên mà trả lời thẳng từng câu hỏi cụ thể và không phải tuân thủ thứ tự các câu có thể trả lời câu nào nắm vững hơn trước.

Cũng có thể bổ sung thêm nội dung cho câu nào đó đã trình bày ở cuối bài nếu còn thời gian và đều được tính là thuộc nội dung bài thi. Tất nhiên, tốt nhất nên làm theo đúng logic, đúng trật tự vì người ra đề thường có ý tưởng đặt các câu hỏi nhỏ trong một vấn đề lớn.

Thầy Lê Quốc Hạnh có thể tư vấn cho em về kinh nghiệm làm điền từ như thế nào được không ạ? (Phạm Thị Hoài Nam, 18 tuổi, 31a tổ 50 phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Trong đề thi Tiếng Anh chắc chắn sẽ có phần câu hỏi về điền từ thích hợp vào chỗ trống. Để điền được từ đúng, em cần phải hiểu được nghĩa từ đó trong mối kết hợp với những từ xung quanh (ngữ cảnh).

Nếu từ điền đúng với văn cảnh nhưng không hoàn toàn giống với đáp án, thí sinh sẽ vẫn được điểm.

Em muốn hỏi chương trình ôn thi đại học môn Văn bây giờ nên chú trọng ở phần nào? (Phạm Thị Hoài Nam, 18 tuổi, 31a tổ 50, phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị: Theo tôi được biết, trong cả 3 năm qua, hạn chế chương trình thi đại học của Bộ không có gì thay đổi. Cụ thể là, chỉ thi về văn học Việt Nam, không có phần văn học nước ngoài. Chi tiết hơn là, toàn bộ phần văn học Việt Nam trong hạn chế thi tốt nghiệp THPT ở lớp 12 cộng với 1 phần văn học Việt Nam ở chương trình lớp 11.

Đó là các bài: Khái quát về tác gia Xuân Diệu, giảng văn các bài thơ Đây mùa thu tới, Thơ duyên của Xuân Diệu; Tràng giang của Huy Cận; Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tống biệt hành của Thâm Tâm; giảng văn truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, đoạn Hạnh phúc của một tang gia trích tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng; khái quát về tác gia Nam Cao, giảng văn 2 truyện ngắn Đời thừa và Chí Phèo của nhà văn này.

Cuốn sách giáo khoa chính để ôn luyện thi là các cuốn: Văn học 11 và Văn học 12, sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, tái bản nhiều lần.

Đề thi môn Địa lý năm nay sẽ có lý thuyết không ạ? Và đề thi năm nay có tương đương với đề thi năm ngoái không? Số chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 khoảng bao nhiêu? (Vũ Hải, 18 tuổi, Ngọc Trì, Bình Định, Lương Tài, Bắc Ninh)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 12
GS Nguyễn Viết Thịnh

GS Nguyễn Viết Thịnh: Thông thường đề thi môn Địa lý có 3 câu lớn. Chia ra thành 6 câu nhỏ. Thi lý thuyết là phần cơ bản nhất.

Ngay cả trong câu hỏi về thực hành vẫn có phần nhận xét bảng số liệu hay biểu đồ đã vẽ. Như vậy, ở đây vẫn đòi hỏi phải nắm chắc lý thuyết.

Về chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 thì em phải theo dõi các bản tin của Bộ GD&ĐT.

Nếu em ôn hết sách giáo khoa Địa lý thi được tối đa bao nhiêu điểm?(y_dhuen bkrong, 22 tuổi, buondon_ daklak)

GS Nguyễn Viết Thịnh: SGK trình bày những kiến thức cơ bản nhất theo chương trình đã được Bộ GD&ĐT duyệt. Tuy nhiên, trong đề thi đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, phải thể hiện được tư duy độc lập. Vì vậy, nếu chỉ học thuộc lòng SGK thì chưa đảm bảo đạt điểm cao trong khi thi.

Thua thay, LAM SAO DE HOC MON LICH SU MAU THUOC DE THI TOT NGHIEP A ? CHI CAN TRA LOI CAC CAU HOI TRONG SACH ON TAP CO DU KO A ?(Ngo Chanh, 18 tuổi, 12A 9 THPT DUC PHO 1, DUC PHO, QUANG NGAI)

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Lịch sử là câu chuyện, em hãy hình dung môn sử như là một câu chuyện kể về quá khứ của nước ta hay thế giới, hay của một tổ chức, địa phương, đơn vị hay cá nhân nào đó.

Trên cơ sở đó, em học bài như kể một câu chuyện về một vấn đề cụ thể và sau khi đọc xong bài học, em hình dung câu chuyện trong đó và kể lại nó, không nhất thiết phải theo đúng từ ngữ nhưng thể hiện được cốt truyện là được. (Em có thể hình dung như đọc các hồi trong "Tam quốc chí" và nối các hồi đó lại thành một tác phẩm).

Khi làm bài thi, em hình dung là họ hỏi về hồi nào trong câu chuyện đó và kể nó ra trong bài thi, thì ít nhất em cũng nói được cốt truyện và cũng có số điểm tối thiểu.

Thưa thầy Hạnh, bài viết thư ở cuối đề tiếng Anh có được thêm nhiều từ của mình không theo mẫu vào không? (Nguyễn Thanh Hà, 18 tuổi, Trường Trần Phú, HN)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Em hoàn toàn có thể thêm từ vào bài làm, miễn là phải sử dụng đúng những từ/cụm từ cho sẵn.

Em xin hoi thay HA BINH TRI lam van thi dai hoc khoi C co can phai muot ma lam khong a hay chi can du y la duoc? (pham hong minh, 18 tuổi, chuyen ha nam)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 13
Các bạn học sinh theo dõi TS Hà Bình Trị trả lời câu hỏi.

TS Hà Bình Trị: Một bài văn tốt bao giờ cũng phải đáp ứng được cả hai yêu cầu: yêu cầu về mặt kiến thức và yêu cầu về mặt kỹ năng làm bài.

Yêu cầu về mặt kiến thức thường được đánh giá bằng nội dung các ý mà học sinh trình bày. Yêu cầu này thường dễ nhận thấy.

Yêu cầu thứ hai được thể hiện qua kỹ năng làm bài nghị luận, trong đó có các kỹ năng như: xây dựng bố cục, kết cấu, dựng đoạn, viết câu, dùng từ... Yêu cầu thứ hai này là hết sức quan trọng mặc dù trong các đáp án thường chỉ được trình bày ngắn gọn.

Người chấm bài không chỉ quan tâm tới nội dung học sinh trình bày, mà còn hết sức lưu ý đánh giá kỹ năng của học sinh.

Như vậy, cũng có nghĩa nếu chỉ đủ ý thì chưa thể đạt yêu cầu cao. Bên cạnh việc đủ ý, còn phải mượt mà với nghĩa là có kỹ năng làm bài. Ở đây cũng có thể hiểu mượt mà chỉ cách hành văn duyên dáng, uyển chuyển. Đây cũng là một kỹ năng diễn đạt quan trọng cần có.

Xin hoi cac thay kinh nghiem on thi mon Dia ly de dat ket qua thi tot nhat (hai ha, 18 tuổi, 112 nguyen van thoai, da nang)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Cách ôn thi ở môn Địa lý tốt nhất là nên ôn thi theo chủ điểm vì khi đó em sẽ học được cách tổng hợp kiến thức trong chương trình theo những cách sát với yêu cầu khi đi thi. Hơn nữa các chủ điểm thường có liên quan đến nhau, tạo điều kiện để em củng cố và mở rộng kiến thức. Thầy cũng có biên soạn một cuốn sách mang tên "Ôn tập môn Địa lý theo chủ điểm" NXB ĐH Sư phạm.

Em muốn hỏi thầy Ngô Đăng Tri: Em rất hay nhầm các số liệu trong từng trận đánh của quân ta. Em phải làm gì để tránh sự nhầm lẫn này.(Lan, 18 tuổi, TPHCM)

PGS. TS Ngô Đăng Tri: Những số liệu trong một số chiến dịch trong lịch sử chống Pháp, chống Mỹ rất cần khi trình bày diễn biến, kết quả của các chiến dịch đó. Để khỏi nhầm giữa các chiến dịch, em phải làm sơ đồ phân kỳ lịch sử, xem nó thuộc giai đoạn chống Pháp hay chống Mỹ, trong chống Pháp thuộc thời kỳ đầu, giữa hay cuối...để từ đó mà chọn ra số liệu hợp lý hơn.

Câu hỏi về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của nó đối với tác phẩm có được gạch đầu dòng ko, hay phải viết thành đoạn văn? (Nguyễn Thanh Hà, 18 tuổi, Trường Trần Phú)

TS. Hà Bình Trị: Theo đáp án thi đại học năm 2004, câu thứ nhất thiên về việc tái hiện kiến thức, thí sinh có thể trả lời bằng cách gạch đầu dòng. Tuy vậy, theo tôi cũng có thể viết thành đoạn văn.

Liệu trong phần phát âm có bài tập trọng âm không ạ? Bởi vì trong chương trình chúng em không được học. (Minh Trang, 18 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Trong đề thi Tiếng Anh có phần câu hỏi về phát âm. Trong khi đó, trọng âm là một phần của phát âm. Vì vậy, rất có thể đề thi sẽ ra phần trọng âm.

Có thể trong chương trình, các em không được học trực tiếp, chuyên sâu phần trọng âm nhưng đã học nghe, nói, đọc, viết thì phải học trọng âm.

Thưa thầy Tri, em học sử rất chăm nhưng không thể nào nhớ hết được các sự kiện xảy ra trong từng giai đoạn? Thầy có thể giúp em một vài bí quyết để học tốt môn Sử không?(Hà Ninh, 18 tuổi, HN)

PGS. TS Ngô Đăng Tri: Để nhớ các sự kiện lịch sử trong các giai đoạn, em phải vẽ được sơ đồ phân kỳ lịch sử để từ đó đưa các sự kiện em biết về đúng thời điểm nó đã diễn ra tránh việc nhầm sang giai đoạn khác. Ví dụ: thời kỳ 1930 - 1945, phải chia ra 30 - 31, 32 - 35, 36 - 39, 39 - 45...; hoặc thời kỳ 1954 - 1975 ở miền Nam phải chia ra: 54 - 60, 61 - 65, 65 - 68, 69 - 72, 73 - 75. Có như vậy tránh được nhầm sự kiện từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Tất nhiên em cũng không nên quá mệt mỏi về những sự kiện con số mà nên chọn lấy những sự kiện con số điển hình, tiêu biểu của giai đoạn đó mà thôi.

Thua thay, muon hoc tot mon Dia ly can nhung dieu kien gi? (pham hong minh, 18 tuổi, chuyen ha nam)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 14
GS. Nguyễn Viết Thịnh

GS Nguyễn Viết Thịnh: Môn Địa lý là một môn học có tính tổng hợp cao, bao gồm cả Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế xã hội. Trong chương trình Địa lý lớp 12 chỉ đề cập đến Địa lý kinh tế xã hội Việt Nam. Để học tốt môn Địa lý ở lớp 12 cần nắm vững kiến thức Địa lý lớp 10 (Địa lý kinh tế xã hội đại cương).

Học Địa lý không có nghĩa là học thuộc lòng mà phải hiểu được những đặc điểm chung nhất về sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, cần biết liên hệ với thực tế của đất nước. Trong các vấn đề của Địa lý lớp 12 có thể gộp thành các nhóm vấn đề sau đây: 1. Các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. 2. Dân cư và lao động. 3. Các ngành kinh tế. 4. Các vùng kinh tế. Trước hết phải nắm vững các nguồn lực ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của các vùng kinh tế.

Những kiến thức này (trong chương trình) không nhiều và có thể vận dụng vào các tình huống khác nhau. Các số liệu và các địa danh cũng chỉ cần nhớ những cái gì là tiêu biểu. Khi học Địa lý nếu biết sử dụng bản đồ và Atlas thì việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Thưa thầy Hạnh, thời gian làm bài tiếng Anh năm nay có thay đổi gì so với các năm trước hay không?(Vũ Văn Lam, 19 tuổi, Phòng 519 - A 6 - Giảng Võ - Hà Nội)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Theo quy định, năm ngoái thí sinh làm đề thi môn Tiếng Anh trong 180 phút. Còn năm nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thời gian làm bài môn Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, theo tôi biết, cũng đã có những ý kiến về việc rút ngắn thời gian thi nhưng cụ thể ra sao thì chưa rõ.

Khi lam mot bai van ma de yeu cau phan tich 2 tac pham khac nhau thi nen phan tich tren the doi sanh hay phan tich het bai nay den bai khac? (pham hong minh, 18 tuổi, chuyen Ha Nam)

TS Hà Bình Trị: Theo tôi hiểu, phải chăng em muốn hỏi dạng đề ra vào nhóm tác phẩm trong đó các tác phẩm có những nét tương đồng và đòi hỏi thí sinh tìm ra những nét độc đáo của chúng.

Ví dụ đề thi sau đây: "Cùng viết về quê hương đất nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng 3 bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Việt Bắc của Tố Hữu và Đất nước của Nguyễn Đình Thi là 3 thế giới hình tượng riêng, 3 giọng điệu trữ tình riêng, 3 sự ký thác khác nhau của mỗi hồn thơ. Anh/chị hãy phân tích 3 bài thơ trên trong thế đối sánh để thấy được vẻ đẹp khác nhau của từng thi phẩm".

Có 2 cách làm bài đều có thể chấp nhận được. Cách thứ nhất, phân tích lần lượt từng tác phẩm. Cách thứ hai, phân tích từng bình diện của các tác phẩm. Chọn cách nào là tùy thuộc vào điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh và đặc điểm của nhóm tác phẩm được nói tới ở đề bài. Có điều, dù làm theo cách nào, cũng phải luôn có ý thức đối chiếu, so sánh để thấy được sự độc đáo, riêng biệt của từng tác phẩm.

Tuy vậy, để làm bật được sự độc đáo, riêng biệt của từng tác phẩm, không thể không chú ý đến những nét chung của chúng.

Thua thay em nam truoc dinh thi khoi A, nhung moi nguoi khuyen em theo khoi C. Vay nen kien thuc cua em con trong vi vay em mong thay cho em loi khuyen? (Dinh Thi Hai, 17 tuoi tuổi, Pho Tan Lap, Nho Quan, Ninh Binh)

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Việc định hướng khối thi, trường thi, ngành thi phải căn cứ trên nhiều yếu tố mới có thể bảo đảm thi đỗ trong đó quan trọng nhất là khả năng của chính mình. Vấn đề là em có kiến thức vững về khối nào hơn. Em có thể kiểm tra khả năng của mình qua việc giải một số các đề thi và tự chấm điểm xem ở khối nào có kết quả cao hơn hoặc nhờ người khác kiểm tra hộ.

Tham khảo ý kiến của những người khác là rất cần thiết bởi nó liên quan đến nghề nghiệp sau này, đến điều kiện học tập... nhưng cơ bản là bản thân em, mà phải lựa chọn nhanh vì thời gian gấp rồi.

Em xin chao cac thay co. Em rat thich hoc tieng Anh nhung em tim mai ko thay co truong trung hoc chuyen nghiep nao dao tao nghe tieng Anh ca. Cac thay co co the cho em biet co truong nao dao tao nganh nay ko? (Ngoc Bich, 18 tuổi, Quang Ngai)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Theo tôi biết, hiện không có trường Trung học chuyên nghiệp nào chuyên đào tạo Tiếng Anh cả. Vì vậy, ngoài các trường đại học và cao đẳng, em có thể theo học Tiếng Anh ở các trung tâm.

Thưa các thầy, chế độ ưu tiên của các trường DHDL có giống trường ĐH công lập trong kỳ thi sắp tới cũng như trong quá trình học không? (Cao Đình Nam, 18 tuổi, PTTH NGÔ THÌ NHẬM)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Chính sách tuyển sinh ban hành được áp dụng cho tất cả các trường, không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

Dac diem cua khoang san, bien, khi hau, nhung phan nay trong sach giao khoa de cap den rat it. Lieu de thi co vao phan nay ko? (Nguyen Van Cu, 20 tuổi, Bac Quang, Ha Giang)

Thầy Nguyễn Viết Thịnh: Những vấn đề này có đề cập đến trong SGK thì cũng có nghĩa là không loại trừ khi ra đề. Tuy nhiên, có nhiều cách kiểm tra kiến thức của HS. Ví dụ: Có thể hỏi về sự phân bố của một số loại khoáng sản chủ yếu nhất (dầu khí, than...). Về khí hậu, đây là một thành phần rất quan trọng của tự nhiên và đặc điểm của khí hậu nước ta (khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, phân hóa đa dạng) có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp. Như vậy có thể hỏi riêng về khí hậu nhưng cũng có thể hỏi về khí hậu như là một nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Về biển, trong chương trình Địa lý lớp 12 hiện hành không có bài riêng về biển nhưng 6/7 vùng kinh tế của nước ta giáp biển. Vì vậy những kiến thức về kinh tế biển rất quan trọng khi nói về các vùng này. Hàng loạt câu hỏi có thể liên quan đến biển. Ví dụ: Vấn đề lương thực thực phẩm có nội dung về ngành thủy sản; Vấn đề phát triển giao thông vận tải có nội dung về các cảng biển; giao thông vận tải biển nói chung.

Kinh tế biển đặc biệt được nhấn mạnh đối với Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ.

Trong đề thi Văn đại học chỉ có phần văn học Việt Nam hay cả phần văn học nước ngoài? Trong chương trình văn thi tốt nghiệp phổ thông. Phần tóm tắt tác phẩm nước ngoài thì tóm tắt cả bài hay chỉ tóm tắt đoạn trích ?(Hoàng Thị Hạnh, 18 tuổi, Trường Nguyễn Gia Thiều)

TS Hà Bình Trị: Bạn có thể xem phần hạn chế ôn thi đại học môn Văn ở những câu trả lời trên.

Trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH, có năm đề thi yêu cầu học sinh tóm tắt nội dung một tác phẩm nào đó của văn học nước ngoài. Học sinh phải tóm tắt toàn bộ tác phẩm, chứ không phải chỉ tóm tắt nội dung đoạn trích giảng.

Tuy nhiên, điều này không quá khó đối với phần đông học sinh vì trong sách giáo khoa đã có phần tóm tắt toàn bộ nội dung tác phẩm một cách tương đối chi tiết.

Thưa thầy Hạnh, việc chấm bài thi có đảm bảo sự công bằng giữa các trường cùng tổ chức thi khối D không? Ví dụ thầy nói có trường hợp điền từ đúng, không có trong đáp án, nhỡ trường này cho điểm còn trường khác không cho thì sao a? (Vo Hong Quang, 19 tuổi, Khu TT trưong ĐNHN Ha Noi)

Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh: Trường hợp như em thắc mắc đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, việc cho điểm vẫn hoàn toàn đảm bảo tính khách quan và công bằng. Bởi lẽ, khi cho điểm có điều chỉnh, những người chấm thi đã phải có sự thảo luận kỹ và đạt được sự thống nhất. Ngoài ra, còn phải được sự đồng ý của Trưởng ban Chấm thi và Chủ tịch Hội đồng. Mọi sự điều chỉnh tùy tiện đều không được phép.

Làm thế nào em có thể nhớ được kiến thức lịch sử trong trường THPT? (Nguyễn Tuấn Sơn, 19 tuổi, Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Tây)

PGS.TS Ngô Đăng Tri: Để nhớ được những kiến thức trong các bài học môn Sử trong sách giáo khoa, em cần trừu tượng hóa nó đi, coi nó như là những mẩu chuyện lịch sử của một câu chuyện lịch sử. Trên cơ sở toàn bộ câu chuyện lịch sử Việt Nam hay thế giới mà em cần phải nắm được đại thể, cốt lõi của nó để nhặt ra từng câu chuyện nhỏ tương ứng với các bài học đó.

Như vây, em nhớ các kiến thức lịch sử về một bài nào đó trong tổng thể toàn bộ câu chuyện, như vậy dễ nhớ hơn là học thuộc từng bài mà không đặt nó trong toàn bộ câu chuyện. Và đây cũng là cách tránh nhầm lẫn các sự kiện, nhân vật, số liệu lịch sử.

Em muon hoi lam sao de hoc duoc tot nhat mon Dia ly, lam sao de nho duoc nhieu nhat cac so lieu a? (Nguyen Thi Huyen, 20 tuổi, Thanh Xuan, Ha Noi)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Muốn học tốt môn Địa lý phải tìm được lôgíc trong khi học và trình bày một vấn đề nào đó. Thông thường một vấn đề có liên quan đến một ngành kinh tế chẳng hạn có lôgíc như sau: 1. Ý nghĩa của ngành kinh tế này đối với sự phát triển kinh tế xã hội. 2.Các nhân tố (nguồn lực) ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành. 3. Hiện trạng phát triển và phân bố. 4. Một số phương hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển ngành.

Như vậy, trong khi học Địa lý phải nhớ một số số liệu để chứng minh hiện trạng phát triển của ngành. Nhưng điều quan trọng là hiểu được tầm cỡ và ý nghĩa của số liệu. Không nhất thiết phải nhớ thật chi tiết. Ví dụ: Khi nói đến Đông Nam Bộ có thể nêu rằng đây là vùng chiếm hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước hoặc nêu rằng đây là vùng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp cả nước hoặc nhấn mạnh rằng giá trị sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Bộ lớn hơn tất cả các vùng khác cộng lại.

Em muốn hỏi thầy Hà Bình Trị về phương pháp tóm tắt một tác phẩm văn xuôi, chúng em nên tóm tắt theo trình tự tác phẩm hay theo trình tự thời gian diễn biến sự việc? (Hà Ninh, 18 tuổi, HN)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 15

TS Hà Bình Trị

TS Hà Bình Trị: Tóm tắt một tác phẩm có thể theo nhiều cách, có thể theo trình tự tác phẩm hoặc cũng có thể theo diễn biến, số phận của câu chuyện, của nhân vật (tùy theo từng tác phẩm).

Tuy nhiên, dù tóm tắt theo cách nào, cũng phải gián tiếp hoặc trực tiếp thể hiện đúng được giá trị nội dung tác phẩm.

Thầy ơi, chấm điểm môn Văn thế nào ạ? Làm gì có thang điểm chi tiết và rõ ràng được như môn Toán. Nhỡ các thầy chấm theo cảm hứng thì sao? Em rất lo về cách chấm thi môn này, thầy có thể cho biết cách thẩm định một bài thi văn thế nào không ạ? (Hải An, 18 tuổi, Ninh Bình)

TS Hà Bình Trị: Theo tôi được biết, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, càng ngày hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT càng được biên soạn kỹ lưỡng, công phu giúp người chấm bài không những định lượng mà còn định tính được bài làm của học sinh. Khi thực hiện tốt hướng dẫn đó, sự sai lệch là không đáng kể. Em không nên lo lắng quá về vấn đề này.

Để vẽ được một biểu đồ chính xác trong đề thi thì em phải làm thế nào? Nhiều khi một bài mà có đến 2 cách vẽ biểu đồ thì em nên chọn biểu đồ nào để được điểm tối đa trong môn Địa? (Nam, 18 tuổi, Huế)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Hiện nay trong đề thi chỉ đề cập đến một số dạng biểu đồ khá phổ biến. Thứ nhất: Các biểu đồ đường được sử dụng khi chuỗi số liệu là các năm khác nhau và trong đề thi không đề cập đến nội dung về cơ cấu mà đề cập đến tình hình phát triển (của dân số, của một ngành...).

Thứ hai: Các biểu đồ đường lấy năm gốc bằng 100% được sử dụng khi đề cập đến sự tăng trưởng của một số chỉ tiêu và chuỗi năm không liên tục.

Thứ ba: Các biểu đồ cột đơn có thể dùng thay cho biểu đồ đường trong một số trường hợp. Biểu đồ kết hợp cột và đường được sử dụng khi phải vẽ về 2 đại lượng (ví dụ: Số dự án đầu tư nước ngoài và quy mô vốn trung bình của dự án) và khi đó biểu đồ có 2 trục tung. Trong trường hợp này cũng có thể vẽ biểu đồ có 2 đường và 2 trục tung. Biểu đồ hình tròn để biểu diễn cơ cấu của hiện tượng (ví dụ: Cơ cấu GDP).

Chú ý là không phải trường hợp nào cũng vẽ biểu đồ có kích thước to nhỏ khác nhau. Thông thường chỉ so sánh kích thước biểu đồ khi các đại lượng được đưa ra là các đại lượng Vật lý (ví dụ: triệu tấn, nghìn mét...) hoặc theo giá so sánh. Trong trường hợp có nhiều năm, thì biểu đồ miền (hình chữ nhật) được sử dụng thay thế cho biểu đồ hình tròn.

Như vậy, trước khi lựa chọn kiểu biểu đồ thích hợp, cần đọc kỹ yêu cầu của đề, đặc điểm của chuỗi số liệu, phải chú ý đến một số từ trong đề. Ví dụ: tỷ trọng (biểu đồ tròn hoặc biểu đồ miền hoặc biểu đồ cột chồng). Nếu trong bài có đến 2 cách vẽ biểu đồ thì biểu đồ được điểm tối đa phải diễn tả trực quan nhất chuỗi số liệu và phải đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Một số dạng biểu đồ có thể được chỉ định cho thí sinh vẽ.

Trong bai thi em co duoc gach dau dong khi viet cam nhan ve doan van em co duoc gach dau dong khong va noi dung on thi trong tam vao phan nao a? (Dinh Thi Hai, 17 tuoi tuổi, Pho Tan Lap, Nho Quan, Ninh Binh)

TS Hà Bình Trị: Em không nên làm như vậy. Vì ở đây khi đã đòi hỏi phân tích, cảm thụ tác phẩm tức là đề bài yêu cầu em phải làm một bài văn trọn vẹn, chứ không phải yêu cầu trả lời câu hỏi, nên không thể gạch đầu dòng.

Trong bai thi Dia ly phan ve cac so lieu tinh toan co chiem nhieu diem khong a? Nhung so lieu do co o trong sach giao khoa hay o ngoai sach giao khoa a? (Dinh Thi Hai, 17 tuoi, Pho Tan Lap, Nho Quan, Ninh Binh)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Thường thì phần tính toán (xử lý số liệu) chiếm 0,5 điểm nếu nội dung này là bắt buộc trong bài thực hành. Những số liệu này thường lấy ở niên giám thống kê năm gần nhất.

Thưa thầy Nguyễn Viết Thịnh, em muốn hỏi năm trước có câu hỏi về các tỉnh thuộc DHMT tính theo thứ tự từ Bắc vào Nam liệu năm nay có câu hỏi nào tuơng tự như thế, ở các vùng khác trong nước không hay là câu hỏi trắc nghiệm kiểu khác, thầy có thể đưa ra ví dụ? (Lỗ Văn Sơn, 19 tuổi, Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Những câu hỏi dạng này là để kiểm tra cách học cuả thí sinh. Nếu thí sinh khi học Địa lý có sử dụng bản đồ hoặc atlas thì sẽ dễ dàng trả lời được những câu hỏi (ví dụ: Kể tên các tỉnh, thành phố thuộc một vùng nào đó, kể tên các thành phố dọc theo Quốc lộ 1, kể tên các nhà máy thủy điện lớn trên các dòng sông nào).

Thua cac thay ky thi dai hoc nam nay se chu trong vao noi dung nao cua chuong trinh sach giao khoa pho thong a? (nguyen thi huyen, 20 tuổi, thanh xuan)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Không chú trọng vào bất cứ một nội dung nào. Tốt nhất, em nên ôn tập thật đầy đủ.

Em là học sinh vùng cao, không có điều kiện học các lớp luyện thi đại học. Em mong thầy Hà Bình Trị có thể giúp em nắm được những ý chính trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" được không ạ? (Nguyễn Thị Liên, 20 tuổi, Lai Châu)

TS Hà Bình Trị: Thứ nhất, không nhất thiết phải học thêm các lớp luyện thi mới nắm được các ý chính trong bài này. Vì những ý đó đã được trình bày trong sách giáo khoa mà em đang học và qua các tiết lên lớp của thày cô giáo.

Thứ hai, khi học bài này về nội dung, em cần phải nắm được 2 ý chính sau đây: Nguyễn Tuân ngợi ca thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng (qua hình tượng con sông Đà hung bạo và trữ tình), Nhà văn ngợi ca con người Tây Bắc bình dị, nhưng rất mực tài hoa đang ngày đêm lao động xây dựng quê hương đất nước (qua hình tượng ông lái đò - một nghệ sỹ trong nghề leo ghềnh vượt thác). Về nghệ thuật, cần thấy được sự tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân trong việc dựng người, dựng cảnh.

Trong đề thi về chuyển dịch cơ cấu, nếu đề bài ra phải vẽ biểu đồ để phản ánh sự chuyển dịch đó thì em nên vẽ biểu đồ hình tròn hay biểu đồ hình chữ nhật? Em đã hỏi nhiều thầy cô giáo trong trường nhưng mỗi người lại cho một ý kiến khác nhau? Theo thầy thì em làm theo cách nào sẽ đạt được điểm tối đa? (Lê Thị Bích, 19 tuổi, Bắc Ninh)

Kinh nghiệm ôn và thi ĐH các môn tiếng Anh, Văn, Sử, Địa ảnh 16

GS Nguyễn Viết Thịnh

GS Nguyễn Viết Thịnh: Thường là trong đề thi vẽ biểu đồ về cơ cấu kinh tế qua một số năm, qua đó nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong trường hợp số năm ít (ví dụ: 3 năm) thì vẽ biểu đồ hình tròn là thích hợp nhất. Trong trường hợp có nhiều năm thì biểu đồ miền hình chữ nhật được coi là thích hợp hơn (thí sinh cũng vẽ nhanh hơn).

Thưa thầy, barem điểm chấm môn Địa lý như thế nào ạ ? Thầy có thể "bật mí" về giới hạn đề thi năm nay được không ?(Duy Phương, 18 tuổi, Hải Phòng)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Về barem điểm chấm môn Địa lý em có thể tham khảo các cuốn sách về các đề thi ĐH và Cao đẳng những năm qua cũng như đáp án môn địa lý được đăng tải trên mạng kể từ khi ra đề chung.

Về giới hạn đề thi chỉ có một nguyên tắc chung là không ra đề thi ngoài chương trình và không đánh đố.

Thưa thầy Thịnh, em không có điều kiện đi học luyện thi bên ngoài, em muốn hỏi thầy là em nên mua những tài liệu tham khảo nào để giúp ích cho việc thi đại học của em? (Sen, 18 tuổi, Quảng Nam)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Các loại sách ôn thi có nhiều. Tuy nhiên, cũng không dễ tìm được các loại sách phù hợp nhất là ở các tỉnh, huyện. Một số quyển đã được thử thách như: Ôn tập môn Địa lý theo chủ điểm (NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội); Hướng dẫn ôn tập môn Địa lý (Lê Thông và những người khác) cũng của NXB ĐH Sư phạm Hà Nội...

Trong đề thi môn Địa lý thường hay có những câu học sinh trả lời theo hiểu biết của mình? Em muốn hỏi là cách đánh giá để cho điểm những câu này dựa theo tiêu chí nào? Chúng em nên làm câu này thế nào để đạt được điểm tối đa?(Việt Anh, 20 tuổi, HN)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Thực tế đây là những câu hỏi đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức cơ bản trong SGK và biết liên hệ thực tế của đất nước.

Em rất sợ gặp phải câu hỏi vẽ biểu đồ khoáng sản, theo thầy thì cách giải quyết đề thi này như thế nào là tốt nhất? Em sợ mình vẽ biểu đồ không đúng chuẩn! em sợ vẽ biểu đồ bị sót tên khoáng sản lắm! (Hương, 19 tuổi, Quảng Ninh)

GS Nguyễn Viết Thịnh: Chắc em muốn nói về lược đồ khoáng sản. Theo thầy thì khả năng ra đề liên quan đến kỹ năng này không nhiều.

Thưa thầy HÀ BÌNH TRỊ em muốn hỏi tại sao Bộ không ra đề thi bằng cách yêu cầu học sinh viết lại hoàn chỉnh khổ thơ hoặc bài thơ nào đó với việc cho 1,5 - 2 điểm để kiểm tra trình độ hiểu, từ khổ thơ đó có thể yêu cầu học sinh trình bày và phân tích? (Lỗ Văn Sơn, 19 tuổi, Liên châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc)

TS Hà Bình Trị: Khoảng mươi năm trước, một số kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT có ra đề thi trong đó có câu yêu cầu thí sinh chép lại một vài khổ thơ hoặc bài thơ ngắn và được điểm tối đa khoảng 2 điểm. Nhưng tôi được biết, cách ra đề này ít nhiều đã khiến học sinh sa vào lối học vẹt. Vả lại, yêu cầu đó là quá thấp so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có lẽ chính vì thế, Bộ đã bỏ cách ra đề này.

Hiện nay, khi yêu cầu học sinh phân tích đoạn thơ, bài thơ, đề thi đều chép đầy đủ đoạn thơ, bài thơ cần phân tích.

Nhưng theo cá nhân tôi, có lẽ khi yêu cầu học sinh phân tích một đoạn thơ, bài thơ trong tương lai có thể đề thi không cần thiết phải chép lại bài thơ, đoạn thơ đó. Như vậy, không những kiểm tra được sự phân tích, cảm thụ mà còn kiểm tra được việc học thuộc lòng của học sinh.

Còn rất nhiều các câu hỏi mà học sinh cả nước đang gửi về. Tuy nhiên do thời gian có hạn, chúng tôi xin phép tạm dừng buổi tư vấn trực tuyến "Kinh nghiệm ôn & thi ĐH-CĐ" 2005 tại đây.

Tiền phong Online xin cám ơn sự có mặt và trả lời tận tình của các vị khách mời. Xin cám ơn bạn đọc đã tham gia vào chương trình của chúng tôi. Hẹn gặp lại vào những chương trình trực tuyến lần sau. Hy vọng cuộc tư vấn trực tuyến này sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích. Chúc các bạn thí sinh ôn và luyện thi thật tốt.

10 bạn nhận được thẻ học tiếng Anh của Cambridge

1. Thu Hằng, 16 tuổi, Ngõ 6 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội

2. Lã Thị Hương Giang, 25 tuổi, số 20 nhõ 2 phố Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội

3. Vũ Thị Hoà, 18 tuổi, 60/53 ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội

4. Minh, 19 tuổi, Ngõ Hàng Hương, Hà Nội

5. Dung, 19 tuổi, Hoàng Cầu, Hà Nội

6. Vũ Thị Thanh Mai, 1984, 505A12, Nghĩa Tân, Hà Nội

7. Phạm Thị Hoài Nam, 18 tuổi, 31a tổ 50 phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

8. Minh Trang, 18 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội

9. Võ Hồng Quang, 19 tuổi, Khu TT trường ĐNHN Hà Nội

10. Nguyễn Thị Thanh Hiền, 19/5/1987, 42/55/124Âu Cơ, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội

Xin mời các bạn đến nhận thẻ tại ban Điện tử - Báo Tiền Phong, 15, Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...