Cần ngăn cấm tình trạng giáo viên "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Cần ngăn cấm tình trạng giáo viên "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức đã bộc lộ quan điểm như vậy khi đề cập đến vụ “Lò” luyện thi C1. Còn ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ông nói: Luật Giáo dục có đề cập đến việc hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Việc luyện thi, hay là học theo tủ, thi theo tủ… là những chuyện thường xảy ra.

Thực ra những chuyện đó nếu vừa phải và đúng cách thì vẫn chấp nhận được, nhưng bởi vì những chuyện đó lại chỉ là những biến tướng của dạy thêm, học thêm, nên xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể khuyến khích. Nhất là việc luyện thi nếu không trung thực thì càng gây ra sự căng thẳng trong xã hội…

Căng thẳng và bất công, nếu như thí sinh ở “lò” này được “trúng tủ” mà thí sinh ở lò khác lại không trúng, thưa ông?

Căn cứ vào “tủ” và nội dung đề thi thì mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng. Còn với tôi, chỉ nghĩ rằng điều quan trọng nhất là sự cảnh tỉnh của người thầy. Bởi vì chỉ có mình mới soi xét được chính mình…

Trong trường hợp ông có con cháu thi vào đại học, nếu biết được “lò” luyện thi nào có giáo viên nhiều khả năng sẽ được mời vào Hội đồng ra đề thi đại học, cũng như Hội đồng Chấm thi, ông có cho con cháu mình đi luyện thi ở “lò” đó?

Dĩ nhiên. Chẳng có ai lại không muốn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho con cháu mình. Nhưng ở đây, có hai mặt của một vấn đề.

Nếu như chưa có những quy định cấm giáo viên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thì bất cứ ai cũng có quyền tiếp cận “lò” của giáo viên này. Giáo viên cũng có quyền làm những việc pháp luật không cấm.

Mặt khác, ranh giới giữa sự khách quan và tiêu cực ở đây lại như một sợi chỉ mỏng manh, bởi vì  tiêu cực thì có rất nhiều biến hóa. Vì vậy, phải có những quy định cần thiết của các cơ quan chức năng để giữ vững sợi chỉ mỏng manh đó.

Những quy định đó là gì, thưa ông?

Không phải đến bây giờ, mà trước đây cha ông ta đã có những quy định trọng Bộ luật Hồng Đức nhằm hạn chế tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tại sao chúng ta lại không quy định thật rõ: Nếu người được mời tham gia vào Hội đồng ra đề thi và Hội đồng Chấm thi, thì không được quyền tham gia luyện thi.

Ngược lại, người luyện thi có quyền từ chối tham gia vào những hội đồng nói trên nếu được triệu tập. Phải minh bạch hóa chuyện thi cử hơn nữa để nhân dân không còn thắc mắc vấn đề này, vấn đề kia là gặp may hay là có “chuyện”.

Luyện thi trúng tủ: "Lò" gặp may hay có “chuyện”?

Luyện thi trúng tủ: Giáo viên "lò C1" nói gì?

"Lò C1" luyện thi trúng tủ: Quá trình ra đề đúng quy chế

Ý kiến bạn đọc

Hồng Quang, Email: quangsonthuy@yahoo.com

Quy chế tuyển sinh còn kẻ hở

Dư luận trong mấy ngày vừa qua xôn xao về các "lò" luyện thi tủ trúng đề tuyển sinh năm nay, mà một trong số các chủ "lò" luyện thi đó là thành phần trong Hội đồng ra đề thi.

Trong Quy chế tuyển sinh đã không thấy đề cập đến vấn đề nhạy cảm trên, chỉ cấm có người thân, họ hàng dự thi thì không được tham gia làm đề thi. Không thể có chuyện tổ chức luyện thi lại được tham gia làm đề thi, mặc dù Quy chế không có mục này. Bởi vì, dù muốn hay không muốn, có vô tư đến mấy cũng không thể ngăn cản được nỗi bức xúc của người dân trong vấn đề nêu trên.

Trước đây, ở trường đại học chúng tôi (khi trường tổ chức theo đề thi riêng) có một cán bộ bị kỷ luật vì luyện thi ở nhà nhưng giấu, lại tham gia làm đề thi tốt nghiệp cuối khoá. Các cán bộ có tổ chức ôn thi, luyện thi đều không được tham gia làm đề thi, chấm thi tốt nghiệp. Đó là qui mô một trường, người ta đã hiểu ra vấn đề nhạy cảm đó.

Vậy tại sao ở tầm vĩ mô Bộ GD-ĐT lại không để ý đến vấn đề đó, vấn đề có tính quốc gia, đề thi chung, liên quan đến vấn đề "nóng bỏng" nhất của người dân hiện nay. Vậy Bộ GD-ĐT nên bổ sung vào Quy chế Tuyển sinh hiện hành: cấm người luyện thi ra đề thi, chấm thi. Nói về tình cảm, về kinh tế của nhà giáo thì thực tế những người được chọn ra đề thi thì kinh tế cá nhân gia đình của họ đâu phải thiếu thốn. Những người này đa phần đều nổi tiếng trong ngành, có uy tín, có nhiều giờ dạy, có thể được nhiều trường mời dạy, đâu chỉ dựa vào thu nhập LUYỆN THI.

Vì vậy, tốt nhất Bộ GD-ĐT nên bổ sung vào Quy chế những điều cần thiết, đừng tạo kẻ hở cho những người mà lương tâm nhà giáo đã chuyển màu thương mại, được "làm ăn hợp pháp".

Tên: Trần Ngọc Diệu Hương; Email: chimcanhcut_16@yahoo.com

"Khách quan hay không nằm ngoài quyền hạn trả lời của tôi" Câu trả lời liệu đã thoả đáng ?

Em là học sinh lớp 12 vừa tham gia kỳ thi tuyển sinh 2005. Đọc xong bài báo trên, em cảm thấy hết sức thất vọng! Từ khi bước chân đến trường,mơ ước của bất kỳ đứa học trò nào lại không phải là được bước chân vào cánh cửa trường Đại học, chưa kể đó còn là hy vọng của gia đình,mẹ cha - những người luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chắp cánh cho ước mơ của con trẻ.

Chúng em đã trải qua 12 năm đèn sách vất vả những mong có một hành trang kiến thức thật tốt để có đủ tự tin bước vào phòng thi "ứng thí" ở kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời.Chúng em nghĩ thật đơn giản: chỉ cần kiến thức và sự tự tin, thế là đủ. Nhưng sự thật thì sau kỳ thi vừa qua, đặc biệt là sau khi đọc bài báo trên, em đã bắt đầu ngờ vực vì tính khách quan, công bằng của nó.

Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan thông tin đại chúng vẫn nói rất nhiều về "tính khách quan" trong mỗi kỳ thi. Nhưng thử hỏi, việc để xảy ra hiện tượng như trên, liệu chúng em có thể an tâm được không? Đã bước vào phòng thi thì nhất nhất ai cũng phải như ai, ai giỏi người ấy sẽ được đậu. Chúng em có kiến thức phải trải qua quá trình hoc tập, rèn giũa lâu dài với quyết tâm cao nhất, chúng em đã phải bỏ biết bao công sức. Vì vậy, em không thể chấp nhận được việc một số bạn chỉ phải học một cách chóng vánh chừng 20 ca học cấp tốc ở lò C1 đã có thể có 1 số vốn "vừa đủ" để làm bài thi (môn Văn).

Các cơ quan truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đều phản đối việc lò luyện, học tủ... Vậy mà,giáo viên ra đề thi lại nằm trong chính những lò luyện như thế! Em thật không sao giải thích nổi. Có lẽ không cần phải nói sâu thêm cho lý do về sự boăn khoăn và không tránh khỏi thái độ bất bình của em. "Khách quan hay không nằm ngoài quyền hạn trả lời của tôi".

Đây là câu trả lời theo em là chưa thoả đáng. Rõ ràng, thầy giáo đã không thẳng thắn nhìn vào sự thật để trả lời phóng viên. Thiết nghĩ, bản thân là giáo viên chịu trách nhiệm ra đề mà lại trả lời như vậy thì thử hỏi ai là nằm trong quyền hạn trả lời câu hỏi đó? Chúng em biết hỏi ai bây giờ? Trên đây là một số ý kiến của em. Cuối cùng, chúng em xin cảm ơn Toà soạn đã chia sẻ cho chúng em những thông tin này.

Đây không phải là một chuyện bình thường!

Tôi sống và làm việc tại một huyện đảo cách xa Thủ đô hàng trăm cây số về phía Đông Bắc của Tổ quốc – nơi đây không chỉ riêng tôi mà còn trên dưới một trăm phụ huynh học sinh cùng hướng về Thủ đô trong những ngày thi cử. 

Tôi từng thi suốt 4 năm liền mới đỗ đại học và như vậy, còn ai thấu hiểu giây phút chờ đợi, vui sướng, buồn tủi khi biết kết quả thi hơn tôi.

Hôm nay sau 2 ngày kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi đại học, tôi cầm trên tay bài của báo Tiền phong viết có đến 4 trong 6 câu hỏi của hai đề thi Văn khối C và D gần sát với các “trọng tâm” ôn thi của “lò” luyện thi C1 - Đại học Sư phạm Hà Nội mà thấy mất hết niềm tin về “dạy – học – thi” thời nay mặc dù chưa biết thật hư thế nào.

Từ cái nhìn cá nhân của tôi, qua bài viết “Lò” gặp may hay có “chuyện”? thì quả thật vấn đề không đơn giản chút nào về cái mà thí sinh hay gọi là “ôn tủ”, “ôn trọng tâm” tại lò C1 Đại học Sư phạm Hà Nội”.

Tôi còn thấy khó hiểu hơn nữa là khi ông Lã Nhâm Thìn – Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (người trực tiếp giảng dạy tại lò C1 và là thành viên của Hội đồng ra đề thi) - trả lời phỏng vấn nhà báo: “Thôi thì cái việc đó đã thế rồi thì phóng viên thông cảm tôi không thể trả lời hơn được nữa…”.

Kính gửi báo Tiền phong, được biết quý báo nhiều năm nay đã thực sự “bút sắt lòng trong” trong công tác chống tiêu cực xã hội và tôi đặt niềm tin vào quý báo trước sự việc trên, bởi theo tôi vấn đề 4 trong 6 câu của đề thi đại học môn Văn khối C và D gần sát với “tủ” của “lò” C1 Đại học Sư phạm không đơn giản chút nào.

Người luyện thi được tham gia làm đề thi, có hợp lý không?

Ông Giao có nói: “Trong quy chế không đặt ra vấn đề người tham gia làm đề thi không được luyện thi. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia Ban ra đề là người không có người thân dự thi ĐH, CĐ. Làm sao mà lại không cho những người ra đề không luyện thi được. Các thầy giỏi thì các thầy có quyền luyện thi chứ! Việc luyện thi là việc của cá nhân các thầy. Quy chế chỉ yêu cầu người tham gia ban ra đề không được để lộ thông tin ra ngoài”.

Tôi thấy ý kiến trên đây rất bất ổn, và nếu quy chế quy định như vậy thì là sơ hở. Vì nếu để người ra đề được luyện thi, sẽ xảy ra 2 tình huống mà trong cả hai, người ra đề – luyện thi đều rơi vào tình thế tôi cho là không thể chấp nhận được.

Tình huống thứ nhất: Người ra đề – luyện thi ra đề sát với nội dung luyện thi của mình (tình huống rất dễ xảy ra) thì đương nhiên học trò học thầy này sẽ được lợi, và thầy sẽ là người bất công với toàn thể số học sinh còn lại không học thầy.

Tình huống thứ hai: Người ra đề – luyện thi ra đề không sát với nội dung luyện thi. Nếu như vậy chẳng hoá ra thầy đi lừa người nộp tiền vào luyện ở “lò” của mình à?

Tên: dinh van hien

Email: hienhue82@yah«.com

Tin thay giao vua luyen thi o cac lo vua ra de thi lam xon xao du luan. Nhu the thi con dau la cong bang. De nghi Bo giao duc -Dao tao khong nen moi nhung nguoi nhu the vao ban ra de thi. Ho chi co the lam nguoi phan bien. De nghi co quan chuc nang lam ro viec nay.  Rat mong Toa soan thong tin tiepcho ban doc.

Diễn đàn “Người luyện thi được tham gia làm đề thi, có hợp lý không?”

GS Hoàng Tụy: Câu này không phải hỏi đến tôi mà ai cũng trả lời được. Làm sao luyện thi mà lại còn tham gia vào Ban làm đề? Trước đây cũng đã từng xảy ra chuyện này ở bậc học cao hơn. Muốn làm nghiên cứu sinh (NCS) nước ngoài học sinh phải đi qua một kỳ thi tuyển sinh ở Bộ GD-ĐT.  Có một số cán bộ luyện thi NCS và lại tham gia làm đề thi và bị lên án nhiều lần rồi. Đối với thi đại học (ĐH) đây là lần đầu tiên bị dư luận phát hiện nhưng chắc không phải là việc người ta làm lần đầu tiên. Thực sự cũng từng có nhiều thầy vừa luyện vừa ra đề rồi nhưng đề thi có thể không trúng nên người ta không để ý. Khi xảy ra rồi thì người  ta viện  cớ này cớ nọ; ví dụ: không tham gia luyện thi thì đề không sát... toàn lý do vớ vẩn.

Theo tôi, còn thi kiểu này, trong tình hình xã hội của ta thì không có chuyện này thì lại có chuyện khác tương tự . Chúng ta phải tổ chức thi cử cách khác mà chúng tôi sẽ đề cập sau.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tất nhiên sự việc như thế là bất thường quá mà sự việc lại không phải lần đầu. Có thể đấy là một chuyện tiêu cực và đương nhiên là không hay. Tôi thấy cứ đến mùa thi là làm khổ nhau dữ quá.

GS Nguyễn Cảnh Toàn: Tôi không hiểu tại sao người ta lại để cho ông này tham gia Ban đề thi.

GS Hoàng Ngọc Hiến: Cũng phải tính kỹ. Những người luyện thi thì thường giỏi mà không tham gia thì cũng phí đi một đối tượng có thể ra đề thi hay. Tuy nhiên việc giao nhiệm vụ cho họ phải tính đến  uy tín, đạo đức của người thầy, người ra đề.

TS Bùi Duy Cam (Phó HT ĐHKHTN, ĐHQG HN): Có một thực tế là ra đề không có thầy luyện thi thì không yên tâm về chất lượng của đề.  Vấn đề là ở chỗ các thầy được tham gia ra đề thi phải làm thế nào đó để họ đặc biệt nâng cao trách nhiệm, tránh những đề mình đã luyện cho học sinh.

TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó GĐ ĐHQG TP HCM): Thầy tham gia ra đề thi không biết gì về chương trình phổ thông, không tham gia luyện thi thì không sát sao, không am hiểu chương trình phổ thông.

Thầy tham gia luyện thi nhiều quá thì cũng không được mà thầy không biết gì về chương trình phổ thông thì cũng không nên. Tuy nhiên luyện thi nhiều đến cỡ nào là vừa thì do Cục Khảo thí quyết định.

Trong quy định chọn cán bộ ra đề thi năm nay có một số giáo viên phổ thông với tỷ lệ 50-50. Đứng về góc độ chuyên môn thì như thế là vừa. Về việc tham gia luyện thi cũng không thể cấm đoán hoàn toàn vì đó là tự do cá nhân hoạt động nghề nghiệp của các thầy. Cục Khảo thí nên có quy định cụ thể về các tiêu chí chọn thầy ra đề thi. 

Từ vụ lò C1: Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu lại qui chế

Đó là ý kiến của bạn đọc Đỗ Ngọc Hà (Hạ Long - Quảng Ninh) đề cập xung quanh vấn đề người trực tiếp luyện thi tham gia Ban ra đề.

Tôi là một bạn đọc của Tiền Phong ở TP Hạ Long (Quảng Ninh). Trong bài trao đổi này xin không bàn thêm đến quá trình ra đề có đảm bảo đúng quy chế hay không mà tôi muốn đề cập xung quanh vấn đề quy chế quy định người tham gia Ban ra đề như ông Trần Bá Giao - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT đã nêu.

Đề thi vào các trường đại học, cao đẳng được Chính phủ đưa vào Danh mục bí mật Nhà nước. Khi tham gia thành viên Ban ra đề thi nghĩa là đã tham gia vào việc tham mưu soạn thảo ra bí mật Nhà nước.

Thế nhưng theo ông Trần Bá Giao nêu “trong quy chế không đặt ra vấn đề là người tham gia ra đề không được luyện thi” là rất sơ hở vì như vậy rất dễ tạo điều kiện cho người ta vừa có thể “đá bóng” lại vừa được “thổi còi”.

Đấy là chưa kể đến việc quy chế chưa bám sát điều 17,18 Pháp lệnh Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung năm 2003 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tôi thì đưa một người vừa trực tiếp luyện thi vào tham gia Ban ra đề tuy không vi phạm quy chế, nhưng ai dám chắc rằng sẽ đảm bảo sự khách quan trong quá trình tham gia ra đề?

Liệu người đó có giữ mối liên hệ với các thầy khác và các trò trong “lò” mà mình đã từng luyện thi trong quá trình tham gia tham mưu soạn thảo đề thi đại học – tài liệu thuộc Danh mục bí mật Nhà nước hay không?

Bên cạnh đó, cũng theo ông Trần Bá Giao quy chế của Bộ GD&ĐT quy định người tham gia Ban ra đề chỉ cần “là người không có người thân dự thi đại học, cao đẳng” là cũng chưa rõ ràng. Theo tôi, khái niệm “người thân” ở đây rất chung chung. Thế nào là người thân: vợ, chồng, con, anh chị em ruột, cháu, chắt của người tham gia ra đề hay bạn bè, con, cháu của bạn bè thân thiết của họ?

Xin được trao đổi lại mấy vấn đề như vậy. Nếu quy chế kia thực sự sơ hở như thiển nghĩ của tôi thì đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại.

Đây chính là hành vi tham nhũng

Tôi mang tờ Tiền Phong số 137 (ngày 12/7/2005) cho hơn một chục vị phụ huynh cùng cơ quan, có con vừa dự thi đại học đọc bài “Lò” gặp may hay có “chuyện”?, để hỏi ý kiến. 100% câu trả lời đều thống nhất (với một thái độ bức xúc):

Nếu đúng như nội dung bài báo nêu thì rõ ràng là “có chuyện”, làm gì có sự “gặp may” nào mà sát đề đến thế? Bản thân tôi cũng đồng ý với các ý kiến này.

Theo tôi, hành vi của một số thầy lợi dụng quyền hạn (là thành viên của Hội đồng ra đề thi ĐH) để trục lợi (cung cấp các nội dung ôn tập “trọng điểm” gần sát với các nội dung có thể sẽ sử dụng làm đề thi cho các lớp “luyện thi cấp tốc”, từ đó thu hút học sinh đến tham gia luyện thi để thu lợi) chính là hành vi tham nhũng.

Hành vi này đã làm lộ (một phần) đề thi, nghĩa là làm lộ bí mật Nhà nước. Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, nếu đúng thì phải xử lý, thậm chí phải xử lý hình sự.

Qua sự việc này cũng mong Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng một số thầy vừa tham gia “luyện thi cấp tốc”, lại vừa là thành viên của “hội đồng ra đề thi ĐH” để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG