Cột điện…tâm sự

Cột điện…tâm sự
TPO - Xin giới thiệu, tôi là chiếc cột điện vô tri vô giác. Người đời vẫn đi qua hàng ngày, không ai để ý. Trừ lúc thả bộ trên hè phố, mải nhìn các em mặc váy ngắn đi xe máy ngược chiều, va bươu trán mới phát hiện trên đời này có…cột điện.

>> Điện lực dọa 'trảm', VNPT cầu cứu
>> Video Clip : Hà Nội bó 'rác trời'
>> Bộ Công Thương đề nghị EVN ngừng tháo dây trên cột điện
>> Cuộc chiến cột điện: VNPT kêu đắt, EVN cứng rắn
>> Cuộc chiến cột điện : EVN 'kể khổ'

Về nhà, bật công tắc, đèn sáng lên, điều hòa mát lạnh, tivi xem khắp thế giới, chat rồi email với bạn năm châu, ít ai nhớ ra, một phần công lao đó thuộc về tôi.

Cột điện…tâm sự ảnh 1
Ảnh : Hồng Vĩnh

Thảnh thơi thời bao cấp...

Giá như được một đại gia tư nhân dựng nên từ tiền túi thì không tranh cãi. Tuy nhiên, sinh ra từ thời bao cấp, sắt thép, xi măng đều do tiền đóng thuế và người công nhân cần mẫn xây lắp nên những cột điện ngày nay.

Chủ tôi có nhiều, tôi thuộc loại con hoang không ai chăm. Văn hóa thủ đô chỉ cần nhìn qua thân hình tiều tụy của tôi là đủ.

Thời gian đầu chỉ có mấy dây cáp điện treo trên đầu, dưới chân tôi dùng làm nhà vệ sinh lưu động. Thôi thì đủ các loại người từ sang trọng đến hành khất, sau khi các ông bia bọt trong quán, giải buồn ngay dưới chân tôi. Mùi khai, hôi thối bốc lên nồng nặc.

Mấy cái hốc hình thang được các bà các chị tranh nhau để đồ bán hàng rong, rồi căng dây, làm lều, mắc võng để ngủ vô tư giữa phố.

Tôi cũng lãng mạn lắm. Một blogger viết rằng, tối tối, dưới ánh đèn đường dìu dịu của cột đèn là tôi, từng đôi trai gái dặt dìu dạo bước. Họ vô tư trao nhau lời yêu thương ngọt ngào, thêu dệt những mộng ước mai sau, khiến cột đèn nín thở...Cũng có khi, cột đèn phải chứng kiến những điều dối trá và có đôi làm điều trái với thuần phong mỹ tục, khiến trái tim bê tông và sắt thép phải rỉ máu.

Oằn lưng thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nhưng rồi đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Cột điện cũng không nằm ngoài cơn bão thời cuộc, tôi mang thêm “nhiệm vụ” mới của thời đại. Từ ông viễn thông VNPT đến ông Vietel rồi ông truyền hình cáp, thi nhau trải cáp, lưng tôi oằn xuống cõng những “tổ cò” cáp thông tin.

Thay vì xây dựng hạ tầng thật tốt, nghiên cứu công nghệ không dây, đi cáp ngầm, họ sai quân đi khắp nơi rải cáp trên trời. Nơi dùng cột điện, nơi leo qua mái nhà, nơi dùng ngọn cây, bất kể thứ gì có thể treo cáp là vắt dây.

Tầm nhìn chiến lược hạn hẹp đã để lại hậu quả lên đôi vai của người nghèo như cái cột điện tôi. Đôi lúc, tôi muốn nói, nặng lắm rồi, xin các bác tha cho. Nhưng kẻ vô danh làm sao mở miệng.

Cột điện…tâm sự ảnh 2
Dùng thang tre bó "rác trời" tại khu vực Kim Liên - Trung Tự, Hà Nội. Ảnh : Việt Hùng

Mấy năm gần đây, khi công bố lượng máy điện thoại của cả nước như một thành công của ngành viễn thông thì người ta quên không nói số lượng “tổ cò” trong thành phố. Cáp viễn thông góp phần làm cho lưng kẻ nghèo như tôi còng thêm, văn hóa đi xuống và kiến trúc đô thị thảm hại. Biết tất cả nhưng cột điện tôi chỉ biết im lặng.

Từ khi EVN được “chuyển quyền sử dụng cột điện” thì tôi có ông chủ thật sự. Thú thật, ông chủ này cũng thuộc hàng “Nhà nước”, mà ở ta, Nhà nước thuộc về nhân dân. Ông ấy được quyền khai thác cột điện. Lời ông ấy hưởng và lỗ thì nhân dân chịu. Đó là qui luật muôn đời.

Mấy hôm nay, ông EVN đòi bán cột điện cho bên VNPT, Vietel với giá trên trời. Tôi quá hiểu anh Viễn thông thời “độc quyền”, do mấy công nhân đường dây thì thầm vào tai. Giá cước gần như cao nhất thế giới trong một thời gian dài. Lợi nhuận cao vì có ai đó như tôi cõng cho một phần giá xây dựng hạ tầng. Bây giờ phải ở riêng mới thấy khó làm sao.

Ước mơ của cột điện

Thử tưởng tượng vào một thành phố có những cột bê tông đề tên VNPT, cột Vietel, cột EVN.  Phía thuê cột hay trồng mới sẽ tìm cách nâng giá thuê bao, người dùng sẽ lãnh đủ, kéo theo nhiều hiệu ứng không mấy tốt đẹp cho xã hội, nếu các đại gia nhà nước không biết nhìn toàn cục.

Cho dù bán hay thuê cột điện thì tôi cũng chả được hưởng một xu nào từ lợi nhuận hàng nghìn tỷ.

Đất nước phát triển, nông trường heo hút, mảnh ruộng đầy muỗi bọ ngày xưa, nay thành đất ngọc,  và có lúc có nơi đang xảy ra tranh giành lợi ích nhóm. Cái cột điện vô tri là tôi bỗng trở thành con gà đẻ trứng vàng để các đại gia tranh nhau xẻ thịt.

Thôi thì ai trả tiền cũng được. Nhưng ước mong sao, nếu các đại gia bỏ tiền thuê thì những trường học nơi nghèo khó được nâng cấp, bệnh viện giảm tải, các thầy cô giáo được trả lương đủ mà không phải dạy thêm, và mặt bằng xã hội được nâng lên.

Suy cho cùng, từ xa xưa cho đến bây giờ, cột điện là do tiền thuế của dân đóng góp. Nếu dùng vốn của Nhà nước thì hãy trả vốn, lời lãi cho nhân dân.

Hãy nắm tay đoàn kết mà xây dựng đất nước, lợi ích nhóm không bao giờ đưa cột điện lên tầm cao mới và dân tộc khó bơi ra biển lớn.

Hiểu như thế thì sự mặc cả về tiền nong thuê cột điện mới hy vọng mang lại sự công bằng cho nhiều phía.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Vo Cuong; ...0205@yahoo.com

Tôi nghĩ cột điện hay bất cứ cơ sở hạ tầng nào khác đó đều là tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân chứ không riêng lẻ là tài sản của cá nhân nào hay của cơ quan tổ chức nào.

Việc điện lực quản lý cột đó chỉ là quản lý giúp nhà nước thôi, và hiện nay đơn vị khác, cũng là của nhà nước phục vụ lợi ích cho nhân dân có nhu cầu sử dụng cột điện tuy nhiên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của điện lực thì theo tôi cả hai bên cùng nhau sử dụng vì chung quy lại cũng chỉ là một ông chủ đó là nhà nước và cả hai đơn vị này đều phải trả tiền sử dụng cho nhà nước.

Điều quan trọng cả hai đơn vị phải lấy đại cục làm trọng đừng vì lợi ích cá nhân mà quên lợi ích nhà nước. Tất cả đó là tài sản của nhân dân, các doanh nghiệp nên nhớ điều này.

Lê Hùng; ...em@yahoo.com

Nếu các doanh nghiệp viễn thông không dùng cột điện EVN thì EVN liệu tính giá thành ra sao?

EVN là doanh nghiệp độc quyền nhưng không phải muốn làm gì cũng được. EVN có biết cột điện của EVN được trồng trên đất của ai không? Nếu địa phương nào cũng bắt EVN phải thuê đất để trồng cột điện thì EVN sẽ tính sao?

EVN làm ăn không có hiệu quả nên lãi thấp cũng là điều dễ hiểu. EVN phải tự nhìn vào bản thân mình chứ không nên ép các doanh nghiệp khác cùng gánh lỗ cho mình.

Tôi là một người dân, không thiên vị bên nào hết nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với việc làm của EVN đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Nguyễn Thế Lực; ...nt@yahoo.com.vn

Trong một thời gian dài qua các phương tiên truyền thông và cũng tốn không biết bao nhiêu công sức, giấy mực của các nhà báo nói về "cuộc chiến" giữa VNPT và EVN, cuộc chiến giữa "DÂY" và "CỘT" đến nay cũng chưa có hồi kết thúc.

Chúng tôi là những người dân sống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa xin góp tiếng nói chung về vấn đề này.

Chúng ta lật ngược lại thời gian từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước (trong thời kỳ bao cấp và chuyển sang kinh tế thị trường), trong thời gian này ông Bưu điện cứ vô tư thoải mái treo dây trên cột điện lực mà không cần phải xin phép ai cả và cũng chẳng trả tiền cho ai bao giờ, hễ thấy cột của Điện lực vừa dựng xong (chưa kéo dây điện) thì đem quân thi công đường dây Bưu điện, dẫn đến cột siêu vẹo, nghiêng ngã thì có ông nhà đèn lo.

Thời gian này chỉ biết lắp điện thoại và thu tiền mà thôi và chúng ta nhớ lại thời gian này giá cước điện thoại, tiền thuê bao, các dịch dụ hỗ trợ, ... cao ở mức nào.

Đến nay đã khấu hao hết mọi thứ thì có chương trình khuyến mãi giảm giá được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Mãi đến những năm 2003 EVN mới triển khai cho thuê cột điện, lúc này giá cho thuê là tạm tính để bù đắp lại một phần chi phí duy tu bão dưỡng.

Trong thời buổi kinh tế thi trường, kinh doanh là sòng phẳng, khi bỏ đồng vốn ra kinh doanh thì phải có lãi. Nên việc thu tiền thuê cột điện của EVN là hợp lý để có chi phí duy tu, sửa chữa, bão dưỡng các cột điện nhằm đảm bảo an toàn và phần nào cũng nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý các dây cáp treo trên cột Điện lực.

Chúng tôi là những người dân rất đồng tình với EVN thu tiền thuê cột điện nhằm góp phần làm cho mỹ quan đô thị sáng đẹp hơn.

Trương Cải; ...cai@ymail.com

Tiền Phong nên đề nghị các cơ quan chức năng thu tiền mặt bằng dựng cột điện của EVN nộp vào ngân sách nhà nước.

Nguyễn Linh; ...domaya@yahoo.com.vn

Theo tôi thì dù giá thuê cột bao nhiêu thì cũng không thể chấp nhận bó "rác trời" trên cột điện cứ nhiều lên mãi. Nếu không cho tháo xuống thì tội gì các Ông nhà mạng lại không treo ào ạt cáp thông tin lên cột. Vì treo xong ai tháo xuống của tôi được? Nếu tai nạn xảy ra thì có Ông nhà mạng nào chịu trách nhiệm không? Liệu như thế có công bằng không?

Vì vậy tôi đề nghị Bộ TT&TT cần ban hành và hướng dẫn quy trình treo cáp thông tin lên cột để lập lại trật tự về việc này, đồng thời hướng dẫn ông nhà đèn quy trình tháo dỡ và làm sạch đẹp bó cáp thông tin trên cột điện cho TP của chúng ta vừa đẹp lại vừa an toàn.

Còn về giá thuê cột tại sao chưa thấy Ông nhà mạng nào đưa bảng tính toán cụ thể để dân thấy là quá cao như đã kêu không nhỉ? Nếu quả thật như thế thì chỉ các cơ quan chức năng chỉ cần thẩm tra là có thể kết luận được ngay việc gì mà phải để kéo dài như vậy

Đỗ Vân Toản; ...171@gmail.com

Tôi thấy sự việc quá đơn giản, về kinh tế: Giá cột, chi phí nhân công, bảo dưỡng ... Chung quy lại các loại tiền của EVN hay VNPT... đều là tiền thuế của nhân dân và doanh nghiệp ....

Vấn đề cốt lõi là thu tiền này để làm gì? Liệu có trả lại cho dân và doanh nghiệp không; Chính phủ cần vào cuộc để những hành động độc quyền, không vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc cần phải nghiêm trị.

Nguyễn Hậu; ...thaiha@yahoo.com.vn

Dù gì thì Nhà nước phải nắm quyền quyết định vì cột điện cùng diện tích đất và khoảng không (không gian) cho nó chính là tài sản của NN.

Nếu bên Điện lực (là 1 trong 3 bên là ĐL, viễn thông và bưu điện) được quyền thuê đất và không gian của NN để dựng cột điện thì ĐL có quyền cho thuê lại với giá cả hợp lý. Giá thuê này các Bộ liên quan (đại diện NN) có thể kiểm soát được, khi đó các DN thuê lại phải chấp nhận giá đó.

Ngược lại, bên ĐL sẽ phải trả tiền thuê đất và không gian cho NN với giá thoả đáng, như vậy mới công bằng. Đồng thời, hợp đồng trách nhiệm giữa các bên phải chặt chẽ đầy đủ hơn: bên chủ cột điện (ĐL) phải xây dựng, duy tu, bảo đảm an toàn trong sử dụng...

Còn các bên sử dụng phải có trách nhiệm về tài chính, về việc bảo đảm kỹ thuật và an toàn khi kéo dây, không được vô trách nhiệm tạo ra "rác trời" hiện nay như lời kêu ca của bên ĐL.

Văn Lâm; ...23450@yahoo.com.vn

Ý kiến chỉ đạo của NN cần đặt mục tiêu giải toả được thực trạng các loại dây treo quá nhiều trên cột điện gây mất mỹ quan và nguy hiểm, còn vấn đề tiền bạc, người dân không quan tâm nhiều vì EVN hay VNP hay Vietel... đều là cty NN cả, tiền về đâu cũng là tiền NN.

Long Sy; ...761@gmail.gov.vn

Tôi đã đọc bài viết, thật sự cá nhân tôi có nhiều suy nghĩ. Nhưng để giải quyết được những trăn trở của tác giả " Cột điện" thì còn lâu lắm. Bởi lĩnh vực này động chạm đến lợi ích của không ít người, còn lợi ích của nhân dân thì còn cả một quá trình.

Người dân

Đối với hệ thống giao thông đường bộ, thì nhà nước xây dựng đường, cầu, cống cho giao thông để quản lý thu phí cho thuê phương tiện đi lại; đến lượt ngành điện lực cũng vậy, nhà nước đầu tư trồng cột điện để điện lực thu phí các anh khác thuê cũng được chứ sao lại không?

Cách quản lý như vậy còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu lại.

Nguyễn Kiên Trung; ...k@yahoo.com

An toàn là trên hết! Sau những tai nạn liên quan đến các dây viễn thông, thiết nghĩ chỉ có 1 QĐ duy nhất đúng là tháo dỡ toàn bộ các dây tầm gửi trả lại đúng mục đích cho các cột Điện.

Phùng Văn Thanh; ...phungvan@yahoo.com

Nếu như các anh Viettel, VNPT... mỗi nhà đài sẽ tự trồng cột bê tông cho nhà mình thì chắc đường phố sẽ không sợ "lấn chiếm" bởi có "hàng rào" cột bê tông!

Lương Văn Lăng; ...labg@yahoo.com

Giá thuê cột điện của VNPT và các Công ty Viễn thông khác phải tính đúng tính đủ và nộp vào Ngân sách nhà nước.

Đã nhiều năm các Công ty viễn thông đã không trả tiền hoặc trả chưa đủ tiền thuê cột điện nên họ quyết toán có lời nhiều và họ chia thưởng cho CB CNV rất cao, rất bất hợp lý so với các ngành khác. Do vậy phải thu đủ để nộp vào ngân sách thông qua EVN để đầu tư những công trình mới.

Phương Đức; ...14@yahoo.com.vn

Tôi là một người dân khi đọc tin này cũng như thời gian qua, đã nghe rất nhiều sự nói qua nói lại về vấn đề "Cột điện".

EVN, VNPT cũng như Vietel cả ba doanh nghiệp này đều của nhà nước cả, hạ tầng cột điện trước kia đã được nhà nước đầu tư chỉ có việc khai thác thôi. Thử hỏi 3 ông lớn này đều là nhà nước cả, mà nếu đấu đá kiểu này thì đất nước như thế nào? Chưa nói vấn đề tài chính, về mỹ quan đô thị nếu ông nào cũng có cột riêng thì đô thị là như thế nào nữa.

Kinh phí làm cột điện mà EVN đưa ra như vậy thì thanh tra xem như thế nào, không có cơ sở mà được à. Đây là lúc cần quyết định cứng rắn của Thủ tướng, kính mong Thủ tướng có biện pháp đừng để vấn đề như thế này tiếp diễn.

Nguyễn Văn Thanh; ...thanh@yahoo.com

Giành nhau cột điện và bắt chẹt nhau. Để giải quyết vấn đề này theo đúng quá trình phát triển xã hội cho tương lai nên giao cho công trình đô thị quản lý.

Hai đơn vị này phải thuê của công trình đô thị vì có như vậy cảnh quan của thành phố mới đẹp được, thành phố không phải đào đường nhiều vì bắt buộc công trình đô thị phải làm những đường ngầm và cột điện tốt hoặc có quy hoạch làm cơ sở hạ tầng phù hợp với cảnh quan đô thị cung cấp dịch vụ cho điện và viễn thông thuê.

Đó là cách tốt nhất, còn không giải quyết được tranh chấp thì nên cách chức hai ông Tổng giám đốc vì có mỗi việc cỏn con này mà không thoả thuận được với nhau. Vì nếu nhìn lại lịch sử thì điện và bưu điện trước đây đều dùng chung cột điện.

Ngọc Thịnh; ...thinh@yahoo.com.vn

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả bài viết qua đây tôi xin góp đôi lời với EVN: Người dân Việt Nam thu nhập, hưởng lương theo đặc thù của đất nước cớ sao EVN đem giá điện tính bằng USD để so sánh với giá điện trong nước để đề nghị tăng giá điện trong thời gian tới cũng như giá xăng.

Vậy tới đây còn mặt hàng nào sẽ tiếp tục đề nghị tăng giá ???

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.