Đôi điều suy ngẫm của một du học sinh về quê ăn Tết

Đôi điều suy ngẫm của một du học sinh về quê ăn Tết
TPO - Là một du học sinh tại Pháp từ nhiều năm nay, nhân dịp về thăm gia đình những ngày Tết Kỷ Sửu đây cũng là cơ hội để tôi chứng kiến những đổi mới của đất nước, suy ngẫm đôi điều...

>> Loạt bài về văn hóa ứng xử nơi công cộng của TPO

Đôi điều suy ngẫm của một du học sinh về quê ăn Tết ảnh 1
Phóng sinh, phóng luôn túi bóng !. Ảnh chụp chiều 30 Tết Kỷ Sửu tại Hồ Thiền Quang, Hà Nội. Ảnh : Phan Kiền. 

Nước Việt Nam ta ngày một giàu mạnh hơn, khang trang hơn. Mức sống người dân trong những năm qua được nâng cao rõ rệt. Giờ đây nhà nhà xe máy, người người xe máy. Số lượng xe cộ ùn ùn như mắc cửi.

Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được áp dụng, dễ dàng nhận thấy ngay từ những ngày đầu ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của người dân đã được thể hiện khá tốt. Dẫu còn nhiều bất cập, song việc người dân đi xe máy không đội mũ bảo hiểm là rất cá biệt.

Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay tôi luôn luôn có cảm giác chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cái bóng tâm lý của hai từ "đối phó".

Theo quan sát, vào ban ngày tại các ngã tư, ngã năm có đèn giao thông hay có CSGT đứng thì hầu như không có vượt đèn đỏ. Nhưng nếu bạn ra đường buổi sáng sớm hoặc khuya muộn, đường phố rất vắng vẻ và CSGT hầu như không trực nữa, đến bất cứ ngã tư nào chúng ta đều thấy rất nhiều xe máy vượt đèn đỏ, chỉ rất ít ôtô và một vài người đi xe máy "thừa thời gian"(!) là dừng lại.

Tôi tự hỏi tại sao người dân nhiều nước trên thế giới lại có ý thức tốt hơn chúng ta. Hoàn toàn không phải do bộ óc của họ khác của chúng ta.

Tại các nước có nền công nghiệp phát triển như Pháp, Mỹ, Anh, Đức..., những trường hợp vi phạm luật giao thông là không có "châm chước", chẳng có "đôi co". Không chỉ bị phạt tiền, việc bấm lỗ bằng lái, thu bằng lái xe được thực hiện hết sức triệt để và hiệu quả.

Thậm chí việc đội mũ bảo hiểm thích hợp khi đi xe đạp được người dân thực hiện rất tự giác. Người dân không chỉ đơn giản biết sợ luật hay bị bắt buộc phải tuân thủ luật nghiêm mà cao hơn, họ ý thức được đó là trách nhiệm của bản thân, là tôn trọng mình và người khác…

Riêng tôi tự nhận thấy có lẽ chưa lên được “tầm cao" như vậy, nhưng chúng ta chỉ cần tâm niệm đơn giản thế này : ngày mai ra đường tôi vượt đèn đỏ đâm phải ai đó, đến ngày kia những người khác vượt đèn đỏ đâm phải người thân mình. Lúc đó phải làm sao, cười chua chát hay khóc đau đớn đây?!

Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, từ rất lâu việc xả rác lần đầu sẽ bị phạt 500 đô Singapore. Nếu tái phạm sẽ bị phạt lao động nhiều giờ công ích, có khi còn bị phạt tù.

Bữa trước trên chặng đường đi du xuân, tôi bắt gặp 2 trường hợp : một quên gạt chân chống xe máy và trường hợp còn lại để mũ bảo hiểm trên…đùi.

Sau khi thấy tôi nhắc họ, người bạn đi cùng nói : "ôi dào kệ họ, không sao đâu.  Bây giờ ở VN cậu sẽ chẳng thấy ai thừa hơi như cậu đâu!". Nhưng tôi không nghĩ vậy. Khi đó tôi nghĩ rằng chỉ bằng hành động đơn giản, biết đâu tôi đã cứu được một trường hợp chấn thương sọ não (thậm chí tử vong), 2 người gẫy chân gẫy tay, đã cứu được cái Tết nồng nàn niềm vui và hạnh phúc của họ…

Hay chưa cần nghĩ tới người khác, chỉ cần nghĩ "ích kỷ" rằng tôi sẽ thanh thản, không phải ân hận và day dứt nếu lỡ có chuyện không may xảy ra đã quá đủ để tôi không hề có chút đắn đo do dự khi nhẹ nhàng nhắc giúp họ.

Hay có câu chuyện vui cười ra nước mắt ngày ông Công ông Táo : một bạn trẻ dẫn  người bạn người nước ngoài đi xem nét đẹp phong tục thả cá chép ra hồ sau khi cúng ông Công ông Táo của Việt Nam.

Khi nhìn thấy người dân vứt rác "hồn nhiên" đầy bờ, rồi vứt cả xuống hồ thì “anh tây” cứ liên tục thắc mắc hỏi "Thả cá thì thả cả túi rác à?" làm bạn trẻ kia ngượng chín mặt...

Kinh nghiệm nhiều nước phát triển trên thế giới cho thấy chính sách và sự cưỡng chế luật pháp chỉ là một góc của vấn đề. Giáo dục ý thức mới là quan trọng. Chúng ta cần hoạch định ra những mục tiêu mới, điều này hoàn toàn hợp với nguyện vọng muốn đất nước phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn, bạn bè quốc tế phải nể trọng hơn.

Vì thế hiện nay người dân cả nước nói chung và đặc biệt là người dân tại các thành phố lớn cần nhìn ra trách nhiệm, ý nghĩa và tự giác đi tiên phong, gấp rút nâng cao "tầm vóc" giá trị của bản thân.

Để nấc thang "lên một tầm cao mới" được thực hiện triệt để và bền vững, cả hai yếu tố trách nhiệm của Nhà nước và ý thức người dân đều rất quan trọng. Tuyệt đại đa số người dân đã bước đầu thể hiện tốt ý thức cá nhân. Về phần các cơ quan Nhà nước các cấp cũng cần tiếp tục thể hiện rõ trách nhiệm của mình.

Thiết nghĩ, chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì bao giờ ? Sang xuân mới, hy vọng và mong lắm thay những người Việt "lạc hậu" trong  chúng ta sẽ nhanh chóng tiến lên một tầm cao mới.

Đặng Quốc Long
Admin Diễn đàn SV Việt Nam tại Pháp

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Dương Đình Giám, Email: ...giam@yahoo.com

Cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp

Đọc bài viết của bạn SV ở Pháp về và một số phản hồi từ bạn đọc, tôi thấy để giải quyết các vấn đề tương tự, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Chúng ta không thể chờ để giáo dục lại từ thế hệ mẫu giáo. Bởi như vậy thì phải khoảng 20 năm nữa, chúng ta mới không còn thấy những cảnh tượng như vậy.

Chúng ta cũng không thể chỉ giáo dục người dân một cách từ từ. Vì giải pháp này xem ra đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng dường như ít có tác dụng.

Ngoài 2 giải pháp trên, chúng ta cần thực hiện phạt nặng những hành vi vi phạm pháp luật, từ việc nhỏ đến việc lớn, mà không có nhân nhượng. Có như vậy mới là giải pháp giáo dục trực tiếp và có hiệu quả đối với người dân VN.

Ngoài ra, một giải pháp rất quan trọng, đó là phải có một đội ngũ những người thừa hành công vụ tận tâm với công việc. Mà dường như giải pháp này tuy là quan trọng nhất, nhưng lại khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Thật đáng buồn.

Anh Phong, Email: ...02@gmail.com

Sợ CSGT hơn sợ vi phạm luật

Đúng là những vấn đề bạn viết về ý thức người dân mình còn quá kém quả không sai. Ra đường nhiều người sợ cảnh sát giao thông hơn sợ vi phạm luật giao thông; Rồi chuyện xe to đâm vào xe nhỏ, xe máy va người đi bộ, dù có đúng mười mươi đi chăng nữa, nhưng phương tiện giá trị hơn vẫn phải đền cho người đi phương tiện thô sơ hơn... thật đúng là hiếm nơi đâu có chuyện như thế.

Tôi đã tự hỏi, phải chăng ta đang phải trả giá cho thời kỳ quá độ từ một nước nông nghiệp, tác phong của tiểu nông? Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một phần, nhưng nguy hiểm hơn là dư luận XH cũng coi đó là bình thường...

Luật pháp không nghiêm là căn nguyên của vấn đề, nạn mãi lộ phổ biến mà các cơ quan vẫn cho rằng không bắt được. Xin thưa cứ đi xe đường dài, nghe các lái xe nói chuyện là bạn hiểu ngay.

Rồi còn rất nhiều điều diễn ra trong đời sống: Đó là tác phong lề mề, họp nhiều mà không hiệu quả, người nói chẳng có người nghe, cứ thấy họ vỗ tay là tưởng mình nói hay lắm, đúng vấn đề lắm...đâu phải vậy.

Tôi nghĩ là cần phải có thời gian và nhất là sự đồng thuận của XH thì ta mới lên tầm cao mới được, chứ nếu như thế này mãi thì khối người xấu hổ khi ai đó nói về tác phong xấu của người VN.

Đào Phú Phương, Email: ...55421@yahoo.com

Bắt đầu bằng giáo dục từ mẫu giáo trở lên

Tôi thực sự hoan nghênh bài viết của bạn về tình trạng thiếu ý thức chấp hành luật giao thông và ý thức giữ vệ sinh công cộng của đại đa số người Việt nam chúng ta.

Tôi cũng là một du học sinh và đang sống ở Mỹ được mười một năm, tôi cũng rất yêu Việt nam và chỉ mong muốn một ngày nào đó quê hương tôi cũng được sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, nên tôi có một ý kiến nhỏ như sau:

Chúng ta nên bắt đầu bằng cách ra điều kiện bắt buộc với tất cả mọi nguời phải thực hiện giữ vệ sinh chung và chấp hành luật một cách nghiêm chỉnh ...nếu ai vi phạm phải bị xử phạt hành chính thật nặng ( thậm chí lần đầu) và phải được đưa lên các thông tin đại chúng như các chương trình phát thanh hay truyền hình hàng ngày hay báo chí...và phải kết hợp với nhà trường giáo dục thường xuyên ý thức của tất cả học sinh từ lớp mẫu giáo trở lên...

Ở các nước phát triển họ coi trọng vấn đề vệ sinh công cộng nhất...nên nhà vệ sinh công cộng phải luôn được ưu tiên hàng đầu...vì họ coi trọng "đầu ra" ... Có phải chăng quê hương mình coi chuyện nhà vệ sinh ...là không đáng quan tâm? Tôi cho đây cũng là một kiểu văn hoá...văn hoá vệ sinh công cộng... Thiết nghĩ nhà nước cũng nên quan tâm hơn đến vấn đề này ...

Ca dao tục ngữ chúng ta vẫn có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm" hay .."Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" ...những điều vụn vặt đó nếu ai trong chúng ta cũng có ý thực thực hiện thì điều được trước nhất là cho chính bản thân mình...sau là cho cả một cộng đồng.

Nguyễn Quốc Huy, Email: ...161@yahoo.com

Bạn Long thân mến. Tâm sự của bạn cũng như nhiều người đã từng học tập và công tác ở các nước phát triển đều giống nhau. Khi về nước các bạn luôn đặt câu hỏi tại sao mọi người lại làm thế nhỉ, sao họ không làm giống như mình làm nhỉ.

Nếu bạn tự đặt mình vào hoàn cảnh của đa số người dân thì sẽ thế nào, liệu bạn có làm được những gì như bạn nói không. Những yếu tố gì tạo ra ý thức của một con người, của một cộng đồng.

Kể ra sẽ có rất nhiều yếu tố, tôi chỉ nói đến 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là điều kiện sống. Đời sống nhân dân ta đã được nâng cao từng ngày, nhưng so với các nước phát triển thì đang đứng ở đâu?

Liệu có ai tự giác bỏ mấy trăm ngàn mua một cái mũ bảo hiểm tốt khi còn chưa biết cuối tháng có đủ tiền tiêu không. Liệu có ai có ý thức mua bảo hiểm để nâng cao mức độ an toàn cho bản thân, gia đình khi con cái họ còn chưa có tiền đóng học phí.

Đời sống của dân ta được nâng cao thì tất nhiên ý thức sẽ tự nâng cao. Mười năm trước người dân Hà Nội còn chẳng phân biệt được đèn màu đỏ và màu xanh ấy chứ, thế mà bây giờ cũng khá đấy chứ.

Thứ hai là môi trường làm việc và môi trường sống. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp. Thế thì ít nhiều chúng ta bị ảnh hưởng bởi tư duy nông nghiệp từ bố mẹ, ông bà, bạn bè, đồng nghiệp v.v. Vậy nên làm sao có thể so sánh chúng ta với những nước có hàng trăm năm công nghiệp hoá.

Cái thời đất nước ta còn đang chìm sâu trong chế độ phong kiến lạc hậu thì tại Paris, thủ đô của đất nước bạn đang du học đã có thị trường chứng khoán. Chúng ta đi học ở những nước văn minh hơn không phải để thất vọng với những điều xảy ra ở quê nhà mà phải nhìn ra tận gốc vấn đề để hy vọng góp phần thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến.

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG