Đổi mới từ những điều không mới

Đổi mới từ những điều không mới
TPO - Diễn đàn Trả lại vị thế cho môn Lịch sử đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng cao. Để tạm khép lại diễn đàn này TPO xin trích đăng tham luận của TS Kiều Thế Hưng - Phó Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội - tại một hội thảo phương pháp giảng dạy lịch sử.
Đổi mới từ những điều không mới ảnh 1
Chấm thi môn Lịch sử tại trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Lan Hương/VNN

Xin được bắt đầu từ một buổi giảng tập của sinh viên sư phạm ngành Lịch sử. Sau khi kết thúc giờ giảng, cả lớp lắng nghe thầy hướng dẫn góp ý. Bằng sự am hiểu sâu sắc, thầy đưa ra những ý kiến xác đáng về nội dung và phương pháp trình bày. Thầy khuyên học trò không nên làm thế này, mà phải làm thế kia, chỗ này phải lướt qua thôi, chỗ kia phải sâu hơn, chỗ này phải nên thế này, chỗ kia phải nên thế kia,v.v... và v.v… Một giáo sinh khác lại lên bảng, thầy lại góp ý…

Tan buổi giảng tập, tôi có hỏi một giáo sinh: em nhận xét thế nào về buổi học hôm nay? Trả lời: Thầy góp ý rất hay, rất đúng, nhưng giá như cùng với những lời góp ý lý thuyết, thầy lên bảng làm thật, như một giáo viên đang giảng bài đó ở một trường phổ thông nào đó, thì hay biết mấy. Thầy nói phải đi lướt thôi, nhưng lướt thế nào thì chẳng dễ chút nào cả. Thầy nói phải trình bày diễn cảm, nhưng diễn cảm thế nào thì đâu có dễ, giá như… (vâng! lại giá như), mỗi lý thuyết thầy đưa ra được minh họa bằng một thao tác thật thì tốt hơn và đó mới là cái giáo sinh đang cần

Thiết nghĩ, cũng như người bác sỹ tài ba khi hướng dẫn sinh viên y khoa trên bàn mổ, thầy không những nói lý thuyết phải mổ như thế nào mà thầy cầm dao thật, và mổ thật! Tương tự như thế đối với những ca sĩ bậc thầy khi hướng dẫn các học trò của mình: thầy không chỉ nói phải hát như thế nào, mà thầy hát bằng giọng thật và với phong cách thật của thầy. Cũng tương tự như người huấn luyện viên tài ba và dàn cầu thủ tuyệt vời trong bóng đá: huấn luyện viên không chỉ đá bóng bằng lý luận, bằng lý thuyết, bằng sơ đồ, mà thầy đá bằng đôi chân thật của thầy.

Dạy nghề là phải thế, một logic quá đỗi bình thường! Nhưng cái logic dạy nghề ấy theo tôi cơ bản chưa trở thành bình thường trong dạy học ở các trường sư phạm hiện nay. Nó càng không bình thường hơn khi đây là vấn đề của một quan điểm, một thói quen đã tồn tại khá lâu trong dạy học. Nó cần được xem xét và đổi mới, dẫu chỉ là đổi mới cái vốn không phải là mới trong quy trình đào tạo của nghề dạy học.

Dạy học là một khoa học, một nghệ thuật, nhưng trước hết dạy học là một nghề. Nghề nào cũng vây, cần phải có mục đích rõ ràng, có nội dung xác định và điều tất yếu là phải có một hệ thống thao tác nghề tương ứng. Thao tác nghề kết tinh trong đó bản chất cơ bản của nghề. Đó là quá trình vật chất hóa lý thuyết nghề thành các thao tác cụ thể.

Không có thao tác nghề, không thể thành nghề. Thao tác nghề chính là tiêu chí trực tiếp nhất, quyết định hiệu quả của hoạt động nghề. Giữa lý thuyết nghề và thao tác nghề có mối quan hệ chặt chẽ, song đây là hai phạm trù không đồng nhất. Sự lẫn lộn và đồng nhất hai phạm trù này trong dạy học sẽ là một sai lầm lớn.

Muốn nâng cao chất lượng dạy học nói chung, chất lượng dạy học Lịch sử nói riêng, phải nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo. Phải đổi mới trước hết ở thầy giáo. Phải có thầy giỏi mới đổi mới được. Mà muốn có thầy giỏi, bên cạnh kiến thức khoa học cơ bản và lý thuyết về phương pháp dạy học, thầy phải giỏi thao tác nghề - giỏi thao tác sư phạm.

Không giỏi thao tác nghề, không thể trở thành thầy giỏi. Thầy có thể nắm khá vững về kiến thức lịch sử cơ bản và lý thuyết về phương pháp dạy học (đây là nhân tố rất quan trọng và nền tảng) nhưng nếu không giỏi về thao tác nghề, thao tác sư phạm, thì nhiều lắm thầy chỉ có thể trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử tài ba, một nhà phương pháp luận nổi tiếng chứ khó có thể trở thành một người thầy dạy giỏi về lịch sử được.

Xin lưu ý, việc nắm vững kiến thức cơ bản, nắm vững lý thuyết phương pháp không tự nó đẻ ra thao tác tương ứng. Thao tác sư phạm là một lĩnh vực khoa học, có nội dung, có nguyên tắc, có các nhân tố cấu thành, có quy luật vận động riêng của nó.

Thao tác nghề, thao tác sư phạm có vị trí quan trọng như vậy nhưng lâu nay ít được quan tâm đúng mức. Các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm đã quan tâm rất nhiều đến nội dung và phương pháp lý thuyết về dạy học. Điều đó là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi chất lượng đào tạo giáo viên, cuối cùng phải được thể hiện ở thao tác nghề. Kiến thức cơ bản và lý thuyết phương pháp là điều kiện tất yếu, quan trọng nhưng không thay thế được cho thao tác nghề, nó phải được chuyển hóa qua thao tác nghề thì mới có giá trị hiện hữu trong dạy học.

Trong thực tế còn quá ít những công tình nghiên cứu về thao tác nghề, để xem xét nó dưới góc độ khoa học, làm cho nó có giá trị phổ biến chứ không chỉ là những thủ thuật, những năng khiếu của những cá nhân. Chương trình nghiệp vụ sư phạm ngày càng được bổ sung, đổi mới, nhưng cũng chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn trong chương trình đào tạo của bộ môn phương pháp, phần nào đó vẫn còn nặng về lý thuyết trong nội dung cũng như phương thức thực hiện.

Thao tác nghề, trình độ tay nghề của giáo sinh cũng chưa được coi trọng đúng mức trong tiêu chí đánh giá giáo sinh sư phạm. Trên thực tế, nhiều nơi vẫn đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp sư phạm chủ yếu bằng một luận văn chuyên sâu về khoa học lịch sử cơ bản, trong khi đó, thước đo quan trọng nhất để đánh giá trình độ sư phạm, quyết định hiệu quả, chất lượng sư phạm- xét cho đến cùng và ở khâu cuối cùng - là ở trình độ tay nghề, ở khả năng thực hiện thao tác nghề.

Nên chăng, phải làm ngược lại! Không ai đánh giá ca sĩ chủ yếu chỉ bằng lý luận âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, bằng sự am hiểu bác học về âm nhạc, mà phải đánh giá bằng giọng hát và cách thể hiện bài hát trên sân khấu. Bởi vì, cái mà ta đào tạo là ca sĩ chứ không phải là nhà lý luận âm nhạc. Cái mà các trường sư phạm đào tạo là giáo viên dạy sử chứ không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà nghiên cứu về lý luận dạy học lịch sử.

Sự quan tâm chưa đúng mức tới thao tác nghề trong dạy học lịch sử hiện nay không chỉ thể hiện trong quan điểm, trong nội dung đào tạo mà còn thể hiện ở quy trình đào tạo nghề. Theo logic thông thường, quy trình đào tạo nghề cần phải trải qua các bước quan trọng: nắm vững lý thuyết, làm thuần thục theo mẫu, sau đó mới sáng tạo. Trên thực tế, rất ít khi sinh viên được xem mẫu như là một quy trình đào tạo nghề. Các trường sư phạm hầu như cũng ít quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ giáo viên làm mẫu chuyên nghiệp.

Với đào tạo nghề, mẫu là kết tinh của nghề, toàn bộ lý thuyết phải được chuẩn hóa qua mẫu, người học nghề cần phải được thuần thục thao tác theo mẫu, trên cơ sở đó mới sáng tạo. Thao tác nghề đòi hỏi một quá trình rèn luyện công phu, chi tiết, lâu dài, nhiều thao tác phải trở thành kỹ năng, kỹ xảo. Nhưng tất cả điều đó chưa trở thành quy trình đào tạo nghề trong trong dạy học lịch sử hiện nay. Các trường sư phạm cũng ít có cơ sở vật chất tương ứng, chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện thao tác nghề.

Do đó, cũng thật dễ hiểu khi nhiều giáo sinh còn kém về những kỹ năng phổ biến trong dạy học, những kỹ năng giúp cho bài học trở nên sống động, hấp dẫn, đúng như tiềm năng và yêu cầu của dạy học lịch sử hiện nay. Trong hoàn cảnh đó, việc khởi công xây dựng Trung tâm Nghiệp vụ sư phạm của trường ĐHSP Hà Nội dẫu là quá chậm - nhưng dù sao cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học là vấn đề lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, liên qua toàn diện đến các vấn đề thuộc nội dung, phương pháp dạy học và cả những quan niệm, thái độ của xã hội, của các cấp quản lý với giáo dục. Nhưng xét cho cùng, nhân tố quyết định nhất, trực tiếp nhất vẫn là đội ngũ giáo viên và thao tác nghề, thao tác sư phạm của họ. Mọi đổi mới về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học học cuối cùng cũng phải thông qua thao tác của người giáo viên.

Đó là chiếc cầu nối vật chất để biến mục đích, nội dung, phương pháp dạy học, biến những đổi mới trong dạy học trở thành giá trị hiện hữu. Không có điều đó, không quan tâm đến điều đó, mọi đổi mới mãi mãi vẫn ở bên này của dòng sông chất lượng, mãi mãi vẫn chỉ là tiếm năng, là lý thuyết mà thôi.

Chính vì thế, cùng với việc tiến hành các hoạt động đổi mới về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học tiên tiến, hiện đại, hãy đổi mới việc đào tạo tay nghề cho giáo sinh sư phạm, từ quan điểm, nội dung, phương pháp đến cách thức tổ chức thực hiện. Đó là những cái vốn không phải là mới, nhưng có ảnh hưởng quyết định, trực tiếp tới chất lượng dạy học hiện nay. Chỉ có như thế mới trả lại cho bộ môn lịch sử sự hấp dẫn, sinh động và những giá trị to lớn của nó trong hành trang tri thức và tư tưởng của thế hệ trẻ ngày nay.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.